Chiến dịch Loài Plastic – dùng sự sáng tạo để bảo vệ Trái Đất

Đồ nhựa dưới ống kính của chiến dịch Loài Plastic, biến thành những con vật nguy hiểm tấn công sự sống trên hành tinh này. Xuất hiện chưa đầy 2 thế kỷ nhưng loài Plastic đang dần thống trị thế giới. Loài plastic mang đến nhiều tiện lợi nhằm khiến con người tiếp tay cho việc hủy hoại Trái Đất của chúng.

Giống loài mới được tìm ra bởi các bạn trẻ Việt Nam

Maxk Nguyễn - người khởi xướng trào lưu “Vịt lộn, vịt dữa, cút lộn” và những dự án hướng miêu tả nét đẹp rất đời thường của Sài Gòn, cùng Iris Cao - tác giả của những cuốn sách được yêu thích như Mình sinh ra đâu phải để buồn, Thương nhau để đó, Ai rồi cũng khác,… phối hợp với Creative Designer Hoàng người đá để thổi sự sống vào các món đồ plastic, tạo ra chiến dịch Loài Plastic. Ý tưởng về chiến dịch được triển khai từ tháng 12/2018 và được chính thức công bố vào tháng 6/2019.

Lần đầu tiên, nhờ trí tưởng tượng và sáng tạo, đồ nhựa không còn là món đồ vô tri mà trở thành loài vật len lỏi vào mọi ngóc ngách trên Trái Đất. Plastic có các đặc điểm như một loài sinh vật, được sinh ra và gần như không thể chết đi, tập hợp thành các quần thể, thích sống cộng sinh và phân bố theo tập tính và thói quen sinh hoạt của con người nên chúng được nhân hóa thành một loài để mọi người cảm nhận sự nguy hiểm từ chúng chủ động hơn. Chiến dịch Loài Plastic không tác động vào hành vi mà là vào ý thức sử dụng plastic của mỗi người, để họ tự quyết định có sử dụng plastic hay không.

(Hình: Lộ diện quái vật đầu tiên - thủ lĩnh của giống loài plastic)

Thẻ bài “hồ sơ nghiên cứu” về loài Plastic

Hiện 20 loài plastic đã được công bố thông qua các thẻ bài chứa đựng hình ảnh, mô tả, phạm vi hoạt động, tác hại và tuổi thọ của loài. Không chỉ thích thú khi đồ vật trở thành một giống loài mà người theo dõi còn ngạc nhiên bởi những thông tin được đưa ra. Nhờ Loài plastic, mọi người hiểu biết thêm về thế giới plastic, mở rộng từ điển những món đồ nhựa cần hạn chế sử dụng. Có ai ngờ rằng chiếc kính áp tròng bé tẹo chính là một loài plastic đang “ký sinh” trên mắt người và mất hàng trăm năm phân hủy. Hay khăn giấy ướt chúng ta vốn nghĩ là giấy thực ra có họ hàng với loài plastic và cũng sống dai đến 500 năm.

(Hình: khăn giấy ướt thực ra không phải giấy mà vẫn là plastic.)

Bình luận của bạn Võ Thị Mỹ Tiên: “Oh no... có thể xé như vải cũ cứ tưởng nó nhanh mục rã :<”)

Tổng số thẻ bài loài Plastic dự kiến là 68 và đang dần được hé lộ. Người theo dõi đang háo hức chờ đợi các thẻ bài tiếp theo.

Truy lùng Loài Plastic để trở thành thợ săn được vinh danh

Các loài Plastic không chỉ được đưa ra bởi nhóm dự án, ai cũng có thể trở thành nhà sinh vật tìm ra loài plastic mới. Nhiều người nổi tiếng cũng tham gia truy lùng và “khoe” loài Plastic do họ tìm, đóng góp vào việc giúp mọi người nhận thức sự nguy hiểm của giống loài này.

(Hình: Loài “chai nhựa” được tìm thấy bởi người đẹp Minh Tú)

Hoạt động “Truy lùng loài Plastic” được phối hợp với Zalo của VNG. Trở thành thợ săn Plastic bằng cách chụp và gửi ảnh về loài Plastic mình tìm được qua Zalo OA của Loài Plastic. Kết thúc hoạt động truy lùng, chiến dịch nhận được rất nhiều hình ảnh về loài Plastic, ban tổ chức đã chọn ra trong số đó 10 loài plastic ấn tượng và nguy hiểm nhất để công bố. Từ sự đóng góp của mọi người, danh sách loài Plastic trở nên đa dạng hơn. Việc để mọi người cùng tham gia tìm loài Plastic giúp chiến dịch tương tác tốt hơn và lan tỏa rộng hơn. Sắp tới VNG còn dự định sẽ tạo ra một bộ sticker về loài Plastic trên Zalo.

(Hình: Công bố danh sách thợ săn loài Plastic)

Cuộc thi sáng tạo cùng Loài Plastic

(Hình: Poster của cuộc thi – con quái vật plastic thứ hai lộ diện)

Loài Plastic phối hợp cùng Arena Multimedia tổ chức một cuộc thi để thỏa sức sáng tạo của các bạn trẻ. Với giải thưởng “khủng” lên đến 85 triệu đồng, cơ hội sáng tạo bất tận bằng hình ảnh thiết kế hoặc video ngắn về loài Plastic cùng dàn giám khảo là những người có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, cuộc thi hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo thí sinh tham gia và giúp chiến dịch được lan tỏa rộng hơn.

Ngoài ra Loài Plastic còn được ấp ủ hoạt động triển lãm mô hình quái vật plastic bằng các sản phẩm nhựa để chúng ta có thể thấy loài Plastic “bằng xương bằng thịt”. Sau khi nhận ra bộ mặt thật của loài Plastic, bạn còn gắn bó với nó không?

Truy lùng được loài Plastic thì nên thuần hóa hay tiêu diệt?

Tiêu diệt giống loài Plastic rất khó khăn và gần như không thể vì loài này vốn “sống dai”. Cố gắng tiêu diệt bằng cách đốt hay chôn chỉ khiến chúng biến hình nguy hiểm hơn. Vậy thuần hóa như thế nào? Chiến dịch loài Plastic đã phối hợp với nhiều quán ăn, cửa hàng nước để xóa bỏ sự xuất hiện của loài Plastic trong các khu vực này, ngăn chặn sự sinh sôi và sự lây lan của plastic.

Chính thức triển khai được một tháng, nhưng chiến dịch Loài Plastic đã có rất nhiều hoạt động để giúp mọi người nhận ra được sự nguy hại của rác thải nhựa và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đây là một khởi đầu tốt đẹp trong công cuộc cứu Trái Đất khỏi sự thống trị của “Loài Plastic”.

Theo dõi chiến dịch Loài Plastic và cùng tham gia vào các hoạt động của chiến dịch tại website: https://www.loaiplastic.vn/ và Fanpage chính thức Loài Plastic (@loaiplastic).

Phương Thảo