Marketer Tạ Lĩnh Phi
Tạ Lĩnh Phi

Product Content @ Haravan

Nhìn từ Gapo, tham vọng của người Việt liệu có thành?

Cách đây vài tháng, giới công nghệ Việt không khỏi bất ngờ về sự ra đời của Gapo, một mạng xã hội “ made in VietNam”, đang được đầu tư 500 tỷ đồng với tham vọng có thể thu hút được 50 triệu người sử dụng. Ý tưởng về mạng xã hội dành cho thị trường Việt Nam không phải lần đầu tiên được nhắc đến. Nhưng điều gây bất ngờ hơn hẳn là cái tham vọng to lớn này tưởng đâu đã chết từ khi “đế chế Zing” sụp đổ nay lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Liệu rằng “start-up” này sẽ tồn tại và đạt được ý tưởng đã đề ra, hay rồi loại bị đè bẹp bởi sức hút khó cưỡng từ “ kẻ thống trị Facebook”?

Khi cư dân mạng còn chưa hết bất ngờ với phát ngôn gây sốc của bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về đề xuất mạng xã hội “ made in VietNam”, với chế độ kiểm duyệt thông tin chặt chẽ, thì không lâu sau đó sự ra đời của Gapo càng làm ta thêm tin vào cái tham vọng muốn đánh đổ Facebook của người Việt là có thật và sẽ không bao giờ ngừng kết thúc?

Để có cái nhìn chuyên sâu hơn, ta cần nhìn lại sự sụp đổ của Zing Me - mạng xã hội lớn nhất Việt Nam một thời. Đối với thế hệ 9x mà nói, Zing Me đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu. Ở thời điểm phát triển cực thịnh nhất của mình, ta có thể thấy Zing Me là nơi để giới trẻ tìm đến giải khuây, kết nối và hơn hết là “chơi Game”. Nhưng rồi sự thống trị ấy cũng không tồn tại được lâu dài. Khi các mô hình Game Online hấp dẫn hơn được ra mắt, Zing Me không còn đủ sức để níu kéo người dùng và dần trở thành “ một thành phố ma”.

Không chỉ sai lầm khi kết hợp Game Online vào một mạng xã hội, Zing Me còn thất bại bởi rất nhiều yếu tố. Mà trong đó, việc “copy” các tính năng đến thiết kế giao diện giống như Facebook đã dẫn đến cái chết của ông vua một thời. Không thể phủ nhận việc sao chép cái tốt có sẵn sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách đến thành công. Nhưng chỉ sao chép mà không cải tiến các tính năng thì không tránh khỏi việc bị bỏ lại sau. Trong khi đó Facebook lại ghi điểm với người dùng khi không ngừng thay đổi, nghiên cứu và chọn lọc tính năng phù hợp với thị trường.

Nhìn lại về mạng xã hội Gapo, đây không phải là “start-up” đầu tiên tự tin ra mắt từ sau cái chết của Zing Me. Trong những tháng đầu năm 2019, có những cái tên như Hahalolo hay BizTime lần lượt được ra mắt mọi người. Trong khi Hahalolo ngoài tính năng kết nối người dùng còn tích hợp các tiện ích khác như đặt phòng, đặt tour… thì BizTime lại gây tranh cãi vì giao diện không khác mấy Facebook. Nhưng dù có được bổ sung nhiều tính năng hay thiết kế giao diện gần gũi với người dùng, thì hiện tại cả 2 mạng xã hội trên đều đã dần mất hút khỏi sự tò mò của mọi người.

Riêng về Gapo, đây có vẻ là tân binh được chuẩn bị đầy đủ nhất. Ngoài các chức năng cơ bản để kết nối mọi người như Facebook, Zalo, Instagram… mạng xã hội này còn được thiết kế với khả năng định danh tài khoản để bảo vệ cao độ thông tin người dùng. Điều này có thể đem đến thuận lợi khi thu hút đông đảo doanh nghiệp, KOLs, nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng có lượng người hâm mộ nhất định. Không chỉ thế, với ý tưởng hướng đến người dùng, Gapo cho phép mỗi cá nhân tự do thiết kế một giao diện theo phong cách cá nhân của mình. Đây có vẻ là hướng đi an toàn và khác biệt đủ để thu hút sự tò mò của mọi người.

Nhưng để tồn tại một cách lâu dài và chiến đấu bền bỉ với ông lớn Facebook, Gapo không chỉ cần thay đổi tính năng phù hợp với người dùng mà còn tuyệt đối tránh lặp lại các yếu tố dẫn đến thất bại của đàn anh đi trước:

1.Tránh lạm dụng màu sắc bản địa

Việc đem cái “tôi” dân tộc vào một mạng xã hội mới ra mắt, có thể gây tiếng vang lớn vào những buổi đầu. Tuy nhiên, kích động tinh thần yêu nước của người dùng mà không có những cải tiến nổi bật sẽ mang lại kết quả không như mong đợi. Ngoài ra, việc hướng đến một mô hình mạng xã hội dành cho người Việt dễ khiến doanh nghiệp bị trượt ngã khỏi xu hướng chung của thế giới. Việc kết nối giữa con người trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia. Nếu người dùng Việt cảm thấy khó khăn khi liên lạc với bạn bè quốc tế hoặc thân nhân tại hải ngoại, thì chỉ sau một thời gian tò mò sử dụng, họ lại quay về với Facebook. Do đó, không chỉ hướng đến mục tiêu phủ sóng rộng khắp cả nước, mạng xã hội Việt cần tìm giải pháp để thu hút lượng truy cập đến từ các quốc gia khác.

2. Chế độ kiểm duyệt thông tin quá chặt chẽ

Khi tự do ngôn luận ngày càng được đề cao như một xu hướng chung của thế giới, thì việc giới hạn những chia sẻ của người dùng dễ khiến họ quay lưng và tìm về với các mạng xã hội có chế độ kiểm duyệt thoáng hơn. Cách đây vài năm trước, khi Facebook áp dụng chính sách hiển thị tên thật của người dùng đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên phạm vi toàn cầu. Việc hiển thị tên thật dễ gây khó khăn và bất tiện cho cộng đồng LGBT, các nhà bày tỏ quan điểm chính trị hoặc đơn giản là nhóm đối tượng có lối sống ẩn danh. Đối mặt trước áp lực bị tẩy chay rất lớn từ cộng đồng, Mark Zuckerberg đã buộc phải xin lỗi người dùng và chính sách hiển thị tên thật bị bãi bỏ vĩnh viễn.

3. Mạng xã hội chỉ nên là mạng xã hội

Việc áp dụng các tính năng khác vào một mạng xã hội những tưởng sẽ khiến người dùng cảm thấy tiện lợi hơn nhưng thật chất đang tự giết chết nó. Còn nhớ về “đế chế Zing Me” một thời đã kết hợp mô hình trò chơi giải trí vào mạng xã hội, họ đã thành công khi thu hút một lượng lớn người trẻ vào sử dụng. Nhưng về tầm nhìn dài hạn, thì đa số người dùng của Zing Me không tích cực đăng tải bảng tin hay chia sẻ thông tin đến cộng đồng mà chỉ tập trung vào việc “chơi game”. Chính vấn đề này đã dần dần làm biến chất về định nghĩa “mạng xã hội” và tác động không nhỏ vào nhận thức thương hiệu của mọi người. Rồi theo thời gian, người dùng tự nhận định rằng Zing Me chỉ là nơi để giải trí, chơi game còn Facebook mới thật sự là một mạng xã hội.

Nếu trước đây nền tảng mạng xã hội Zing Me đã có lúc vượt mặt Facebook về lượng người dùng, thì ở thời điểm hiện tại, Gapo vẫn còn là bước đi gây nhiều tranh cãi và nghi ngờ. Có thể sau cú sốc về sự sụp đổ của “đế chế Zing” , chúng ta ngày càng hoài nghi về tính khả thi của giấc mộng đánh đổ Facebook. Nếu so sánh với Weibo của Trung Quốc, mạng xã hội đầu tiên thành công đuổi Facebook ra khỏi thị trường, thì chúng ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Với thị trường hơn 1 tỷ dân của Trung Quốc, cùng với chính sách tường lửa từ chính phủ, vị thế độc tôn của Weibo là điều chắc chắn vì ở đây người dân không thể tìm thấy bất kỳ sự lựa chọn thay thế nào khác.

Như vậy, sự thành công hay thất bại của một mạng xã hội không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực thay đổi công nghệ phù hợp với thị trường, mà nó còn dựa vào các yếu chính trị - xã hội. Có thể việc đánh bại hoàn toàn Facebook là việc bất khả thi, nhưng để tồn tại và có một thị phần nhất định không phải là điều quá khó. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải chờ đợi bao lâu để thực hiện giấc mộng đó?

Bài viết này được chia sẻ từ BookOke - Công ty giải pháp phần mềm, máy POS cho doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng góp phần đem đến cho bạn kiến thức bổ ích về kinh tế-thị trường!