“Thượng đế” có cần có giới hạn?

Làm ngành dịch vụ ai mà không biết, khách hàng là thượng đế, là nguồn thu sống còn cho mọi hoạt động của bản thân mình và toàn công ty. Nhưng liệu, có phải lúc nào thượng đế yêu cầu ta cũng phải sẵn sàng phục vụ không?

Thực ra, điều này còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Có những người, thậm chí đơn vị, sẵn sàng phục vụ 24/7, chỉ cần khách hàng có nhu cầu. Có thể họ cho rằng, việc đảm bảo mức độ phục vụ cao nhất có thể phần nào thể hiện sự chuyên nghiệp và tận tâm của mình đối với khách hàng, từ đó giữ chân được khách.

Còn cá nhân tôi, lại khác. Bởi, tôi nhận ra rằng, con người vốn là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội, trong khi đang là nhà cung ứng dịch vụ cho khách hàng, bạn đồng thời cũng là con của bố mẹ, chồng của một cô vợ, cha của một đứa con, etc. Sẽ đến một lúc nào đấy, trong cuộc đời này, bạn không thể và cũng không muốn coi công việc là toàn bộ cuộc sống của mình nữa, không sẵn sàng tiếp nhận mọi thử thách của khách hàng mọi lúc mọi nơi nữa. Bạn cần dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cho bản thân, cho những mối quan hệ khác ngoài công việc. Đó là lúc bạn đặt câu hỏi, làm sao để dung hòa được các mối quan hệ ấy, đảm bảo cho mình thời gian dành cho các hoạt động riêng tư cá nhân mà vẫn duy trì lợi ích lớn nhất dành cho khách hàng?

Câu trả lời chỉ gói gọn trong 4 chữ: Tôn trọng nguyên tắc.

Trước khi bạn bắt đầu hợp tác với khách hàng, bên cạnh những điều khoản hợp đồng chính thức, hãy thống nhất một khung thời gian làm việc chung. Khung thời gian này được xây dựng trên cơ sở trước tiên là để đảm bảo tốt nhất về mặt hiệu quả giao tiếp giữa bản thân và khách hàng, nhưng phải tôn trọng khoảng thời gian cá nhân của cả hai bên. Đừng ngại đặt điều kiện với khách hàng về khoảng thời gian nghỉ ngơi của mình, vì tin tôi đi, khách hàng cũng giống như bạn thôi, sẽ chẳng mặn mà với việc lúc nào cũng ám ảnh với công việc.

Một khi đã thống nhất được nguyên tắc làm việc rõ ràng, hãy cố gắng tự đặt kỉ luật cho bản thân để đảm bảo mọi việc nằm trong khuôn khổ. Hãy nhớ rằng, người đặt ra những nguyên tắc này chẳng ai khác ngoài bạn, vậy nên, chính bạn cũng phải là người tuân thủ theo nó một cách nghiêm ngặt nhất. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp khẩn cấp ngoài ý muốn, lúc này, người làm dịch vụ có thể ưu tiên yêu cầu hợp lý của khách hàng từ đó khiến công việc hoàn thành tốt nhất.

Điều này không chỉ đúng với những người làm công việc freelance, mà còn áp dụng được với những doanh nghiệp làm ngành dịch vụ. Việc bạn ép nhân viên luôn phải cài đặt chế độ “sẵn sàng phục vụ” về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới hiệu xuất làm việc của họ cũng nhiệt huyết dành cho công ty. Vậy nên, việc đề ra được thời gian làm việc ngay từ đầu và thống nhất với mọi khách hàng như đã nói trên đây, không chỉ giúp bạn duy trì được trạng thái làm việc tốt nhất cho nhân viên mà cũng giúp bạn và khách hàng dễ dàng hơn trong việc quản lý thời gian và tiến độ công việc. Khách hàng chưa chắc sẽ không sử dụng dịch vụ từ một người từ chối làm việc tối muộn hay vào cuối tuần nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ sử dụng dịch vụ của một đối tác không uy tín, chất lượng không tốt, luôn phải thúc ép tiến độ.

Cuối cùng, dù bạn chọn lựa theo cách nào điều quan trọng nhất là phải kiên định với lựa chọn của mình. Đừng quên rằng, thước đo của sự chuyên nghiệp không nằm ở việc bạn dành bao nhiêu thời gian cho nó, mà ở cách thức bạn thực hiện công việc và thành quả cuối cùng.