Internet đang tạo ra một nền kinh tế nghiện ngập như thế nào?

Trong môi trường internet, đặc biệt là các nền tảng ứng dụng, sự chú ý cũng chính là một “đơn vị tiền tệ”. Những công ty công nghệ “ăn nên làm ra” nhất hiện nay cũng chính là những công ty tích lũy được cho mình nhiều sự chú ý nhất từ người dùng. Các công ty này ngày một trở nên thành thạo trong việc giữ chân người dùng ở lại trên nền tảng hay website của mình, đủ lâu để họ xem hết một video quảng cáo hay thực hiện hành vi mua hàng. Nói cách khác, sự chú ý của người tiêu chính là nguồn thu gián tiếp cho hai nguồn thu tiếp theo: ví tiền của nhà quảng cáo và ví tiền của chính người dùng.

Quy luật này dẫn tới tình trạng mọi cải tiến công nghệ, cho dù mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, rốt cục cũng chính là để không ai trong chúng ta có thể rời mắt khỏi màn hình và ngày một thoải mái hơn với việc xem quảng cáo. Cuộc chiến giữa các công ty công nghệ cũng chính là cuộc chiến giành giật sự chú ý, và kết quả của cuộc chiến này chính là một thế hệ người dùng internet say mê chuyển từ ứng dụng này sang ứng dụng khác, đắm chìm trong cảm giác thoải mái, thuận tiện do công nghệ mang lại, và rồi tự hỏi vì sao mình không thể quay trở về cuộc sống thật nữa.

Về mặt lý thuyết là như vậy. Trên thực tế, các công ty công nghệ đang sử dụng những chiến thuật nào để giữ chân người tiêu dùng ở lại nền tảng, từ đó gia tăng doanh số cho mình?

Bạn có còn nhớ những video quảng cáo không thể “skip” khi đang say sưa nghe nhạc trên Youtube? Hay một banner quảng cáo cỡ lớn bất chợt “nhảy” ra trước màn hình khi bạn đang tìm kiếm thông tin trên một trang web? Đây chính là những hình thức kiếm tiền sơ khởi nhất của các công ty công nghệ: gián đoạn công việc người dùng đang thực hiện bằng quảng cáo. Người dùng rơi vào thế bị động, buộc phải xem hết quảng cáo trước khi có thể tiếp tục công việc còn dang dở của mình, cho dù đó là đọc một bài báo hay nghe một bản nhạc. Cách thức quảng cáo này tuy vẫn còn được áp dụng cho tới ngày nay, những đang mất dần hiệu quả khi người dùng đã quá mệt mỏi với vô số quảng cáo được gửi tới, phần lớn trong số đó không liên quan gì tới sở thích hay nhu cầu cá nhân. Người dùng không còn quan tâm hay nhớ gì tới những đoạn quảng cáo chen ngang, hay tệ hơn nữa là bỏ đi làm việc khác cho tới khi quảng cáo kết thúc. Thậm chí, họ sẵn sàng ngưng sử dụng nền tảng nếu ngoài kia còn có sự lựa chọn tốt hơn.

Dĩ nhiên, các công ty công nghệ không không dễ gì “chịu thua”. Khi đã có trong tay khối lượng dữ liệu khổng lồ từ hành vi sử dụng internet của người dùng, từng những trang web họ hay ghé thăm cho tới lần mua hàng gần nhất hay cuốn sách yêu thích, các công ty này bắt đầu cải tiến cách thức phân phối quảng cáo. Các quảng cáo giờ đây được lựa chọn hiển thị dựa trên hành vi trước đó của người dùng. Nói cách khác, nếu bạn đang tìm kiếm một salon làm tóc cho năm mới, những quảng cáo “không liên quan” như bàn là hay tủ lạnh sẽ được tạm thời “ẩn đi”, nhường chỗ cho hàng loạt quảng cáo về dịch vụ chăm sóc tóc, tạo kiểu, uốn nhuộm… Theo sát nhu cầu của người dùng, hình thức quảng cáo này có phần hiệu quả và bớt “khó chịu” hơn, nhưng về căn bản chúng vẫn mang tính gián đoạn, chen ngang và miễn cưỡng.

Vậy phải làm thế nào để việc xem quảng cáo trở thành một hành vi tự nguyện? Đó là gắn chúng với các phần thưởng. Đây là lý do mô hình “gamification” (tạm dịch: trò chơi hóa) được áp dụng vào các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng di động. Ví dụ điển hình nhất của việc trò chơi hóa chính là bản thân các ứng dụng trò chơi. Bạn tham gia, thực hiện một số nhiệm vụ, lên cấp và sắm sửa đồ đạc cho các nhân vật ảo của mình. Những cột mốc tăng cấp, những món đồ quý hiếm,… đánh trực tiếp vào tâm lý của con người: cảm giác sung sướng khi đạt được hết mục tiêu này tới mục tiêu khác. Quảng cáo trở thành phương tiện để người chơi đạt được mục đích của mình nhanh hơn. Bạn không biết làm thế nào để vượt qua ván này? Hãy xem quảng cáo để nhận được một gợi ý miễn phí. Bạn cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa tích góp đủ cho món đồ mà mình mơ ước? Hãy xem quảng cáo để nhận ngay 15 “kim cương” miễn phí. Cứ như thế, bạn dốc mọi sức lực tập trung của mình và chẳng còn than phiền về quảng cáo, còn các công ty công nghệ thì vui vẻ với món tiền “béo bở” mà họ nhận được từ việc “gây nghiện” bạn.

Mô hình trò chơi hóa cũng được áp dụng ở một mức độ nhẹ nhàng hơn trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Instagram. Trong các nền tảng này, quảng cáo không nhất thiết gắn liền với phần thưởng, thế nhưng cảm giác được nhận phần thưởng luôn được kích hoạt thông qua những lượt like, share, comment mà người dùng nhận được, hay những nội dung thú vị liên tục được tạo ra và phân phối tới người dùng dựa trên sở thích, hành vi của họ. Bằng cách này, mạng xã hội trở thành một trong những nền tảng thành công nhất trong việc duy trì sự chú ý của người dùng, giữ chân họ trong nhiều giờ liền, còn các nhà quảng cáo thì mừng rỡ trước cơ hội tiếp cận một lượng khách hàng vô tận. Vì thế, doanh số khủng từ quảng cáo mà các nền tảng này thu được cũng không có gì quá bất ngờ.

Cho tới nay, cơ chế phân phối quảng cáo tới người dùng vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo nên giá trị vật chất cho internet. Để tiếp tục khai thác nguồn lợi từ cơ chế này, các công ty công nghệ đã vô tình tạo ra một “nền kinh tế nghiện ngập” nơi người dùng liên tục được ban thưởng, chừng nào họ vẫn còn sử dụng internet. Chứng nghiện internet không phải là một khái niệm mới mẻ. Thế nhưng, nếu như trước đây nó được coi là sản phẩm của lối sống, tính cách hay não bộ của mỗi cá nhân thì đã đến lúc nhìn nhận một cách nghiêm túc tác động từ “bàn tay vô hình” của các đế chế công nghệ khổng lồ tới nhận thức, suy nghĩ và hành vi của chúng ta.

“Nền kinh tế nghiệp ngập” không có vẻ gì là sẽ mất đi, đâu là lối thoát cho người dùng?

Sẽ rất mất rất nhiều thời gian cho tới khi các công ty công nghệ mới thôi làm lợi cho mình từ những “cơn nghiện” miên man của người dùng. Là những người sử dụng internet, cách duy nhất mà chúng ta có trong tay chính là tự tạo nên giới hạn cho riêng mình. Thứ nhất, hãy trung thành tuyệt đối với mục tiêu ban đầu của bạn khi sử dụng internet. Bạn muốn tìm kiếm địa chỉ học tiếng Anh? Vậy thì hãy chỉ làm việc đó thôi. Bạn tranh thủ thời gian trên xe buýt để chơi game, giải tỏa căng thẳng sau một ngày dài làm việc? Hãy dừng lại khi bạn cảm thấy thoải mái và sẵn sàng cho những hoạt động khác sau giờ làm. Thứ hai, hãy tuân thủ tuyệt đối một số luật lệ mà bạn cảm thấy cần thiết, chẳng hạn như không sử dụng điện thoại trong giờ ăn hay không mang điện thoại vào nhà tắm. Những ngày đầu có thể sẽ rất khó khăn, thế nhưng cho tới khi thói quen được hình thành, bạn sẽ không còn nhớ tới cuộc sống trước kia nữa.