Marketer Lê Hoàng Trâm
Lê Hoàng Trâm

In-Depth Content about Brand, Marketing and Tech

Đại diện The Coffee House: “Nhờ Uplift, 6 nhân viên khuyết tật sẽ được lắp cánh tay robot trong 2019"

Trong tháng 3 vừa qua, The Coffee House (TCH), một trong những đối tác đầu tiên của dự án Uplift “Cánh tay robot”, đã công bố sẽ thực hiện lắp đặt những cánh tay đầu tiên dành cho 6 nhân viên khuyết tật trong 2019. Bài phỏng vấn anh Võ Duy Phú (Giám đốc tiếp thị & thương mại của TCH) sẽ làm rõ hơn nguồn cảm hứng đem đến sự kết hợp ý nghĩa này.

* Câu chuyện của TCH và dự án Uplift bắt đầu từ đâu?

Khoảng 5 tháng trước, đội ngũ của dự án Uplift đã đến gặp TCH để trao đổi, mặc dù dự án này khi đó chỉ mới nằm trên bàn ý tưởng, chưa có sản phẩm thực tế. Sau khi trình bày, đại diện Uplift nhấn mạnh rằng: “Đây là dự án nhằm giúp đỡ những người khuyết tật và góp phần thay đổi xã hội Việt Nam thông qua việc trao cho những người khuyết tật một cơ hội”, Phú đã nhận ra một giá trị quan trọng của TCH trong dự án này: Tôn trọng sự khác biệt.

Tôn trọng sự biệt là giá trị cốt lõi của The Coffee House ngay từ ngày đầu tiên thành lập.

Tôn trọng sự khác biệt là một trong những giá trị cốt lõi của TCH từ ngày đầu tiên. Đến quán của TCH bạn có thể thấy vô vàn những người khác nhau, thậm chí là những bạn giới tính thứ ba. Tất cả mọi người đều thấy tự do để bộc lộ sự khác biệt của mình. Tạo điều kiện cho những bạn khuyết tật tham gia vào đội ngũ của TCH cũng không nằm ngoài giá trị mà TCH hướng đến.

Cùng mong muốn đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội, cùng tương đồng về mặt giá trị, vì vậy, TCH đã quyết định đồng hành với Uplift trong dự án này.

* The Coffee House có kế hoạch gì để hỗ trợ dự án Uplift?

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án Uplift đã hoàn thành phần mô-đun chuẩn hóa, bắt đầu có thể sử dụng. Đồng thời dự án cũng đang đang mở form đăng ký cho các bạn khuyết tật và đang trong giai đoạn sàng lọc, bởi 6 người đầu tiên rất là quan trọng. Hiện đã có nhiều bạn đăng kí và TCH cũng đã nhận được một vài người thông qua sự giới thiệu của Trung Tâm Khuyết Tật và Phát Triển Việt Nam.

Khi đủ 6 bạn, form đăng ký vẫn sẽ tiếp tục mở vì kế hoạch của TCH không chỉ dừng ở con số 6 mà hơn nữa. Vì vậy Phú hy vọng nếu ai biết các bạn khuyết tật đang khao khát một cánh tay robot và 1 công việc để tự trang trải cho cuộc sống thì hãy mời bạn đăng ký tham gia.

TCH luôn chào đón những bạn khuyết tật đang khao khát một cánh tay robot và 1 công việc để tự trang trải cho cuộc sống.

Về mặt TCH, để chuẩn bị kịp việc lắp đặt những cánh tay đầu tiên cho các bạn trong tháng 10, việc chọn lọc sẽ được hoàn thành trong tháng 7. Cả 6 bạn này đều có kế hoạch huấn luyện chi tiết.

Cụ thể trong ba tháng đầu tiên, các bạn sẽ tìm hiểu và làm quen với cánh tay mới của mình. Cánh tay này sẽ như một niềm tự hào, chứ không còn là gánh nặng. Cùng với TCH, các bạn sẽ biến mỗi cánh tay này trở thành biểu tượng của những điều kỳ diệu, và lan tỏa nó.

Mỗi cánh tay robot này trở thành biểu tượng của những điều kỳ diệu và TCH sẽ cùng chung tay xây dựng và lan tỏa điều kỳ diệu đó.

Ba tháng tiếp theo sẽ tập trung giới thiệu và thay đổi mindset (tư duy) của các bạn. Các bạn sẽ hiểu rằng những cánh tay robot này không phải là một món quà, mà chính là thành quả của công sức các bạn tự bỏ ra mà đạt được. TCH sẽ cung cấp cho các bạn một môi trường làm việc, để thông qua đó các bạn tìm được nguồn thu nhập để mua cánh tay này. Chỉ khi bỏ công tìm kiếm và đạt được, cánh tay này mới trở thành niềm tự hào của các bạn.

Tháng cuối cùng sẽ dành cho việc huấn luyện mindset của các bạn nhân viên hiện tại của TCH, để các bạn mở lòng và chào đón những thành viên mới.

Ngoài ra, TCH cũng hiểu được những khó khăn, thiệt thòi của các bạn khuyết tật nên cũng thiết kế nhiều chính sách phúc lợi dành riêng cho các bạn như về hỗ trợ đi lại, di chuyển, bảo hiểm y tế đặc biệt.

* Những thách thức mà TCH phải đối mặt khi thực hiện dự án này?

Về việc thực thi dự án này, Phú nghĩ sẽ có 3 thử thách lớn:

Thứ nhất đó là cú shock về văn hóa của 6 bạn tham gia dự án. Các bạn sẽ phải tiếp xúc với 600 khách hàng mỗi ngày. Các bạn nhân viên hiện tại cũng phải tốn 1 ít thời gian để thích nghi, vì vậy đây sẽ là thử thách lớn cho các bạn vốn đã quen với môi trường cũ của mình.

Những cánh tay robot này không phải là một món quà, mà chính là thành quả của công sức các bạn tự bỏ ra mà đạt được.

Thứ hai là sự giao thoa giữa các bạn nhân viên hiện tại với TCH với 6 bạn mới. Các bạn sẽ cần 1 khoảng thời gian nhất định để học cách hợp tác và làm việc trơn tru với nhau.

Thứ ba là rào cản trong quan niệm xã hội hiện nay, đây có lẽ là khó khăn tốn nhiều thời gian để thay đổi nhất, nhưng cũng mang lại giá trị lớn nhất. Đây cũng chính là điều mình thích nhất ở dự án này: Một tương lai ở đó TCH có thể chung tay để thay đổi quan niệm xã hội.

Với TCH, những thử thách luôn là cơ hội để phát triển. Vì vậy, TCH đã không ngần ngại để chọn Uplift là dự án CSR của toàn thể công ty cho 2019.

* Dự án Uplift có nằm trong chiến lược dài hạn của TCH?

Cá nhân Phú cũng như TCH đều mong muốn dự án này không dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm mà sẽ được áp dụng trong toàn hệ thống của TCH, có thể hỗ trợ được 10% số lượng người khuyết tật ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

TCH sẽ là đơn vị đầu tiên thử nghiệm mô hình của dự án này, xem những thuận lợi và khó khăn và có điều chỉnh để hoàn thiện, rồi từ đó lan tỏa đến các công ty và doanh nghiệp khác ở Việt Nam và mở rộng hơn nữa.

Võ Duy Phú tại sự kiện ra mắt dự án Uplift vào tháng 03/2019.

* Xin cảm ơn Phú vì những thông tin thú vị. Chúc The Coffee House và dự án Uplift sẽ thành công tốt đẹp!

Uplift là dự án về trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng (CSR), sản xuất và lắp đặt tay điện miễn phí, đào tạo kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng làm việc và cung cấp việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam. The Coffee House hiện là đối tác chiến lược của dự án xã hội Uplift do startup Vulcan Augmetics phát động trong vai trò đối tác đầu ra đầu tiên. Vào tháng 10/2019 dự kiến sẽ có 6 người đầu tiên được lắp đặt cánh tay robot tham gia vào hệ thống của The Coffee House. Đóng góp trực tiếp tại Indiegogo chỉ từ 1 USD.

Trâm Lê & Hoàng Hiền