Hành trình Management Trainee #4 - Nguyễn Hữu Như Nguyện @ Masan: Ước mơ góp tay xây thương hiệu Việt

Trở thành Management Trainee (MT) – Quản trị viên Tập sự tại các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia không phải là đích đến, mà là khởi đầu của một hành trình đầy thử thách.

Không màu hồng, không dễ chịu, nhiều đánh đổi, nhiều áp lực, thay đổi công việc liên tục, là cách mà các công ty đào tạo những “nhà lãnh đạo trẻ tương lai”. Hành trình ấy sẽ không có sự chăm bẵm, ưu ái hay mặc nhiên “được làm sếp” như nhiều bạn thường ngộ nhận.

Vì vậy, thay vì đặt câu hỏi “phải làm sao để đậu MT”, chúng tôi viết loạt bài này để mang đến cho các bạn trẻ cái nhìn rõ ràng hơn, đời thực hơn, về những gì một bạn MT phải trải qua, và để “tốt nghiệp MT” thành công, thì cần những tố chất gì.

Có thể khi đọc xong, bạn sẽ tự đặt câu hỏi cho bản thân mình: Liệu tôi có còn MUỐN thi MT nữa không? Với những tố chất hiện tại, liệu MT có phải là con đường tôi NÊN đi hay không? Khi đó, bạn sẽ có cái nhìn và cách tiếp cận đúng hơn khi lựa chọn thi MT.

Khách mời tiếp theo của chuyên mục Hành trình Management Trainee là bạn Nguyễn Hữu Như Nguyện đến từ Masan.

* Cảm ơn Nguyện đã dành thời gian chia sẻ về hành trình của mình với bạn đọc. Trước hết Nguyện có thể chia sẻ về những trải nghiệm đầu tiên tại Masan?

Như các chương trình có format tương tự, trong chương trình Masan Young Entrepreneur (Doanh nhân trẻ Masan), hai tuần đầu tiên là thời gian “trăng mật” khi các bạn MYE chưa thực sự bắt tay vào các dự án, phần lớn thời gian là tìm hiểu nhiều thứ khác nhau từ sứ mệnh của tập đoàn, các dòng sản phẩm chính đến cách vận hành của công ty.

Sau thời gian “trăng mật” là 2 tháng làm việc như một nhân viên bán hàng tại phòng Sales và 2 tuần luân chuyển qua phòng Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm mới (R&D) và phòng Tài chính. Masan quan niệm các bạn MYE Marketing sẽ cần phải làm nhân viên bán hàng để có thể hiểu về thị trường, làm việc tại phòng R&D để hiểu về quy trình nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm mới, hiểu cách phòng Tài chính làm việc để sau này lên kế hoạch Marketing thật thực tế.

Thời gian ở phòng tài chính, Nguyện được học về những vấn đề liên quan đến cân đối kế toán, hiểu báo cáo tài chính. Còn tại phòng R&D Nguyện được học về quy trình làm nước mắm, các nguồn nước mắm của Masan, quy trình nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mới. Masan là công ty đề cao “innovation” (ý tưởng cải tiến), vậy nên việc học tập ở phòng R&D rất quan trọng để một marketer hiểu sâu, hiểu kĩ về sản phẩm và từ đó đưa ra những đề xuất hợp lý cho cải tiến và ra mắt những dòng sản phẩm mới trong tương lai.

* Những công việc tiếp theo của Nguyện là gì?

Thời gian đầu Nguyện làm nhân viên bán hàng trùng với mùa Vu Lan, nên mọi người đều rất bận rộn, vậy nên dù mới chân ướt chân ráo vào team, Nguyện đã đánh liều đi bán hàng một mình. Những tưởng bán hàng cũng đơn giản thôi, ai dè trong lần đầu tiên Nguyện đã bị nhà bán lẻ mắng vì lơ ngơ chưa nắm rõ chương trình khuyến mãi. Rồi những tuần đầu tiên, cũng bị nhiều khó khăn trong việc chào hàng, chốt đơn hàng. Giờ nghĩ lại mới thấy lúc đó Nguyện không chịu hỏi han hay chia sẻ với các anh chị. Một phần mình tự đặt cho mình áp lực là MYE thì phải tự giải quyết được vấn đề, nếu chuyện gì cũng hỏi thì thật “dở”, “không có khả năng”. Chị Coach của Nguyện đã phải nhắc nhở Nguyện rằng MYE hay không thì Nguyện cũng là người mới bắt đầu, mình phải lên tiếng, mọi người mới biết họ cần giúp mình. Đó cũng là cách để mình học hỏi và lớn lên, trưởng thành lên mỗi ngày. Đây cũng là bài học đầu tiên của Nguyện tại Masan.

Tiếp đó là dự án Trưng bày tại điểm bán cùng 4 bạn MYE đến từ các phòng ban khác nhau. Đối với các sản phẩm thuộc nhóm ngành FMCG, việc trưng bày sản phẩm ở điểm bán như thế nào để nhắc người tiêu dùng nhận ra và lựa chọn thương hiệu mình là chuyện vô cùng quan trọng.

Nguyện bắt đầu nhận ra đây là giai đoạn khó hơn quá trình thi rất nhiều. Vì thi là quá trình mình vượt lên trên để trở thành một trong những MYE của Masan, còn bây giờ lại là câu chuyện hợp tác với mọi người, tìm được sự hòa hợp trong một team để đạt được mục tiêu chung. Mỗi người đến từ mỗi phòng ban khác nhau, lại có điểm mạnh và kinh nghiệm riêng, dù sự đa dạng đó sẽ giúp dự án có nhiều góc nhìn mới nhưng đôi khi cũng sẽ gặp khó khăn khi tìm tiếng nói chung.

Nguyện thấy kĩ năng lắng nghe rất cần thiết khi làm việc nhóm, làm sao vừa lắng nghe vừa tiếp thu mà vẫn giữ được quan điểm của mình. Sau khi trình bày đề xuất thì một số ý tưởng đang được đưa vào thực hiện dần dần. Nguyện xem đó là một thành công nho nhỏ trong suốt hành trình của mình. Sau dự án này, Nguyện về làm việc tại thương hiệu Nam Ngư.

* Khó khăn lớn nhất khi Nguyện làm việc tại Nam Ngư là gì? Nguyện đã làm gì để vượt qua khó khăn đó?

Tại Nam Ngư, khó khăn nhất có lẽ là “kiếm việc” cho mình làm. “Kiếm việc” ở đây là mình cần nghiên cứu, đề xuất ý tưởng và thuyết phục sếp đồng ý cho mình hiện thực hóa ý tưởng ấy, chứ không chỉ là công việc hỗ trợ người khác. Việc hỗ trợ người khác thì luôn nhiều nhưng bản thân mỗi người cần đề xuất các ý tưởng để có thể thực hiện các công việc của mình.

Quá trình kiếm việc cho mình làm là quá trình đào sâu, tìm hiểu về số liệu, thị trường để có thể đưa ra ý tưởng mới, thuyết phục sếp duyệt. Vấn đề Nguyện gặp phải trong thời gian này là sợ sai, không dám đề xuất ý tưởng của mình. Nguyện dành thời gian để chuẩn bị rất nhiều proposal mà cứ ngần ngừ mãi, không đủ can đảm trình bày.

Khi ấy, chị sếp trực tiếp gọi Nguyện vào phòng họp, hỏi Nguyện có gặp vấn đề gì không, sao thấy Nguyện chưa chủ động như những gì chị kỳ vọng từ lúc Nguyện thi MYE. Chỉ khi đó Nguyện mới có can đảm chia sẻ với sếp rằng Nguyện có làm và chuẩn bị khá nhiều proposal nhưng vì sợ sai, sợ tốn thời gian của chị nên chưa dám đề xuất. Nguyện rất biết ơn sếp mình, chị không phải là người hay hỏi han nhưng chị vẫn để ý từng người, xem các nhân viên của mình có gặp khó khăn, có cần giúp gì không. Sau đợt đó, sếp cũng phân công một chị là cựu MYE để cố vấn cho Nguyện trong quá trình làm việc.

Sau này Nguyện mạnh dạn hơn, trình bày với sếp nhiều ý tưởng hơn, sếp là người đặt câu hỏi xoáy vào những chỗ chưa đúng, chưa đầy đủ để mình có thể tự tin đem dự án trình bày với cấp trên. Nguyện thấy mình bị áp lực sợ sai hơi nhiều, những khó khăn trong giai đoạn này không đến từ người ngoài, mà đến từ những nỗi sợ và áp lực của mình nhiều hơn.

* Tết chắc hẳn là một giai đoạn bận rộn của Nguyện và team. Nguyện có thể chia sẻ về giai đoạn này không?

Giai đoạn này là giai đoạn Nguyện loay hoay với nhiều dự án, dự án nào cũng gấp rút. Năm nay, ngoài việc làm TVC như các năm trước, Nam Ngư còn triển khai chiến dịch digital nữa. Đây là thời gian Nguyện phải tự học rất nhiều thứ, từ cách xây dựng nội dung, phản hồi những bình luận liên quan chiến dịch đến việc adapt nội dung TVC ra các creative asset trên digital. Lúc còn là sinh viên Nguyện cũng có tìm hiểu nhiều về PR hay Social Media nhưng khi thực sự làm rồi mới thấy còn nhiều điều mình không biết, đến những chuyện nhỏ nhặt nhất cũng phải tìm hiểu thêm rất nhiều.

Trong suốt thời gian này, Nguyện không thấy vất vả lắm, chỉ thấy khó ở chuyện làm sao để có thể học hỏi nhanh và thích ứng với nhịp độ công việc dồn dập. Ngoài ra còn một bài học khác là về tính Ownership – làm chủ công việc của mình. Những bạn mới ra trường thường có xu hướng chỉ cặm cụi làm và “đẩy” hết việc ra quyết định cho sếp mà không lồng ghép quan điểm hay lựa chọn của mình. Nguyện nghĩ điều đó không sai, nhưng mình cũng cần suy nghĩ trước, trình bày vấn đề kèm giải pháp của mình thì mới kích thích bản thân tư duy, từ đó thấy được khoảng cách khác biệt giữa tư duy của mình và các anh chị nhiều kinh nghiệm hơn, có vậy mới biết mình đã nghĩ thiếu ở đâu mà rèn luyện thêm.

* Một dự án Nguyện ấn tượng nhất suốt khoảng thời gian làm MYE là gì?

Dự án ấn tượng nhất có lẽ là dự án “Tạo ra không gian trải nghiệm dịp Tết” của master brand CHIN-SU Foods ở Nhà văn hóa Thanh niên kéo dài từ ngày 22 đến mùng 7 Tết. Đây là một dự án tuy không lớn về quy mô, nhưng nếu làm đúng, làm tốt thì sẽ tạo ra những ấn tượng đẹp và sâu sắc của ba thương hiệu Gia Vị lớn là Nam Ngư, CHIN-SU, Tam Thái Tử trong mắt người tiêu dùng TP.HCM. Ngày Nguyện nhận được proposal từ Nhà văn hóa Thanh niên là 15 tháng 12 (âm lịch), vậy là Nguyện cùng team chỉ có 7 ngày để chuẩn bị. Trong 7 ngày ít ỏi đó, Nguyện cùng team và agency cùng nhau suy nghĩ từ idea đến việc thực hiện làm sao để có thể đảm bảo đúng ngày 22 lên sóng cho thật đẹp.

Thời điểm đó, có những ngày Nguyện chỉ ngủ 2 tiếng, thời gian còn lại ngồi cùng agency nghĩ ý tưởng, làm production làm sao để có nhiều người tương tác với mình hơn. Chỉ có 7 ngày, mà Nguyện với team dành hẳn 3 ngày để lên ý tưởng dùng hình ảnh vẽ tay để tạo nên khác biệt với các gian hàng khác. Trong những ngày cuối cùng của Tết, ngày nào Nguyện cũng ghé qua Nhà văn hóa Thanh niên để xem có cần thêm thắt chi tiết gì không, có cần chỉnh sửa gì không.

Số lượng đầu việc nhiều đến nỗi ngày nào To-do-list của Nguyện cũng đầy cả trang giấy. Song song với dự án đó thì Nguyện cũng phải xử lí những công việc khác chứ không thể lơ là. Chỉ những khi nhiều việc như vậy Nguyện mới thấy rõ giá trị của teamwork. Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng của các bạn trong team cũng như sự hỗ trợ hết mình từ agency, Nguyện đã không thể hoàn thành dự án trong 7 ngày như vậy.

Đây là dự án lớn đầu tiên Nguyện làm, thời gian ngắn nhưng kỳ vọng đến từ sếp lại cao vì đây là hoạt động có tác động nhiều đến hình ảnh thương hiệu. Mọi người trong team hay đùa Nguyện “làm cho quen với tốc độ của công ty”. Nhưng cho đến bây giờ Nguyện chưa gặp thêm dự án nào làm gấp như thế (cười).

Một bài học rất lớn Nguyện học được qua dự án này là khi làm việc với nhiều bên khác nhau, mình cần tìm cách phù hợp để đàm phán với người khác. Nếu tìm ra cách tiếp cận đúng mình sẽ dễ có được sự ủng hộ, hỗ trợ hơn là mới vô kêu người ta làm này làm kia cho mình. Trước giờ Nguyện luôn nghĩ mình không quá giỏi trong việc thương lượng, đàm phán với người bên ngoài. Nhưng qua dự án này, mình đã học hỏi được cách thuyết phục người khác, cả nội bộ lẫn các đơn vị bên ngoài. Đây cũng là một bài học quan trọng của marketer, khi mình phải biết cách truyền tải ý tưởng và thuyết phục người khác hỗ trợ việc thực hiện ý tưởng của mình.

* Trong suốt hành trình của mình, người ảnh hưởng tích cực nhất đến Nguyện là ai?

Người ảnh hưởng tích cực đến Nguyện nhất có lẽ là chị sếp trực tiếp. Chị đã dạy cho Nguyện từ những điều đơn giản như biểu cảm khuôn mặt của mình trong lúc họp như thế nào, nên ghi chú ra sao để có thể dễ dàng theo dõi đến việc làm việc với các phòng ban khác như thế nào cho chuyên nghiệp. Chị không thể hiện tình cảm của mình quá nhiều nhưng chị quan sát, để ý đến từng thành viên trong team và giúp đỡ khi mọi người gặp khó khăn. Chị cũng là người khích lệ Nguyện nghĩ ra những ý tưởng mới mẻ, giúp Nguyện cảm thấy dũng cảm hơn để bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình và trưởng thành theo thời gian.

* Quay lại thời điểm Nguyện thi vào chương trình MYE tại Masan, lý do Nguyện chọn chương trình này là gì?

Điều quan trọng nhất khơi gợi cảm hứng cho Nguyện mỗi ngày là ước mơ chung tay xây dựng thương hiệu Việt. Nguyện có cơ duyên được truyền cảm hứng về thương hiệu Việt, về việc xây dựng những thương hiệu lớn mạnh để phục vụ chính 90 triệu người Việt Nam. Với Nguyện, đó là một giấc mơ thật lớn và thật đẹp. Và trong số các “cái nôi” thương hiệu Việt, Masan là nơi sản xuất ra những sản phẩm gần gũi nhất của người Việt Nam: chén nước mắm trên bàn ăn, ly cà phê đồng hành rất nhiều năm với bao thế hệ. Sản phẩm của Masan không xa rời mà thực tế và len lỏi vào đời sống của người Việt. Vì vậy, Nguyện chọn Masan.

Nguyện thấy nhiều bạn trẻ chọn các chương trình MT tại các công ty lớn với nhiều lý do như lương cao, danh tiếng… Nhưng Nguyện nghĩ mỗi người cần có sự yêu thích sản phẩm, yêu thích công ty thì mới có thể đi đường dài được. Đặc biệt với một marketer, bạn cần phải yêu thương hiệu mình đang làm, hiểu được tầm nhìn và giá trị của thương hiệu. Có như vậy, bạn mới luôn sẵn sàng và đủ khả năng xây dựng thương hiệu đó. Giấc mơ thương hiệu Việt là điều khích lệ Nguyện mỗi ngày.

* Theo Nguyện, một bạn sinh viên mới ra trường cần chuẩn bị gì để thành công tại Masan?

Là một công ty đề cao cải tiến, Masan có tốc độ làm việc nhanh để đón đầu những làn sóng của thị trường, nên Nguyện nghĩ các bạn phải luôn làm việc với tư tưởng “Make it happen”, đừng nghĩ khó quá không thể làm được, mà hãy nghĩ làm sao để có thể hoàn thành. Ngày xưa lúc còn đi học Nguyện nghe các anh chị nói về những điều này luôn có cảm giác sáo rỗng. Tuy nhiên đến khi bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp rồi thì mới thấy “Can do attitude” rất quan trọng. Khi bắt đầu một dự án, bạn cần phải đặt 2 câu hỏi “Tại sao dự án này quan trọng?” và “Làm cách nào để thực hiện nó?”. Câu 1 là để hiểu sâu, hiểu đúng, từ đó đưa ra những quyết định đúng và phù hợp mục tiêu. Câu 2 là tư tưởng “make it happen” mà Nguyện nói đến. Đừng tự hỏi “Mình có làm được không?” vì bản thân câu hỏi đó đã khiến bạn nhụt chí rồi.

Tiếp đó là câu chuyện về kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Nếu muốn làm nhanh, các bạn không thể làm một mình, bởi có rất nhiều việc không phải chuyên môn của mình, nhưng marketing vẫn là bộ phận phải theo dõi để đảm bảo tiến độ. Nguyện nghĩ mình không sinh ra với năng khiếu giao tiếp giỏi, teamwork tốt mà những kỹ năng đó được trau dồi thông qua các cuộc thi và các hoạt động câu lạc bộ suốt thời gian đại học.

Điều cuối cùng là “Start With Why”. Với Nguyện, Why chính là tình yêu sản phẩm Việt, thương hiệu Việt. Mình luôn muốn làm ra những sản phẩm chất lượng cho người Việt. Đó luôn là nguồn cảm hứng giúp Nguyện ngày ngày nỗ lực để phát triển bản thân mình và đóng góp cho Masan.

* Cảm ơn những chia sẻ chân thành của Nguyện, chúc Nguyện thành công trên con đường sắp tới!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam