Marketer Nhung Nguyễn
Nhung Nguyễn

MarCom Manager @ Buzzmetrics

Tết 2015 – Cộng đồng mạng nói gì trên social media?

Chiến dịch Tết là một trong những chiến dịch lớn nhất trong năm của các thương hiệu và cũng là các chiến dịch mang nhiều yếu tố cảm xúc.

Nhằm hỗ trợ các thương hiệu và agency trong việc nắm bắt các xu hướng thảo luận cũng như tâm lý của người dùng khi nói về chủ đề Tết trên social media, Buzzmetrics social listening đã thực hiện thống kê và phân tích Các chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên social media vào dịp này:

1. Giao thừa

  • Các hoạt động được nhắc đến nhiều nhất vào giao thừa

Cúng giao thừa là chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong các hoạt động về ngày giao thừa, chủ yếu là những hỏi đáp, chia sẻ thông tin về cách chuẩn bị, cách cúng giao thừa theo đúng truyền thống người Việt, cũng như những thảo luận liệt kê những việc cần làm, đã làm đêm giao thừa, và chia sẻ những hình ảnh người thân đang cúng giao thừa.

Một hoạt động cũng được nhắc đến khá nhiều đó là đi xem pháo hoa. Những chia sẻ trên mạng xã hội xoay quanh việc rủ nhau đi xem pháo hoa, những cảm nhận về sự hoành tráng của pháo hoa năm nay, cảm xúc khi xem pháo và đăng tải hình ảnh ghi lại một khoảnh khắc đẹp của pháo hoa trên bầu trời.

Những hoạt động nổi bật khác được thảo luận nhiều trên mạng xã hội còn có đi chơi tất niên cùng bạn bè, đi chùa, xem táo quân, ăn tiệc tất niên và xông đất.

  • Cảm xúc giao thừa

Trong những thảo luận về Giao thừa trên Social Media mùa Tết 2015, chủ đề cảm xúc chủ đạo nhất vẫn là những cảm xúc về gia đình và người thân yêu. Trong đó, hầu hết thảo luận bày tỏ niềm vui, cảm giác hạnh phúc, đầm ấm khi được đón giao thừa bên người thân. Kế đến, tâm tình của người yêu nhau bày tỏ những yêu thương và trìu mến trong đêm giao thừa và nỗi nhớ nhà, nhớ người thân của những người phải xa gia đình vào dịp Tết, đặc biệt là trong đêm Giao thừa.

Bên cạnh đó, những thảo luận tâm sự về nỗi buồn vì thấy cô đơn cũng được nhắc nhiều trên mạng xã hội trong đêm giao thừa – đêm đoàn viên, nhiều hơn các cảm xúc hân hoan và tích cực về giao thừa.

Cư dân mạng cũng nhắc khá nhiều về việc đi xem pháo hoa giao thừa và xem đó là một trong những hoạt động mang lại cho họ cảm xúc mạnh mẽ, rõ rệt nhất về thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

2. Thực phẩm Tết

Các thực phẩm được nhắc đến nhiều nhất vào dịp Tết vừa rồi là Rượu, mứt, bánh tét, bánh chưng và bia. Ngoài những món ăn truyền thống, xuất hiện trong thảo luận năm nay còn có món khô bò, khô mực dù lượng thảo luận không nhiều.

3. Minigame trên các Fanpage

Các thể loại mini game phổ biến dịp Tết Ất Mùi:

- Đố vui về ngày tết hoặc về brand: chọn đáp án đúng, đồng thời tag bạn bè và share link

- Giải ô chữ chủ đề là các thức đặc trưng trong ngày Tết của Clear Vietnam được cư dân mạng thích thú tham gia giải đố. - Link

- Điền vào chỗ trống để làm nên câu đối ngày Tết thật “độc – lạ” của Café Phố kích thích sự sáng tạo của người chơi, lấy được insight của khách hàng về cảm nhận giữa “tết xưa” và “tết nay”, cũng như thu hút được thêm sự quan tâm, chú ý của cộng đồng mạng cho những comment cực chất của người chơi - Link

- Trả lời câu hỏi: slogan/thông điệp/tên event của brand là một cách hay để gợi nhắc các fan về sự kiện mà brand muốn củng cố trong tâm trí người dùng. - Link

- Comment về hộp quà tết muốn tặng người thân và dự đoán số người có cùng lựa chọn của Ô mai Hồng Lam, với phần thưởng thiết thực với mọi đối tượng cho dịp tết là hộp quà Tết, cộng với yêu cầu là đúng số lượng người comment nên thu hút sự tham gia và chia sẻ lại nhiệt tình của cư dân mạng. - Link

- Viết lời chúc cho gia đình hoặc lời chúc cho brand, hoặc viết ra dự định năm mới của bản thân của Insulac đã đánh đúng vào một trong những hoạt động phổ biến nhất trên mạng xã hội vào dịp tết: chúc tết - Link

- Chỉ cần like page, share post và tag bạn bè là có quà, không yêu cầu chơi game.

4. Chuẩn bị đón Tết

Các hoạt động chuẩn bị đón tết được nhắc nhiều nhất gồm có mua sắm tết (thực phẩm, quần áo mới, hoa cảnh chưng tết),trang trí nhà cửa, thờ cúng tổ tiên, thần linh, dọn dẹp, chuẩn bị quà biếu tết, làm cơm tất niên và đi tảo mộ.

5. Làm gì vào dịp Tết

Các hoạt động vào dịp tết được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2015 là Chụp ảnh tết, Dành thời gian cho gia đìnhĐi du lịch. Các hoạt động khác có thể kể đến đi đường hoa, về quê ăn tết, đi chùa, đi chợ hoa, đi xem phim, xem hài tết, thăm hỏi họ hàng, chúc tết và đi thăm thầy cô.

Địa điểm chơi Tết

6. Nhạc Tết

Những ca khúc được nhắc đến nhiều nhất vào dịp tết vẫn tập trung xoay quanh những bài hát truyền thống như “Ngày Tết quê em”, “Happy new year”, “Mùa xuân ơi”, “Xuân đã về”… Bài hit “Con bướm xuân” của ca sỹ Hồ Quang Hiếu vẫn còn khá nóng trên cộng đồng mạng mùa Tết năm nay, cũng như được nhắc đến trong nhiều thảo luận so sánh bản hit này với ca khúc xuân mới cho dịp tết 2015 (không thu hút bằng) của anh là bài hát “Chúc mừng năm mới”.

7. Phim Tết

Chủ đề phim tết chủ yếu xoay quanh các phim Việt nam được chiếu rạp vào dịp này. Bộ phim tết được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội năm nay là bộ phim “Ngày nảy ngày nay” với Ngô Thanh Vân và sự tham gia của diễn viên hài ăn khách Lê Khánh. Bộ phim được khen ngợi khá nhiều vì dàn dựng công phu, nội dung hài nhẹ nhàng và bài nhạc phim hot “Hai cô tiên” của ban nhạc 365. Cụm từ “Tánh kỳ” trong phim cũng đi vào ngôn ngữ mà khá nhiều bạn trẻ sử dụng trên mạng xã hội.

8. Hài tết

TÁO QUÂN 2015 là chương trình hài gây nhiều sự chú ý nhất trên mạng xã hội vào dịp Tết 2015 (11,676 thảo luận) và nhận được khá nhiều nhận xét trái chiều từ các fan hâm mộ. Nhiều đổi mới về cách dựng và nội dung khiến chương trình hay và nhẹ nhàng hơn, hay đang làm nó nhàm chán và thiếu điểm nhấn? Nhiều người bày tỏ sự biết ơn đối với cố gắng đổi mới của các nghệ sỹ và mong muốn chương trình được tiếp tục duy trì mỗi năm, lại có nhiều ý kiến thể hiện sự thất vọng lại cho rằng nếu nội dung cứ nhạt như vậy thì thà không làm còn hơn.

Tóm lại, dù có thất vọng, chỉ trích hay thích thú, ủng hộ thì đều xuất phát từ sự yêu mến và kỳ vọng đối với chương trình - một món ăn tinh thần, một hoạt động không thể thiếu vào dịp tết với rất nhiều người, góp phần mang lại cái cảm xúc, không khí đặc trưng của một dịp Tết nguyên đán ở Việt Nam.

9. Lì xì

  • Đoạn clip “đòi tiền lì xì” từ ba mẹ lồng ghép vào những trích đoạn phim đình đám thu hút khá nhiều thảo luận mùa tết năm nay vì tính hài hước cao và nhắc đến một phần văn hóa lì xì của người Việt rất quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người. – Clip
  • Mini game trên các fan page (Chung cư 22+, Góc thư giãn…) cũng tận dụng chủ đề “lì xì” làm content chính. (Xem thêm top threads)
  • Hình ảnh chế tờ tiền lì xì hài hước có lồng ghép những lời chúc năm mới (như hãy có người yêu…)

10. Vé tàu / xe Tết

Cũng như mọi năm, mua vé xe về nhà ăn tết là cơn ác mộng của nhiều người, nhất là đối tượng có thu nhập thấp như sinh viên, người lao động phổ thông. Ngoài phải tranh nhau mua vé vào dịp cao điểm, giá vé tăng cao, những ngừơi quyết định về quê ăn tết còn phải chịu cảnh xe đò hay có tình trạng nhét thêm người giữa chặng, trên xe chen lấn rất vất vả.

Tết này, chiến dịch nổi bất nhất khai thác chủ đề vé xe tết là chương trình “Vé tết đoàn viên” của OMO, gồm hai hoạt động song song là cuộc thi thiết kế vé xe dành cho các em học sinh tiểu học và hoạt động tặng 5000 vé xe cho người có hoàn cảnh khó khăn được về quê đón Tết. Đây là chiến dịch với nội dung khá công phu nhưng lại không thu hút được nhiều sự tương tác trên mạng xã hội.

11. FA & Tết

Thảo luận với thái độ tích cực về chủ đề F.A. trên mạng xã hội dịp tết vừa qua khá áp đảo so với các thảo luận tiêu cực. Cư dân mạng đón nhận F.A. như một trào lưu mới, nhìn nhận F.A như một chủ đề vui nhộn và không quá nghiêm túc, nhắc đến nó trong nhiều bình luận hài hước, dí dỏm, hình ảnh chế hay rủ nhau lập hội đi chơi Tết.

Vài ý kiến cho rằng không nên bàn nhiều về F.A. hay chủ đề người yêu trong dịp tết vốn là dịp của gia đình.

Các chủ đề về F.A tạo được nhiều tương tác nhất trên social media

12. Thưởng Tết

Thưởng Tết là một khoản tiền quan trọng để trang trải cho các khoản chi tiêu hay phát sinh dịp Tết. Vì vậy, đây là chủ đề khá nhạy cảm được nhiều người quan tâm: có thưởng thì mới được an tâm hưởng một mùa tết trọn vẹn hơn.

13. Quan niệm Tết xưa và nay

Trong các thảo luận về quan niệm về Tết xưa và nay nay, các thảo luận có thái độ tích cực chiếm đa số (65%) xoay quanh việc thể hiện sự trân trọng và giữ gìn các truyền thống đẹp ngày Tết trong cuộc sống hiện đại, sự háo hức của người dân được đón một cái tết hoành tráng, nhiều hoạt động giải trí hơn khi kinh tế phát triển. Cũng có thảo luận về các hoạt động nhằm làm sống lại truyền thống đẹp của ngày Tết cổ truyền như hoạt động “gói bánh chưng hi-tech” của Pepsi và dự án sách “Tết xưa chưa mất” của nhóm truyền thông Trăng Đen.

Các thảo luận tiêu cực đề cập đến áp lực lo toan việc nhà của người phụ nữ trong những ngày tết, dẫn đến cảm xúc sợ tết, chán tết, và những xung đột trong gia đình vì người phụ nữ hiện đại không giỏi chuyện bếp núc trong dịp Tết. Chủ đề tiêu cực cũng bày tỏ nỗi lo trước nhiều khoản chi tốn kém cho dịp tết như quà cáp, lì xì, sắm sửa; phê phán những hoạt động tiêu cực như thiếu ý thức công cộng của người dân đi chơi tết, bạo lực hay làm giả thực phẩm Tết; vấn đề người ta thấy hờ hững hơn với cái tết hiện đại khi mọi thứ đã quá đầy đủ tiện nghi; và việc người trẻ đang dần quay lưng với truyền thống gia đình trong dịp Tết.

14. Xem bói Tết

Bên cạnh việc chúc nhau một năm mới thịnh vượng, nhiều điều tốt lành, may mắn, người ta cũng hi vọng và tò mò về vận may năm mới của chính mình, cũng như tìm lời giải đáp cho những băn khoăn, vấn đề muốn được giải quyết trong năm nay (như chuyện tình duyên). Vì thế hoạt động xem bói ngày Tết cũng diễn ra sôi nổi. Hai hình thức bói được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội dịp Tết vừa rồi là bói vận mạng 12 cung hoàng đạo của phương Tây (được giới trẻ quan tâm nhiều nhất, đăng tải chủ yếu trên các kênh dành cho giới trẻ như yeah1 và Yan) và bói tử vi theo 12 con giáp của phương Đông.

15. Quảng cáo Tết

Quảng cáo tết của các thương hiệu được nói là một trong dấu hiệu cho thấy tết sắp về. Trong số các quảng cáo mùa tết thì có các thương hiệu có quảng cáo ấn tượng nhất 2014 tiếp tục được nhắc đến nhiều nhất vào năm 2015 như Neptune, Pepsi, Omo, Vinacafe, Coca-cola…

Trong các thảo luận về quảng cáo Tết năm nay, nhiều người hâm mộ đã chia sẻ vì thích quảng cáo mà nhất định sẽ sử dụng sản phẩm của thương hiệu mùa Tết này. Clip quảng cáo của Neptune với thông điệp “Về nhà đón tết, gia đình trên hết” tiếp tục nhận được nhiều thảo luận nhất trong mùa tết năm nay với lời nhận xét từ fan: năm nào cũng ý nghĩa như vậy”.

Trích dẫn một số thảo luận về quảng cáo tết của các thương hiệu

Để thảo luận với tác giả bài viết liên hệ BAO ANH NGUYEN - Buzzmetrics Social media analyst:[email protected] hoặc NHUNG NGUYEN - Buzzmetrics Marketing and Communication Manager: [email protected]

Nếu bạn muốn sử dụng dịch vụ lắng nghe theo dõi thương hiệu của bạn trên mạng xã hội, liên hệ PETER NGUYEN - Buzzmetrics Managing Director: 0977 550 665 hoặc [email protected]

Buzzmetrics là một giải pháp lắng nghe và nghiên cứu mạng xã hội (Social Listening) toàn diện nhất Việt Nam, có độ phủ toàn bộ các mạng xã hội trên thế giới và trong nước, bao gồm facebook, twitter, youtube, google+, instagram, linkedin, zing, zalo, noi.vn, hơn 1000 forums, 8000+ báo điện tử và blogs. Buzzmetrics được tin dùng bởi Coca-Cola, Samsung, Unilever và là đối tác chiến lược của các agencies hàng đầu như Ogilvy, Phibious, Leo Burnett, Maxus, Sofresh… Sự khác biệt của Buzzmetrics nằm ở khả năng nghiên cứu chuyên sâu theo từng ngành hàng, mang lại cho các thương hiệu các Insight chất lượng và thiết thực dựa trên phản hồi trong thời gian thực của người tiêu dùng.