[Infographic] Bizweb: 40% shop online có kết quả kinh doanh "đáng quên"

Năm 2015 được đánh giá là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế thị trường từ trước tới nay. Trong khi có rất nhiều thương gia “xắn tay áo” tham gia thị trường lại có không ít doanh nghiệp bại trận, dừng cuộc chơi.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong năm 2015 có hơn 90.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng lại có tới gần 81.000 doanh nghiệp giải thể hoặc gặp khó khăn phải ngừng hoạt động, con số này tăng 19% so với năm 2014.

Để nhìn nhận bức tranh tổng quát về tình hình kinh doanh cũng như các vấn đề mà các chủ shop online đã gặp phải trong năm 2015 vừa qua, tháng 1/2016, Bizweb đã thực hiện cuộc khảo sát ngẫu nhiên 2000 khách hàng là các chủ website trong tập hơn 13.000 khách hàng của mình.

Xem bản Infographic chất lượng cao tạị đây

Gần 40% doanh nghiệp hoặc dậm chân tại chỗ, hoặc đi lùi

Kinh doanh chưa bao giờ là “dễ” đối với bất cứ doanh nghiệp nào, đặc biệt là những các chủ shop online khi sức chưa đủ mạnh, tiềm lực chưa đủ nhiều. Có thể nói đây là loại hình chiếm phần lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, họ phải “gồng mình” để cạnh tranh trong cuộc chiến kinh tế sinh tồn bởi sẽ không có gì đảm bảo họ sẽ “may mắn” nằm ngoài những cái kết “xấu số”.

Theo khảo sát, gần 40% shop online không tăng trưởng, tức cứ 100 shop thì có tới 40 shop có kết quả kinh doanh bằng hoặc tệ hơn so với năm ngoái. Phần lớn (chiếm tới 72%) những shop online đang kinh doanh dậm chân tại chỗ, thậm chí là đi lùi nằm ở nhóm có doanh thu dưới 200 triệu/năm.

Một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy đó là vẫn còn rất nhiều chủ shop còn dè dặt khi đầu tư ngân sách tiếp thị trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt “nhà nhà, người người buôn bán online”. Thực tế, có tới 15% các shop được khảo sát không hề có hoạt động tiếp thị nào trong năm 2015.

Website, Facebook dẫn đầu xu hướng bán hàng đa kênh

Các shop online có xu hướng sử dụng tất cả các kênh bán hàng có thể dùng như website, mạng xã hội, sàn giao dịch, diễn đàn, rao vặt, mua theo nhóm, bán tại cửa hàng… Trên 28% các shop tham gia khảo sát sử dụng đồng thời tất cả các kênh này.

Thay vì chỉ bán hàng trên kênh đơn lẻ, họ sẵn sàng tham gia tất cả các kênh và phân bổ nguồn lực vào những kênh chính. Các shop online đang có xu hướng bán hàng đa kênh giữa website - mạng xã hội - sàn giao dịch TMĐT. Trong đó, website và Facebook là 2 kênh bán hàng mà các shop tập trung chủ yếu. Có 95-98% các shop online sử dụng website, Facebook và hơn 50% trong số đó đánh giá 2 kênh này mang lại hiệu quả - tỷ lệ này cao gấp đôi so với các kênh bán hàng khác.

Zalo là một kênh bán hàng còn khá mới mẻ nhưng cũng đã có 64% shop sử dụng, trong đó hơn 1 nửa sử dụng Zalo như một kênh bán hàng chính và 26,2% đánh giá có hiệu quả tốt (cao hơn forum hay các trang rao vặt). Sau 3 năm ra mắt, lượng người dùng của Zalo đã lên đến hơn 40 triệu người, chủ yếu là giới trẻ nên kênh này được nhiều chủ doanh nghiệp/chủ shop tận dụng để gia tăng doanh số cũng như quảng bá thương hiệu.

Ngược lại, có thể nói bán hàng trên kênh Groupon (mua theo nhóm) đã đi qua giai đoạn bùng nổ hồi đầu những năm 2012 - 2013, bằng chứng là chỉ có 46% shop có sử dụng kênh bán hàng này, đồng thời hiệu quả cũng ở mức thấp nhất trong các kênh (chỉ có 18,8% chủ shop đánh giá là có hiệu quả).

Giờ đây, câu hỏi của các chủ shop online đặt ra không còn là “bán hàng ở đâu” nữa mà là “Tối ưu hóa các kênh bán hàng như thế nào”.

Họ quan tâm tới việc làm thế nào để bán được nhiều hàng hơn với các công cụ tiếp thị trên các kênh. Nhóm các công cụ tiếp thị đầu bảng được sử dụng là Quảng cáo Facebook (87%), SEO (68%), Seeding (67%), Google Adwords (60%). Trong đó, Quảng cáo Facebook và Seeding được các shop online áp dụng dưới hình thức tự làm nhiều nhất. So sánh riêng về Quảng cáo Facebook và Quảng cáo Google Adwords thì có tới 70% các chủ shop tự làm Quảng cáo Facebook nhưng chỉ có 37% chủ shop tự làm Google Adwords mặc dù hình thức quảng cáo Google Awords xuất hiện trên thị trường trước Quảng cáo Facebook từ rất lâu. Sự chênh lệch này cho thấy hình thức quảng cáo Facebook có vẻ thân thiện hơn với các chủ shop, nên họ có thể tìm hiểu và tự thực hiện được dễ dàng hơn so với quảng cáo Google Adwords.

Mặc dù vậy, ngân sách đầu tư vào tiếp thị trong năm 2015 lại chưa có gì sôi nổi, có tới 53% shop trả lời khảo sát chi dưới 5 triệu/tháng và 15% là không tiếp thị.

Trong xu hướng bán hàng đa kênh này, các chủ shop online sẽ thuận tiện hơn rất nhiều khi website có thể kết nối đồng bộ với các kênh bán hàng khác để tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí trong tất cả các khâu vận hành, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng.

Người mua mới chỉ dừng lại ở bước “chọn hàng online”

Mặc dù kinh doanh online ngày càng phát triển nhờ sự cải thiện tích cực về nền tảng, điều kiện và thói quen sử dụng Internet của người Việt nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói TMĐT Việt Nam, cụ thể ở đây với phân khúc loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ dừng lại ở bước “chọn hàng online”. Các khâu thanh toán chủ yếu vẫn chỉ là COD (giao hàng mới thu tiền) và chuyển khoản ngân hàng (hơn 80% đều áp dụng 2 hình thức thanh toán này, trong đó có trên dưới 60% shop áp dụng thường xuyên hàng ngày, hàng tuần). Các kênh thanh toán còn lại như ví điện tử, thanh toán thẻ trực tuyến… chiếm tỷ lệ rất ít (69% shop không áp dụng thanh toán bằng ví điện tử, 55% shop không tích hợp thanh toán trực tuyến). Thực tế này cũng khá dễ hiểu, người tiêu dùng chưa có thói quen dùng thẻ thanh toán trực tuyến hay ví điện tử và khi mua hàng online, điều họ mong muốn là sự đảm bảo hàng đến tay mới trả tiền.

Năm 2015 là năm khó khăn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, xét trên góc độ những doanh nghiệp có mức doanh thu khá và hài lòng với kết quả kinh doanh trong năm qua, phải kể đến nhóm các DN có mức doanh thu từ 500 triệu/năm trở lên. Đây là nhóm các shop online “chịu chi” cho tiếp thị nhất, 39% trong số họ đã dành trên 5% doanh thu cho tiếp thị và tỷ lệ các shop có mức tăng trưởng tốt so với năm 2014 là 33%, cao gấp đôi so với nhóm các shop có mức doanh thu dưới 200 triệu/1 năm.

Bên cạnh đó, các chủ shop online cũng đã nhìn nhận được tầm quan trọng của tiếp thị trong việc thúc đẩy doanh thu. Nếu năm 2015, có 85% các shop chi ngân sách cho tiếp thị thì tỷ lệ này đã tăng thêm 7% thành 92% shop có kế hoạch tiếp thị cho năm 2016. Đặc biệt, 36% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng bỏ ra 5-15% tổng doanh thu để đầu tư cho các hoạt động tiếp thị.

Các chủ shop dù quy mô lớn hay nhỏ đều cần có 1 “cú huých” cũng như việc có chiến lược “bơm” ngân sách tiếp thị đủ lớn để tăng trưởng nhanh và mạnh trong năm tới. Nếu chỉ loanh quanh với mức ngân sách nhỏ, cộng với sự hạn chế từ các yếu tố khác mà chưa khai thác được những tiện ích về TMĐT thì sẽ rất khó để tạo nên sự đột phá về doanh thu và hiệu quả kinh doanh.

(Xem bản chất lượng cao tại đây )