Top 5 xu hướng chi phối ngành thương mại điện tử năm 2019

Theo thống kê của Statista, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng 24,9% và đạt doanh thu 2,269 tỷ USD tính đến tháng 10/2018.

Theo giới chuyên gia nhận định, TMĐT Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển bứt phá trong năm 2019 với những xu hướng mới theo sự phát triển của thị trường. Dưới đây là 5 xu hướng mới chi phối thị trường thương mại điện tử năm 2019.

1/ Xu hướng thương mại đa kênh cho bán lẻ hiện đại

Theo báo cáo của We Are Social (tháng 01/2018), 67% người dân Việt Nam đã tiếp cận với internet; 98% trong số đó mua hàng qua mạng theo nhận định của Nielsen. Thị trường bán lẻ trực tuyến đã trở nên sôi động hơn trong những năm gần đây cùng với xu hướng internet hóa cộng đồng.

Kênh mua sắm trực tuyến của khách hàng bắt đầu đa dạng hơn nhờ sự đóng góp của sàn thương mại điện tử (68%), mạng xã hội/diễn đàn (51%) và thương mại di động (41%), (Số liệu từ Sách trắng TMĐT Việt Nam 2018). Người mua đã có nhiều lựa chọn và họ cũng đòi hỏi người bán xuất hiện tại nhiều kênh bán để tối đa hóa nhu cầu. Khảo sát của HBR đã chỉ ra 73% trong số 46.000 người tiêu dùng đánh giá cao trải nghiệm đa kênh của cửa hàng online. Vì vậy, chuỗi đa kênh trực tuyến đóng vai trò rất quan trọng với thị trường bán lẻ hiện đại.

xu hướng thương mại điện tử 2019

73% khách hàng mua sắm đa kênh (Nguồn: HBR by Subscriptionly)

Thực tế thì mô hình thương mại đa kênh đã xuất hiện trong vài năm trước đây. Nhưng mãi đến hiện tại mới được các chủ shop tiếp cận rộng rãi. Theo báo cáo thường niên của Sapo, 97% cửa hàng online trong năm 2018 áp dụng bán lẻ đa kênh. Trong đó, hơn 54% chủ shop sở hữu 5 kênh bán hàng. Từ thực tế cho thấy thương mại đa kênh sẽ là xu hướng rõ rệt nhất trong năm 2019.

2/ Sự trỗi dậy của những sàn thương mại điện tử nội

Cuộc đua giành giật “ngôi vương” của những sàn thương mại điện tử chưa bao giờ khốc liệt như hiện tại. Ba doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam bao gồm Thegioididong, Tiki, Sendo cũng tham gia phân chia “miếng bánh” thị phần với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo báo cáo của iPrice Insights hồi tháng 10/2018, Top 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam có 3 doanh nghiệp Việt Nam nêu trên và 2 doanh nghiệp nước ngoài bao gồm Shopee và Lazada. Đáng chú ý hơn là iPrice thống kê trong quý IV năm 2018 lượng truy cập của Tiki đã tăng 80% trong 6 tháng cuối năm, vươn lên vị trí thứ 2 trên bản đồ TMĐT. Riêng Sendo cũng tăng trưởng hơn 55% về lượng truy cập.xu hướng e-commerce 2019

Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam đến Qúy IV năm 2018 (Nguồn: SimilarWeb by iPrice Insights)

Trong năm 2018, những thương vụ rót vốn khủng đã diễn ra trong thị trường TMĐT. Cả Tiki và Sendo đều được “bơm” một khoản đầu tư để tiếp tục cuộc chiến dài hơi. Báo cáo bán niên 2018 của VNG công bố Tiki đón nhận thêm 122 tỷ VNĐ từ tập đoàn công nghệ này. Ngoài ra, DealStreetAsia cũng đưa tin JD chính thức rót vốn vào Tiki với số tiền không công bố. Sendo không kém cạnh khi kêu gọi được số vốn 51 triệu USD từ SBI Holdings vào tháng 8/2018. Theo nhận định của các chuyên gia, sự bành trướng của Shopee và Lazada sẽ chững lại trong năm 2019 khi các sàn thương mại nội đã bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ. Chuyên viên về thị trường từ iPrice cho rằng, cả Tiki và Sendo đều có những hiểu biết sâu sắc về thị trường nội địa kết hợp các nguồn tài chính tốt sẽ là lợi thế để cạnh tranh với các “đại gia” ngoại quốc như Shopee và Lazada.

3/ Thương mại mạng xã hội tăng sức hút

Hãng nghiên cứu thị trường Asia Plus nhận định TMĐT tương tác sẽ rất triển vọng trong năm 2019. Đây sẽ là xu hướng chủ yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỉ lệ mua hàng qua mạng xã hội, cụ thể là Facebook đạt 70% và tăng nhẹ so với năm 2017. Tuy nhiên, ông Lê Hải Bình – chuyên gia từ VECOM (Hiệp hội TMĐT Việt Nam) đánh giá thương mại mạng xã hội chỉ góp phần giúp thương mại điện tử truyền thống trở nên phổ biến hơn. Ông Bình cho rằng rất khó để đánh giá tiềm năng của thương mại mạng xã hội bởi yếu tố mua bán đảm bảo và thanh toán an toàn vẫn còn chưa rõ ràng. Hành lang pháp lý cho thương mại mạng xã hội cũng chưa có. Do đó, năm 2019 sẽ chỉ là một năm chớm nở của thương mại mạng xã hội, chứ không có cơ hội bùng nổ. Vị chuyên gia từ VECOM cũng dự đoán rằng tiếp thị người ảnh hưởng (influencer marketing) của năm 2018 sẽ nhường ngôi cho xu hướng bán hàng của người ảnh hưởng trong năm 2019 (influencer sales).

4/ Thanh toán online lên ngôi

Theo Google và Temasek, 75% người Việt nam mua hàng online nhưng lại thanh toán bằng tiền mặt (COD), chỉ 25% chọn phương pháp thanh toán online. Hành vi thanh toán COD phổ biến nhất bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn là do thiếu niềm tin vào mua sắm trực tuyến. Các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp tài chính – công nghệ đã có nhiều nổ lực để đưa thanh toán trực tuyến thay thế COD truyền thống.

Xu hướng TMĐT 2019

Những nguyên nhân khách hàng chọn COD thay vì thanh toán trực tuyến (Nguồn ảnh: Boxme)

Theo bà Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước (NHNN), giai đoạn sắp tới NHNN sẽ triển khai nhiều giải pháp, định hướng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể là tìm ra giải pháp hiệu quả nhất cho QR code và các nền tảng tương thích; Cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử mà không cần thông qua tài khoản ngân hàng; Đẩy mạnh thanh toán các hóa đơn dịch vụ công bằng phương pháp trực tuyến. Trong năm 2019, chính phủ sẽ yêu cầu 100% dân đô thị thanh toán hóa đơn dịch vụ công không bằng tiền mặt.

Những thay đổi tích cực của thị trường thanh toán trực tuyến không thể thiếu sự đóng góp của những doanh nghiệp tài chính – công nghệ (fintech). Theo số liệu từ NHNN, cả nước có 76 ngân hàng cung cấp internet banking, 44 ngân hàng cho phép thanh toán qua di dộng và 24 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến.

Vào tháng 1/2019, ví điện tử Momo đã gọi vốn vòng series C thành công từ công ty quản lý quỹ đầu tư Warburg Pincus. Momo không tiết lộ con số cụ thể nhưng cho biết đây là khoản đầu tư cao nhất của nhà đầu tư nước ngoài với một công ty Fintech và thương mại điện tử Việt Nam. Đối đầu với Momo là Moca đã thành lập liên minh với GrabPay để mở rộng dịch vụ thanh toán. ViettelPay, Zalo Pay, Ngân Lượng, Vimo đã có nhiều chương trình tiếp thị ngay trong dịp Tết 2019. Sự đa dạng và phát triển của các nền tảng thanh toán điện tử sẽ góp phần khiến thanh toán online phổ biến hơn với người tiêu dùng trong năm 2019.

5/ Giao hàng trong ngày được ưu tiên hàng đầu

Giao hàng hỏa tốc hoặc giao hàng trong ngày đang góp phần không nhỏ trong việc tối ưu trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Theo Stuart Logistics, 38% khách hàng mong đợi cửa hàng trực tuyến có giải pháp. Ngoài ra, 72% khách hàng cho rằng họ sẽ mua nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn nếu được giao hàng trong ngày.

xu hướng thương mại điện tử 2019

Mong đợi của khách hàng với giao hàng nhanh trong thương mại điện tử (Nguồn: Stuart by Subscriptionly)

Các sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam cũng kịp nắm bắt để thỏa mãn nhu cầu này, nhất là ở khu vực thành thị. Tiki đi tiên phong với dịch vụ TikiNOW, giao hàng trong vòng 2 giờ chỉ giá dịch vụ chỉ 29.000 đồng. Tiki cũng hợp tác với ví Momo để nâng cao giá trị mua hàng trên Tiki, miễn phí vận chuyển TikiNOW cho khách hàng. Đây là một bước giúp Tiki tạo thói quen lựa chọn TikiNOW cũng như hạn chế tình trạng hủy đơn hàng bằng việc khuyến khích thanh toán trực tuyến trên Momo. Trong ngày hội mua sắm Single Day 2018, Tiki đã ghi nhận hàng ngàn đơn hàng TikiNOW chỉ trong 3 ngày khuyến mãi.

Theo sau Tiki, Lazada cũng triển khai giao hàng hỏa tốc trong ngày, Shopee giao hàng trong vòng 4H với các Shopee Mall, Sendo giao hàng 3H,…Các dịch vụ giao hàng trong ngày/hỏa tốc hầu hết đều có mức phí khá ưu đãi hoặc miễn phí trong một số trường hợp.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn áp dụng giao hàng trong ngày, những shop online vừa và nhỏ cũng đã biết cách “chiều lòng” khách hàng. Không quá khó để sử dụng giao hàng trong ngày bởi hầu hết các hãng vận chuyển đều triển khai dịch vụ này. Ngoài ra, mô hình On-demand Delivery (vận chuyển theo yêu cầu) đã khá phổ biến tại Việt Nam thông qua Grab Express, Ahamove, Be, Go-Viet,… giúp cho việc giao hàng tức thì hoặc giao hàng trong ngày dễ dàng hơn.

Những xu hướng mới phía trên sẽ góp phần giúp thị trường thương mại điện tử trở nên hấp dẫn và sôi động hơn. Người kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử cần nắm bắt để ứng phó kịp thời với những thay đổi của thị trường. Trong năm nay, TMĐT vẫn sẽ diễn ra những cuộc chiến khốc liệt, nhưng đó không phải là thế trận thu hút người dùng mà là cạnh tranh về chất lượng, giao hàng và hậu mãi để giữ chân người dùng. Đây cũng là nhận định của ông Lê Hải Bình – chuyên gia từ VECOM về thị trường TMĐT năm 2019.

Netsale là nền tảng dropshipping hoàn toàn MIỄN PHÍ giúp người bán hàng có thể tiếp cận trực tiếp các nguồn hàng từ nhà sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Mỹ, v.v., tự động đưa sản phẩm lên các sàn E-commerce kết nối cùng Netsale và sử dụng dịch vụ quản lý vận chuyển từ nhà sản xuất đến tận tay người mua hàng.

Tìm hiểu thêm tại https://netsale.asia hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn thêm.