Tổ chức sư kiện ra mắt sản phẩm và công nghệ làm Slide ‘siêu ngang’, hơn cả Apple Keynote

Lễ công bố ra mắt Sapo X đã diễn ra ngày 17/4/2018 tại rạp hát Star Galaxy nhưng dư âm và hình ảnh về sự kiện hẳn vẫn còn được nhiều người nhớ đến. “Giống Apple Keynote” hay “diễn giả trông như Steve Job hay Tim Cook” là những ví von khiến team tổ chức tụi mình sướng âm ỉ.

Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của sự kiện Sapo X, nhưng ở bài viết này, mình chia sẻ một chi tiết mà mọi người có thể cảm nhận được có sự ‘khang khác’ mà có lẽ không biết chính xác mức độ khác là như thế nào?

Điều gì xảy ra nếu không gian rạp hát Star Galaxy rực rỡ như vậy mà bạn lại làm Slide thuyết trình tỷ lệ 4:3 như thế này?

Màn hình slide tỷ lệ 4: 3

Trông thường quá nhỉ? Chắc hẳn bạn sẽ tụt hết cả cảm xúc.

Khá hơn một chút thì bạn sẽ thiết kế Slide full HD với tỷ lệ 16:9, mình đã đo đạc và kiểm chứng rồi, ngay cả các buổi trình diễn của Apple Keynote cũng chỉ xài được tới Slide full HD 16:9 mà thôi. Trông cũng khá khẩm hơn slide truyền thống 4:3 rất nhiều rồi.

Đến Apple Keynote cũng trình bày trên slide HD tỷ lệ 16:9

Cũng là sân khấu ấy với tỷ lệ Slide full HD 16:9

Dù sao cũng hơi tiếc 1 chút nếu chỉ xài Slide full HD vì còn trống màu đen 2 phía bên cạnh, quả là phí phạm cho không gian này.

Chắc mình cần phải có 1 slide ngang hơn nữa, ‘siêu ngang’. Thế là giải pháp của bọn mình ra đời.

Slide siêu ngang của Sapo X, dài hơn ~40% so với slide HD

Góc nhìn thực tế khi lên sóng với Slide ‘siêu ngang’

Chúng mình có cả một câu chuyện hậu kỳ cho công nghệ Slide ‘siêu ngang’ hơn cả Apple Keynote này nhé. Để làm được Slide này, quy trình như sau:

Bước 1: Chọn 1 màn hình led, hoặc panel với kích thước ‘ngang’ như mong muốn

Trong trường hợp này, Sapo X chọn sân khấu với phông panel của rạp hát Star Galaxy, có tỷ lệ ngang: dọc là 16: 6.5; Sau đó thiết kế các file ảnh Slide, hoặc các Video ngang theo đúng tỷ lệ của màn hình đã lựa chọn.

Bước 2: Đẩy các file ảnh, video lên phần mềm watchout

Thực tế, với tỷ lệ Slide siêu ngang như thế này, máy chiếu thông thường không đáp ứng được. Để trình chiếu được, Star Glaxy sử dụng phần mềm Watchout (phần mềm chuyên dụng để ghép hình ảnh vào cùng 1 slide) và sử dụng đồng thời 2 máy chiếu Panasonic 16K cùng rọi vào một hình ảnh. Bên mình phải gửi trước file ảnh+video chuyển qua phía kỹ thuật của Star Galaxy để đưa lên phần mềm watchout.

Đồng thời bên mình cũng ghép các file ảnh, video của mình vào 1 Slide powerpoint.

Bước 3: Trình chiếu Slide

Về bản chất, phần mềm watchout chỉ chiếu được hình ảnh và video. Vì vậy để giống như đang trình chiếu slide powerpoint thì bên mình sử dụng 2 hệ thống độc lập. Diễn giả sử dụng bút chiếu và điều khiển 1 màn hình laptop đặt tại khu kỹ thuật. Khi nhận được sự thay đổi của các hình ảnh slide điều chỉnh trên màn hình laptop, người phụ trách kỹ thuật sẽ tự điều chỉnh hình ảnh, video tương ứng trên phần mềm watchout. Nên thực tế việc trình chiếu này sẽ có độ trễ 1-2 giây...nhưng khán giả sẽ không để ý chi tiết này đâu (tin chúng mình đi).

Câu chuyện của bên mình đã khép lại như thế đó. Một bí mật động trời sau đó 3 ngày mà chính 2 diễn giả đẹp trai của Sapo X là anh CEO Trần Trọng Tuyến & anh CTO Nguyễn Minh Khôi mới được tiết lộ là trước khi lên sân khấu ít giây, team mình, những người ngồi trong khoang kỹ thuật điều khiển slide trình chiếu phát hiện ra bút chiếu không hề hoạt động. Thực tế là cả team đã hoàn toàn nín thở dõi theo từng hành động và ánh mắt của 2 anh ấy trong lúc thuyết trình và điều chỉnh trực tiếp trên phần mềm watchout. Hú hồn.