Marketer Ngọc Lê
Ngọc Lê

Senior Specialist Counsellor @ Grey Cells Strategic Consulting & Training

Vũ khí xây dựng lý lẽ và lập luận vững chắc

Tư duy và lập luận là một quá trình phức tạp, dựa trên rất nhiều các yếu tố khách quan và chủ quan, liên tục bị ảnh hưởng và tác động bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài.

* Trích từ bài giảng của Khóa học Tư duy Phản biện / Critical Thinking của Grey Cells

Chất lượng tư duy sẽ không đồng nhất và ổn định nếu chúng ta không “rèn” tư duy vào những “framework”. Vậy làm thế nào để “chuẩn hóa” tư duy và lập luận để đạt được hiệu quả tư duy cao nhất?

Trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 8 thành phần của Tư duy (theo Paul and Elder)

  1. Mọi lập luận đều có mục đích - Purpose
  2. Mọi lập luận đều là nỗ lực để giải quyết một số câu hỏi, vấn đề - Question
  3. Mọi lập luận đều dựa trên thông tin, dữ liệu hay chứng cứ - Information
  4. Mọi lập luận đều dựa trên những góc nhìn, quan điểm - Point of view
  5. Mọi lập luận đều dựa trên các khái niệm và ý tưởng - Concept
  6. Mọi lập luận đều có các giả định ngầm - Assumption
  7. Mọi lập luận đều có đưa ra những hàm ý dẫn dắt người nghe đến kết luận - Implications and Consequences
  8. Mọi lập luận đều dẫn đến một kết luận cuối cùng - Conclusion

Xác định được mục đích (Purpose) của tư duy và lập luận là điều quan trọng nhất vì từ đó sẽ giúp chúng ta “định hình” được những thành phần tiếp theo của tư duy. Chúng ta đang muốn truyền tải điều gì, muốn gây ảnh hưởng như thế nào, lên đối tượng nào? Nhưng thành phần “nguy hiểm” nhất của tư duy lại chính là giả định ngầm (Assumption) xuất phát từ những niềm tin, trải nghiệm cá nhân và là lập luận ẩn vì ở tầng vô thức (unconscious level of thought) nên không được nhận thức, không được viết ra, không được nói ra hay bất cứ hình thức truyền đạt nào khác nhưng lại điều hướng toàn bộ những hàm ý và kết luận của tư duy. Và sự thật, tất cả chúng ta đều có những giả định ngầm của riêng mình và chúng ta vô thức tạo ra những assumption hàng ngày. Lời khuyên là phải thường xuyên kiểm chứng những giả định ngầm của bản thân mình. Ví dụ về lời khuyên của một chủ tọa phiên tòa ly hôn “tha mồi về tổ cho đại bàng cái nuôi con, sướng quá đi chứ”, “chị về nhà trông con, quản lý tài sản và giao hết công việc cho chồng, sống như một bà hoàng” thì ở đây giả định ngầm của vị này là “phụ nữ ở nhà trông con, không phải đi làm việc, không gánh vác trách nhiệm kinh tế là sung sướng nhất”. Xác định giả định ngầm trong lập luận là chiến lược sống còn vì nếu thành công coi như bạn đã đi được nửa con đường đến đích, cứ ngắm vào các “lỗ hổng” trong giả định ngầm này và phản biện! Lưu ý không phải tất cả giả định ngầm đều sai hoặc đều có “lỗ hổng”, khác biệt trong chất lượng tư duy chính là người có giả định ngầm đúng đắn và chính xác.

Sau khi đã cấu trúc được, định hình được 8 thành phần của lập luận việc tiếp theo là dùng các tiêu chuẩn khách quan để đánh giá, kiểm soát chất lượng của chúng.

Theo Paul and Elder, 10 tiêu chuẩn đánh giá tư duy bao gồm:

  1. Tính quan trọng - Significance: Tại sao phải cần tập trung giải quyết vấn đề này? Đó có phải là vấn đề quan trọng, cốt lõi cần giải quyết hay không? Có phục vụ cho mục tiêu chính hay không?
  2. Tính liên quan - Relevance: Vấn đề đang đề cập đến có liên quan đến vấn đề chính đang cần giải quyết hay không, có tập trung vào mục tiêu chính hay không?
  3. Tính rõ ràng - Clarity: Có thể cho giải thích, ví dụ minh họa cho ý tưởng của mình hay không? Phải làm rõ các khái niệm, lý thuyết, khái quát hóa vấn đề để có được sự thống nhất.
  4. Tính chính xác - Precision: Cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể về vấn đề đề cập.
  5. Tính logic - Logicalness: Tất cả các chi tiết được đề cập có liên kết về mặt logic không? Chúng có hỗ trợ nhau, khớp với nhau hay “đá” nhau? Có dựa trên bằng chứng xác thực nào không? Có ngụy biện nào trong lập luận hay không?
  6. Độ rộng, bao quát - Breadth: Vấn đề đang nói có đang đặt trong mối tương quan khác không, góc nhìn có đa chiều không hoặc có góc nhìn đối lập nào tạo nên sự khác biệt, ý nghĩa hay không?
  7. Tính đúng đắn - Accuracy: Thông tin đưa ra có thể kiểm tra, kiểm chứng từ nguồn nào để biết được tính chính xác của nó.
  8. Tính hoàn chỉnh - Completeness: Có xem xét hết các yếu tố phụ của vấn đề hay chưa? Vấn đề phải được đặt trong một bối cảnh, hệ thống toàn diện của nó.
  9. Tính công bằng - Fairness: Quan điểm đó có công bằng hay không? Có trung thực, khách quan hay không?
  10. Độ sâu - Depth: Những ảnh hưởng gián tiếp lên vấn đề, những yếu tố tương lai nào có thể tác động làm thay đổi bản chất của vấn đề, làm nó trở nên phức tạp hơn.

Hiểu và phối hợp nhuần nhuyễn 10 tiêu chí này không dễ nhưng chúng ta có thể bắt đầu những bước đầu tiên bằng cách áp dụng 2 tiêu chí cơ bản nhất đó là Tính quan trọng, ý nghĩa (Significance) và Tính liên quan (Relevance). Tất cả những lập luận, dẫn chứng đều phải hỗ trợ cho mục tiêu ban đầu (Purpose), tránh sa đà vào những chi tiết phụ, lan man, không liên quan. Ví dụ trong chương trình giới thiệu về công ty A cho các bạn sinh viên mới ra trường thì nên tập trung vào 3 ý chính quan trọng (sau quá trình brainstorm để đạt được tính hoàn chỉnh (Completeness): 1. Cơ hội được đào tạo và phát triển 2. Lộ trình phát triển nghề nghiệp trong tổ chức 3. Chế độ đãi ngộ, lương bổng

Hãy bắt đầu hành trình tư duy của chính bạn ngay hôm nay bằng cách áp dụng 8 thành phần và 10 tiêu chí của Tư duy qua việc đọc và phân tích các bài báo, bài bình luận và tập thói quen cấu trúc các lập luận của mình bằng cách viết ra giấy và liên tục phản biện bản thân mình liệu lập luận có chặt chẽ, sắc bén hay chưa, còn có “kẽ hở” nào trong giả định ngầm hay không…

Chúc các bạn đạt được những kết quả khả quan trong hành trình cải thiện chất lượng tư duy.