Sáng tạo đột phá mang tới sản phẩm tuyệt vời và bứt phá cảm xúc hạnh phúc không giới hạn

GIÁM ĐỐC MJU GROUP – Sáng tạo là tạo thành công không biên giới và nguồn cảm hứng hạnh phúc không giới hạn

Trước khi gặp chị, hình dung của tôi về một nữ doanh nhân chẳng như vậy. Trong không gian vắng xanh mát và an nhiên của Nhà hàng chay Ưu Đàm, tôi nhìn qua và bắt gặp ngay một ánh mắt sáng rỡ, nụ cười tươi tắn hướng về phía mình. Có vẻ trông tôi hơi ngơ ngác nên trực giác nhạy bén giúp chị nhận ra ngay tôi chính là cô bé phóng viên đang tìm hẹn mình. Quả thực, chỉ qua vài câu chào hỏi và cái bắt tay đã khiến tôi rất hào hứng với cuộc trò chuyện này.

PV: Được biết hiện nay chị đang điều hành rất nhiều mảng kinh doanh của MJU GROUP - các mảng đều đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn. Vậy quan điểm của chị về sự sáng tạo như thế nào?

( Chị Hương Ly là Founder và trực tiếp điều hành một công ty kinh tế đa ngành sở hữu nhiều nhãn hàng như: Nhãn váy cưới thiết kế Fairytale Bridal, Studio chụp hình cưới nghệ thuật nổi tiếng MJU Studio, Nhãn tranh nội thất trang trí EMOJI, Nhãn thời trang thiết kế MJUnBaby, Creative agency MJU Media).

Chị Đỗ Hương Ly – Giám đốc MJU Group: Chắc chắn không chỉ có tôi mà nhiều người sẽ đồng quan điểm rằng sáng tạo là không có giới hạn, không biên giới, chính sự sáng tạo giúp cho vạn vật trong cuộc sống này trở nên đặc sắc hơn. Người có tư duy sáng tạo là người nhìn nhận mọi việc với đôi mắt hoàn toàn khác với những người bình thường. Người làm sáng tạo luôn muốn tạo ra những điều mới mẻ, riêng biệt, không đại trà. Hôm trước tôi có tham dự workshop về sáng tạo của anh Hoàng Quân - người được mệnh danh là “nhạc trưởng nội dung” và tôi rất thích cũng như rất đồng tình với quan điểm về sự sáng tạo của anh ấy về đôi mắt của người sáng tạo. “Đôi mắt" ấy giúp họ nhìn thấy nhiều màu sắc của một vấn đề hơn, cho họ cảm nhận đa chiều hơn mang đến cho ho những cảm thụ mới lạ về cuộc sống.

PV: Có người cho rằng, sáng tạo có nghĩa là phải tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới, tạo ra những thứ chưa có ai làm ra, sáng tạo với họ mang nghĩa vô cùng lớn lao, hoành tráng. Chị nghĩ sao về quan điểm này?

Chị Đỗ Hương Ly: Thật ra hồi mới vào nghề tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng sau một thời gian dài trải nghiệm và đúc rút trong công việc kinh đoanh của mình, tôi thấy rằng sáng tạo thật ra rất giản dị. Những người làm sáng tạo, mọi thứ từ tiếng chim hót, giọt nước rơi, một em bé, một cụ già,... thậm chí mặt trời mọc hay lặn cũng đều có thể là nguồn cảm hứng bất tận. Tôi chỉ lấy một ví dụ rất nhỏ, đầu năm nay toàn bộ các sàn diễn thời trang đều bị phủ sóng bởi chất liệu Plastic trong bộ sưu tập xuân hè. Chất liệu nhựa đã không chỉ dừng lại ở ống hút, hộp đựng thực phẩm mà qua con mắt tài ba của các nhà thiết kế lại trở thành chiếc đầm dài điệu đà, áo khoác hoa bay bổng. Cũng giống như khi nhìn lên bầu trời, có người chỉ thấy một màn đêm, có người lại thấy một màu xanh thẫm huyền bí lấp lánh những vì sao xa, và đó chính là khởi nguồn của sáng tạo.

PV: Vậy theo chị sáng tạo là tài năng thiên phú hay là kỹ năng có thể rèn luyện được?

Chị Đỗ Hương Ly: Tôi cho rằng sáng tạo bao hàm cả 2 ý mà bạn nêu. Kể cả nó là tài năng thiên bẩm nhưng nếu bạn không rèn hàng ngày cũng sẽ bị thui chột. Còn vế sau, tôi chắc chắc với bạn, sáng tạo là một hoạt động hoàn toàn có thể rèn luyện được. Sáng tạo hiện đã trở thành xu hướng và tư duy sáng tạo là điều mà mỗi người đều cần phải học và phải rèn luyện và đó cũng là điều có thể rèn luyện được. Mấu chốt nằm ở sự quan sát và cảm nhận, đó chính là bản chất của cuộc sống . Bây giờ nếu tôi hỏi bạn, khi nhìn những người được cho là có sáng tạo xung quanh mình, bạn thấy họ có điểm gì chung không?. Có lẽ bạn sẽ trả lời ngay là thấy họ “điên điên” nhưng chắc chắn bạn phải đồng tình với tôi rằng cuộc sống của họ rất thú vị vì cái “điên” ấy. Đúng thế, chính cuộc sống thú vị là suối nguồn nuôi dưỡng tài năng sáng tạo của họ. Đôi khi có rất nhiều người thành công trong công việc hay sự nghiệp nhưng chưa chắc họ đã có một cuộc sống thú vị hay hạnh phúc đâu. Những người có cuộc sống thú vị là người biết tận hưởng cuộc sống, tức là họ biết quan sát, đánh giá và cảm nhận, họ có hiểu biết và có nhận định riêng về những vấn đề từ đó hình thành một đầu óc liên tưởng tốt. Từ một hình ảnh, một câu chuyện họ có thể liên tưởng tới nhiều thứ tương đầu nhưng mang một cảm nhận mới. Tôi rất thích câu nói “Sở dĩ thế giới của chúng ta phong phú như vậy vì Thượng Đế đã sử dụng hơi quá liều sự sáng tạo của mình". Điều đó có nghĩa là sáng tạo chính là khởi nguồn của những điều mới mẻ trong cuộc sống, tư duy sáng tạo được hình thành từ việc ta biết cách tận hưởng cuộc sống.

PV: Nói như vậy nghĩa là chị cũng đang rất tận hưởng cuộc sống của mình?

Chị Đỗ Hương Ly: Cuối tuần vừa rồi, một người bạn của tôi cũng trong ngành sáng tạo, hỏi tôi một câu gần như bạn. Khi thấy tôi có quá nhiều việc phải làm, quá nhiều thứ cần giải quyết, cậu ấy hỏi tôi rằng liệu tôi còn thời gian để tận hưởng cuộc sống không? Tôi có hỏi lại cậu ấy “bản thân cậu đang tận hưởng như thế nào?”

Cậu ấy nói, ví dụ cậu có thể thăng hoa với một bản nhạc, hoà mình vào từng nốt giai điệu, đồng cảm với câu chuyện trong nó ngay từ lần nghe đầu tiên chứ không phải nghe tới rất nhiều lần. Hay khi cậu nhìn một bức hoạ, cậu có thể ngay lập tức cảm thụ được vẻ đẹp của bức tranh, hiểu được lớp nghĩa ẩn sâu dưới bảy tầng màu sắc. Với cậu ấy, đó chính là tận hưởng cuộc sống, tìm niềm vui từ những điều đơn giản trong cuộc sống thường ngày. Và cậu ấy nói rằng kể từ khi biết tận hưởng, cậu ấy đã thấy hạnh phúc hơn rất nhiều, dù cuộc sống thì vẫn xoay nhịp xoay của nó chứ chẳng theo ý ai.

Tôi hoàn toàn đồng tình với cậu bạn tôi. Tận hưởng cuộc sống với tôi rất đơn giản như chính sự sáng tạo vậy. Đơn giản từ việc mỗi ngày mặc gì ra đường, bộ outfit ngày hôm nay tôi mặc phải khác với ngày hôm qua, kiểu tóc hôm nay tôi làm cũng phải khác với kiểu tóc ngày hôm trước và quan trọng là tất cả đều phải thể hiện được chất riêng mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó là tìm được sự đồng điệu của tâm hồn mình, tìm được niềm vui trong những sự vật, sự việc, những câu chuyện đời thường. Đó là cách tôi lấy niềm vui từ cuộc sống và là cách để tôi nuôi dưỡng sự sáng tạo cho mình.

PV: Có khi nào chị đã bị “bí” cảm hứng sáng tạo chưa?

Chị Đỗ Hương Ly: Như có nói ở trên, tôi cho rằng cũng như mọi việc khác, sáng tạo cũng có công thức, quan trọng bạn đã nắm được công thức ấy hay chưa. Người làm sáng tạo cần có 2 yếu tố, một là khả năng quan sát và cảm thụ hàng ngày và hai là kỹ năng phân tích, liên tưởng. Khi bạn cần sáng tạo về một điều gì đó, đầu tiên bạn cần hình thành tư duy phân tích đã. Bạn phải hiểu về điều đó rất sâu, sau đó là nắm được mục tiêu cần đạt được của công việc đó, kèm theo khả năng liên tưởng thì bạn sẽ luôn luôn dồi dào ý tưởng.

PV: Và cuối cùng, một lời khuyên dành cho những người muốn sáng tạo nhưng đang bị “bí” ý tưởng, thưa chị?

Chị Đỗ Hương Ly: Tôi rất thích một câu của Van Gogh “Đừng dập tắt nguồn cảm hứng và trí tưởng tượng, đừng trở thành nô lệ cho hình mẫu của mình". Một cuộc sống không có sáng tạo là một cuộc sống vô nghĩa, đừng để bản thân chìm trong những điều cũ kĩ, chúng ta trân trọng quá khứ nhưng hãy luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong tương lai. Quan trọng nhất chính là đừng bao giờ bó buộc tư duy của mình vào trong một cái lồng kín, hãy để cho tâm trí của mình hoạt động liên tục, học cách “tò mò” về một vấn đề, “nghi vấn” về những sự vật sự việc trong cuộc sống bằng những câu hỏi như “Điều gì sẽ xảy ra nếu ….?”, “Tại sao lại không được như thế?” , “Liệu có một hướng đi nào khác hay không?. Và mấu chốt của người làm sáng tạo chính là hãy luôn tự tin vào sự sáng tạo của mình ngay cả khi người khác không nghĩ thế. Đó chính là động lực để đưa những tư duy sáng tạo trở thành hiện thực.

PV: Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này, chúc chị và MJU GROUP ngày càng sáng tạo và phát triển hơn nữa.