Tối ưu hóa chiến dịch Digital Marketing - Part 1: Tạo quy trình tối ưu của riêng bạn

Bạn dành tới 5h đồng hồ để đọc cả tá tài liệu về Digital Marketing trên các blog và website trên mạng.

Học phải đi đôi với hành, bạn ngay lập tức bắt tay vào lauching một chiến dịch lúc 12h đêm.

Mọi thứ được thực hiện theo cách mà bạn cho là vô cùng hoàn hảo. Bạn yên tâm đắp chăn đi ngủ, mơ về hàng trăm ngàn clicks và đơn hàng.

7h sáng, bạn thức dậy và nhanh chóng kiểm tra thành tựu của mình.

Woww!!! Hơn 100$ tiền quảng cáo đã bay sạch, và không-một-chuyển-đổi-nào???!!!

Đây chính là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với mọi người làm Digital Marketing.

Bạn tiếc nuối khi nghĩ đến chiếc đồng hồ đáng nhẽ đã mua được nếu không chạy chiến dịch này. Bạn lo hãi về một tương lai mịt mờ không nhà không việc.

Trong đầu bạn hiện lên cả núi câu hỏi:

- Mình đã làm sai chỗ nào?

- Có nên tiếp tục đổ tiền vào chiến dịch, được ăn cả ngã về không?

- Hay là dừng luôn, không nên cố đấm ăn xôi làm gì?

Thôi nào, đừng bi quan quá như thế. Việc này đã xảy ra với tôi trong suốt 10 năm. Và tôi tin là mọi Publisher trên thế giới đều lâm vào hoàn cảnh này, chỉ khác nhau về mức độ và tần suất mà thôi.

Vạn sự khởi đầu nan. Rất nhiều các chiến dịch thành công bắt đầu với tỷ lệ lợi nhuận -100%. Nếu bạn vội vàng ngừng ngay chiến dịch mà không thu thập được tí thông tin nào thì đây mới là lúc bạn thực sự ném tiền qua cửa sổ. Đừng nghĩ đây là thất bại, hãy nghĩ đó là một thử nghiệm dành cho việc tối ưu hóa campaign sau này.

Tôi lấy ví dụ về một hoạt động kinh doanh thông thường: Bạn muốn kinh doanh bán quần áo. Bạn bỏ tiền ra mua nguyên vật liệu, thuê mặt bằng, nhân viên,…Tháng đầu tiên, bạn lỗ thê thảm. Nhưng đương nhiên bạn không thể ngừng việc kinh doanh lại, bởi bạn vừa bỏ ra rất nhiều tiền. Nếu không phải là tiền, ít nhất bạn cũng phải thu lại được chút gì đó, ví dụ như thông tin, sự nhận thức của khách hàng,…

Rất nhiều newbie nghĩ rằng Affiliate Marketing là một mỏ vàng lộ thiện, cứ đến lượm là có cả cục. Điều này thật sai quá là sai! Bạn phải cật lực đào bới thì mới chạm tới vàng thỏi.

Thứ bạn cần bây giờ là một quy trình tối ưu hóa – một bộ quy trình chuẩn mà bạn có thể áp dụng cho mọi chiến dịch. Nhờ nó, thay vì hoảng loạn dẫn đến những quyết định sai lầm, bạn đơn giản chỉ cần bám sát các bước và gặt hái thành công.

Dưới đây là những gợi ý giúp bạn tự tạo một quy trình tối ưu hóa cho riêng mình (Tôi sẽ không tiết lộ bộ quy trình của tôi đâu. Không phải điều gì cũng chia sẻ được. Mong các bạn thông cảm ><)

Bước 1: Xác định và đánh giá các công cụ

công cụ affiliate

Có rất nhiều công cụ khác nhau được sử dụng trong mỗi chiến dịch để tối ưu hóa kết quả. Mỗi công cụ đều có vai trò riêng, chúng bao gồm:

  • Landing pages
  • Hoa hồng
  • Quảng cáo
  • Ngách
  • Mục tiêu
  • Ngân sách

Và nhiều thứ khác nữa …

Một chiến dịch không sinh lời không đồng nghĩa với việc toàn bộ mọi thứ về nó đều đáng quăng vào sọt rác. Có khi bạn chỉ đang dùng sai cách một (vài) công cụ.

Có thể landing page chưa đủ thu hút. Có thể bạn nhắm sai đối tượng mục tiêu. Có thể bạn chưa nghiên cứu kỹ khách hàng. Hoặc có thể bạn đưa ra ngân sách quá ít cho quảng cáo.

Trước khi tối ưu hóa được campaign, bạn cần đảm bảo rằng mình có đầy đủ các công cụ cần thiết và biết chính xác cách sử dụng chúng.

Bước 2: Xác định các biến số ảnh hưởng đến mỗi công cụ

biến số

Mỗi công cụ đều có một vài hoặc rất nhiều biến số ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả của chúng. Các biến số này cần dao động trong khoảng thích hợp. Chỉ cần một biến số vượt quá khoảng này cũng có thể khiến toàn bộ chiến dịch của bạn trật khỏi đường ray.

Một trong những công cụ của bạn là landing page? Vậy một landing page thì cần những biến số gì?

  • Tiêu đề
  • Hình ảnh
  • Video
  • Call to action
  • Bố cục

Và nhiều thứ khác nữa, tùy thuộc vào mục đích và khả năng của bạn.

Để xác định khách hàng mục tiêu, bạn nắm được các biến số về:

  • Tuổi tác, giới tính
  • Vị trí địa lý
  • Sở thích
  • Tính cách/lối sống
  • Thu nhập
  • Tình trạng hôn nhân
  • Họ mua hàng trên thiết bị nào?

…v.v...

Khi đã xác định được tất cả các biến số ảnh hưởng đến mỗi các công cụ, bạn có thể bắt đầu làm việc theo hệ thống và logic bằng cách trả lời các câu hỏi như: Bố cục trên landing page đã hợp lý chưa? Call to action có đủ thôi thúc không? Làm sao để phân khúc khách hàng cụ thể hơn?...

Ví dụ, khi cân nhắc các khoản hoa hồng, tôi thường sẽ đặt ra các câu hỏi như:

  • Tôi có nên trao đổi trực tiếp với Advertiser?
  • Tôi có nên đề nghị mức hoa hồng cao hơn?
  • Tôi có thể kiếm được nhiều hoa hồng hơn nếu sử dụng split-test trên 2 affiliate network?
  • Tôi nên chọn chiến dịch CPL (cost per lead) hay CPS (cost per sale)?

Tất cả các biến số nên được kiểm tra cẩn thẩn và tối ưu hóa. Việc thay đổi bất kì biến số nào cũng có thể dẫn đến một kết quả hoàn toàn khác biệt.

Bước 3: Sắp xếp các biến số theo tầm quan trọng

tối ưu hóa biến số

Không phải mọi biến số đều có mức độ ảnh hưởng giống nhau đến kết quả của chiến dịch. Với landing page, bạn nghĩ biến số nào quan trọng hơn: thể loại hay màu sắc của nút call-to-action?

Chắc chắn là thể loại landing page rồi. Nhưng tôi thề là số lượng bài viết nói về tầm quan trọng của màu sắc nút CTA nhiều hơn bài viết nói về tầm quan trọng của thể loại!

Để tối ưu hóa một chiến dịch, bạn cần tối ưu hóa các biến số lần lượt theo độ quan trọng giảm dần, biến số nào quan trọng nhất thì tối ưu trước, ít quan trọng hơn thì tối ưu sau. Như thế, bạn sẽ đạt được thành công lớn hơn với tốc độ nhanh hơn.

Tôi lấy ví dụ với landing page, thứ tự sẽ là:

  • Thể loại: Có hàng tá các thể loại landing page khác nhau. Tùy vào sản phẩm và mục đích của bạn, hãy sử dụng thể loại mang lại nhiều lợi ích nhất. Đó là một page review? Page 3 câu hỏi (“3 questions” landing page)? Hay page theo phong cách báo chí/blog?
  • Tiêu đề: Nói chung thì khách hàng ngày càng lười. Chả ai đọc bài viết của bạn nếu nó có cái tiêu đề nhạt như cơm nguội. Nội dung tốt thôi vẫn chưa đủ. Bạn cần một tiêu đề thật thu hút, gây tò mò (nhưng đừng giật tít quá đà kẻo phản tác dụng) để thôi thúc khách hàng click vào đọc.
  • Hình ảnh: Nếu bạn nghĩ tiêu đề bài viết chưa đủ “mặn”, hãy sử dụng một hình ảnh thật bắt mắt (nhưng vẫn phải liên quan đến nội dung bài viết). Hãy nhớ hình ảnh có tác động rất lớn đến nhận thức của khách hàng.
  • Nội dung: Để viết được nội dung hấp dẫn cho landing page, trước hết bạn cần phải hiểu rõ landing page là gì, mục đích của nó ra sao. Có rất nhiều tài liệu miễn phí trên internet giúp bạn xây dựng được nội dung chất lượng cho landing page.
  • Call to action: Một việc đơn giản như thay đổi từ ngữ hoặc màu sắc của nút call-to-action cũng có thể giúp tăng tỷ lệ nhấp chuột của khách hàng.

Bạn nên áp dụng quy tắc này vào mọi công cụ được sử dụng trong chiến dịch. Hãy cẩn thận xác định những biến số quan trọng nhất, lần lượt tối ưu hóa từng cái một. Như vậy, chiến dịch của bạn chắc chắn sẽ thành công!

Bước 4: Thiết lập tiêu chuẩn

tối ưu hóa tiêu chuẩn

Khi đã đạt được một số kinh nghiệm nhất định trong Affiliate Marketing, bạn sẽ dần nhận ra khả năng của bản thân. Ví dụ: tỷ lệ nhấp chuột vào landing page khoảng 15%, tỷ lệ nhấp chuột vào Facebook ad dao động 8 - 10%. Nó được gọi là “tiêu chuẩn”. Và nhiệm vụ của bạn là trau dồi kiến thức mỗi ngày để nâng cao dần tiêu chuẩn của mình.

Việc xác định được tiêu chuẩn của bản thân sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian chẩn đoán các sai lầm và nhanh chóng tối ưu hóa chiến dịch. Ví dụ: bạn biết rằng mình cần thử cùng lúc 3 tiêu đề cho landing page thì mới chọn được tiêu đề tốt nhất. Vậy nên, bạn sẽ không bao giờ chỉ viết 2 tiêu đề mà sẽ viết luôn 3 cái để thử nghiệm.

Nhưng bạn cần phải nhớ điều này. Các công thức và tiêu chuẩn rất hữu ích trong việc giúp bạn nhanh chóng tối ưu hóa chiến dịch. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, thỉnh thoảng mọi thứ vẫn đi chệch khỏi quỹ đạo vốn dĩ của nó bởi một (vài) yếu tố bên ngoài bất ngờ xuất hiện. Đó là lý do tại sao tôi khuyên bạn phải xác định được đầy đủ các công cụ và các biến số ảnh hưởng đến chúng. Nếu không, bạn có thể bỏ lỡ những thứ đáng nhẽ sẽ giúp bạn giải quyết triệt để vấn đề.

Bonus: Một vài lưu ý khác trong quy trình tối ưu hóa

#1: Nguồn traffic khác nhau sẽ có quy trình tối ưu hóa khác nhau. Ví dụ: việc tối ưu hóa trên Facebook sẽ khác với trên Bing, quảng cáo pop-up sẽ khác với quảng cáo native,…

#2: Sẽ rất hữu ích nếu bạn chịu khó tạo ra quy trình tối ưu hóa riêng cho các nguồn traffic khác nhau. Bạn đang quen với việc quảng bá chiến dịch trên Facebook, nhưng chẳng phải sẽ tuyệt hơn nếu bạn có thể quảng bá qua Youtube hay các kênh khác? Quảng cáo càng đa dạng sẽ giúp bạn càng có nhiều hoa hồng và kinh nghiệm hơn.

Nguồn: accesstrade.vn