Marketer Thu Nguyệt
Thu Nguyệt

Head of Communications @ Unique Out Of Home Advertising

Bán hàng trên xe ô tô - Lợi hay hại? Nên hay không nên?

Thời gian gần đây, nhờ Nestlé mà hình thức bán hàng ngay trên xe ô tô, taxi tại Việt Nam bỗng rộ lên lại.

Việc triển khai bán hàng trên xe ô tô có lợi cho cả hai bên, thương hiệu được quảng cáo ngay trên xe, còn tài xế thì thu được lợi nhuận từ phần trăm hoa hồng bán hàng cho khách. Và sự thật là không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước khác, chiếu thức tiếp thị mới lạ này đã và đang mang đến những thành công nhất định.

Hãy cùng khám phá một số chiến dịch bán hàng trên xe ô tô tại Việt Nam và trên thế giới sau đây:

Taxi VinaSun bán bưởi ngay trên xe

Hai năm trước, VinaSun cũng đã từng cho phép tài xế bán bưởi ngay trên xe của mình. Một cặp bưởi da xanh được đựng trong chiếc túi có in thông tin của taxi VinaSun và treo ngay sau ghế tài hoặc ghế phụ.

Khác với chiến dịch bán hàng của Nestlé là để quảng bá cho thương hiệu nhiều hơn, thì VinaSun đơn thuần chỉ là bán kèm thêm một dịch vụ của hãng nhằm nâng cao thu nhập cho tài xế trong bối cảnh xe taxi truyền thống đang bị lấn lướt bởi xe taxi công nghệ như Grab, Uber (Uber tại Việt Nam hiện đã bị thâu tóm bởi Grab)

Taxi VinaSun bán bưởi ngay trên xe. Ảnh: VinaSun

Grab, Uber cung cấp dịch vụ bán hàng trong xe ô tô

Cargo, một startup được tập đoàn Uber mua lại, đã uy động khoản vốn 5,5 triệu USD để thực hiện ý tưởng biến xe ô tô thành một gian hàng di động, và các taxi sẽ kiêm luôn nhiệm vụ bán hàng. Công ty sẽ trao cho tài xế một loại khay công nghệ và một lượng hàng hóa mỗi tháng. Với mỗi sản phẩm mà tài xế bán, họ sẽ hưởng khoản thù lao 1 USD, cộng với 25% doanh thu từ sản phẩm.

Cơ chế kinh doanh của Cargo không hoàn toàn giống một cửa hàng truyền thống là nhập đồ rồi về bán. Nhiều thương hiệu lớn sẵn sàng cung cấp miễn phí sản phẩm cho hành khách thông qua tài xế Uber. Với phương thức đó, các thương hiệu thu thập dữ liệu khách hàng từ Cargo, đồng thời trả phí để tiếp cận mạng lưới phân phối của Cargo.

Bán hàng ngay trong xe ô tô. Ảnh: Cargo

Khác với Uber, bán hàng trên xe ô tô là một hình thức quảng cáo mà dịch vụ GrabAds đang cung cấp cho các doanh nghiệp. Các nhãn hàng sẽ phải chi ra một khoản phí để thuê những chiếc xe Grabcar làm gian hàng di động cho mình.

Thế mạnh của GrabAds là đưa ra được những con số đo lường cụ thể và doanh thu mà chiến dịch bán hàng trên xe mang lại. Ví dụ như thương hiệu dầu tẩy trang Garnier Micellar của Singapore triển khai bán hàng ngay bên trong xe Grab, kết quả thu về là doanh số tăng mạnh trong thời gian triển khai, Micellar nổi danh hơn tại Singapore. Các con số thu về sau chiến dịch là 177,300 km, 81,100 giờ, 9,8 triệu lần hiển thị.

Garnier Micellar của Singapore triển khai bán hàng ngay bên trong xe Grab. Ảnh: Grab Ads

Bán đồ ăn vặt trên taxi, tài xế tự kiếm thêm thu nhập

Không nằm trong chiến dịch quảng cáo thương hiệu của một nhãn hàng nào đó, cũng chẳng phải là chỉ thị từ hãng taxi. Có những tài xế đam mê kinh doanh, tự mở gian hàng ngay trên xe để bán cho hành khách. Họ sẽ chèn đồ ăn, thức uống hoặc các nhu yếu phẩm ở các vị trí của xe ô tô để khách đi xe mua hàng.

Ví dụ như một bài báo trên Dân Trí chia sẻ về câu chuyện anh Lê Khả Phong (Hà Đông, Hà Nội) – taxi của một hãng taxi, bán hạt điều ngay trên xe của mình rất đắt khách. Hay như anh Nguyễn Văn Huynh ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, đối tượng khách đi xe taxi rất phong phú, trong đó khá đông là khách du lịch cả trong và ngoài nước, thế nên, trên taxi của anh còn bán thêm vài loại ô mai là đặc sản Thủ đô, và rất được lòng khách.

Bán đồ ăn trên xe kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Dân Trí

Ở một số nước khác thì cách thức bán hàng hiện đại hơn. Ví dụ như tại Thượng Hải Trung Quốc, tài xế thiết kế một quầy bán đồ tiện lợi ở ngay trong xe, bao gồm các ngăn đựng đồ bằng nhựa, gắn ngay sau ghế ngồi. Mặt hàng bao gồm nhiều loại đồ ăn vặt, nước ngọt và một số nhu yếu phẩm cỡ nhỏ. Hành khách có thể mua hàng bằng cách quét mã QR, và cốp xe trở thành nơi tích trữ hàng hóa.

Gian hàng di động trong xe của một tài xế Thượng Hải.

Và nếu đến Phillipines, bạn cũng đừng cảm thấy ngạc nhiên khi bước lên một chiếc xe ô tô mà ngỡ như lạc vào một gian tạp hóa vì trong xe treo đầy bim bim bánh kẹo.

Tạp hóa thu nhỏ của tài xế Philippines.

Tạm kết

Nói về chiến dịch bán hàng trên xe ô tô, taxi, đánh giá một cách tổng quan đây là cách thức tiếp thị mới lạ và hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Nếu không bàn đến yếu tố doanh thu, lợi nhuận, và chia sẻ hoa hồng cho cánh tài xế thì đây là cách làm truyền thông thương hiệu rất hiệu quả. Vì hình thức quảng cáo bên trong xe ô tô có thể tiếp cận một cách trực tiếp và gần gũi với những người đi xe ô tô. Mà nhóm khách hàng đa số có mức thu nhập khá tốt, sẽ phù hợp vơi những nhãn hàng muốn tiếp cận nhóm đối tượng này.

Bàn về góc độ kinh tế, quảng cáo trên xe ô tô đem lại nguồn thu nhập cho tài xế. Làm nghề lái taxi thực sự không giàu có và nhàn nhã như nhiều người vẫn tưởng, muốn có một mức thu nhập tốt phải thực sự chăm chỉ và mài mặt ra đường nhiều giờ liền. Việc bán hàng trên xe thỏa mãn đam mê kinh doanh của một số bác tài, đem lại một khoản thu không nhỏ, đồng thời cũng là cách để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó…

Việc đồ ăn thức uống nhồi nhét tại các vị trí trên xe là một hình ảnh không mấy đẹp đẽ khi bước vào một chiếc xe ô tô. Không gian trên xe đã bé, nay càng chật hẹp hơn, với những dòng xe rộng thì không sao, nhưng những dòng xe giá rẻ thì thật sự là thảm họa. Chưa kể tới việc dùng đồ ăn ngay trên xe sẽ bị dây rớt ra xe và để lại mùi. Điều này thật sự mang đến những trải nghiệm không mấy tốt đẹp cho những khách hàng khó tính.

Về việc quản lý hàng hóa sẽ như thế nào, khách lên xe tưởng đồ miễn phí, hồn nhiên sử dụng hoặc tự ý lấy đi mà không hỏi tài xế sẽ xử trí ra sao? Hàng hóa trên xe bị hỏng khi dùng sẽ như thế nào?

Có vô số những vấn đề tồn tại xoay quanh việc bán hàng trên xe ô tô. Vậy nếu đứng ở cương vị nhãn hàng book quảng cáo trên xe ô tô sẽ làm như thế nào?

Từ việc quan sát cách mà các nhãn hàng làm, xin đưa ra một vài giải pháp:

Sử dụng hộp bán hàng như của Uber để ngay chỗ tay lái của tài xế, rất gọn gàng, không chiếm diện tích ngồi của khách, không làm họ khó chịu, mà tài xế bán hàng cũng dễ hơn.

Hoặc thiết kế khay quảng cáo sáng tạo như của Grab, dù có bị vướng một chút, nhưng đẹp mắt, ấn tượng là được tha thứ hết.

Có thể sử dụng cách trả tiền thông minh bằng cách quét QR code của các bác tài Trung Quốc, tuy nhiên thì hiện tại hơi khó áp dụng tại Việt Nam khi văn hóa tiêu tiền của người Việt là dùng tiền lẻ, chưa quen với việc dùng app công nghệ. Nhưng nếu là Grab, việc thanh toán qua Grabpay cũng khá tiện lợi.

Thu Nguyệt
Car Media