Kinh tế khởi sắc, Sài Gòn trở thành điểm đến của những sản phẩm cao cấp

Điện thoại Vertu phiên bản giới hạn dòng Bespoke, máy tính HP Spectre mỏng nhất thế giới, kính Rayban, xe Volvo "giấc mơ Thụy Điển", thời trang Zara … là những thương hiệu sang chảnh xuất hiện tại Sài Gòn trong thời gian gần đây, đánh dấu sự khởi sắc của nền kinh tế thành phố trong nửa đầu năm 2016.

Cụ thể, báo cáo của UBND TPHCM cho thấy tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt gần 477.000 tỉ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chỉ số khác cũng cho thấy kinh tế thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm nay, như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đạt gần 348.000 tỉ đồng (tăng 11,3%); kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 tỉ USD (tăng 11,3%); và nhập khẩu trong 6 tháng là 17,3 tỉ USD (tăng 7,9%).

Cùng với đó, thị trường bất động sản “ấm” lên cũng là động lực kích thích các thương hiệu hàng hóa “sang chảnh” quay lại Sài Gòn sau thời gian trầm lắng vì kinh tế khó khăn.

Câu nói "Việt Nam là thị trường hàng hiệu tiềm năng của thế giới” của ông Philippe Léopold-Metzger - Chủ tịch tập đoàn Piaget đã phản ánh đúng với thực tế đang diễn ra ở Việt Nam.

Khách hàng chọn mắt kính tại Ray-Ban store.

Gần đây nhất, ngày 9/7, Công ty An Khang Phát – nhà phân phối độc quyền thương hiệu kính mắt nổi tiếng Ray-Ban đã khai trương Ray-Ban store thứ 2 tại Sài Gòn sau cửa hàng đầu tiên khai trương tháng 3/2016 tại Hà Nội. Mức giá trung bình của một cặp kính thương hiệu này là từ 4 – 6 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi khai trương, ông Nguyễn Đức Quân – đại diện đại lý cho biết: “Ray-Ban là thương hiệu kính mắt nổi tiếng và bán chạy nhất thế giới. Vì vậy mà trên thị trường khu vực nói chung và tại thị trường Việt Nam nói riêng xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái theo kiểu dáng của hãng. Chúng tôi mong muốn phát triển một hệ thống showroom Ray-Ban chính hãng tại Việt Nam nhằm mang tới cho khách hàng một sự tin tưởng tuyệt đối khi mua sắm, sử dụng cũng như chính sách bảo hành, hậu mãi chính hãng”.

Trước đó, hồi cuối tháng 6/2016, Vertu – hãng điện thoại di động siêu sang của Anh cũng vừa giới thiệu ba phiên bản giới hạn dòng Bespoke cho thị trường Việt Nam, dựa trên mẫu điện thoại Signature S đặc trưng. Đắt nhất trong bộ ba là phiên bản Red Gold Clous De Paris với giá khởi điểm từ 990 triệu đồng.

Ông Gordon Watson - Giám đốc điều hành Vertu cho biết: "Châu Á là một khu vực hết sức quan trọng đối với Vertu và chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi có được một lượng khách hàng cực kỳ trung thành ở các nước châu Á đặc biệt là ở Việt Nam”.

Về sản phẩm máy tính, hãng HP vừa giới thiệu sản phẩm HP Spectre mới, mẫu laptop mỏng nhất thế giới (độ dày 10,4 mm) nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng với dòng máy tính cao cấp. Mức giá cho sản phẩm này là 43 triệu đồng, cao nhất trong các dòng laptop hiện nay. Trước đó, hãng này cũng ra mắt 3 dòng laptop cao cấp HP EliteBook và HP Elite cho doanh nghiệp với mức giá từ 24 – 40 triệu đồng.

Ông Kyler Tan - Tổng Giám đốc HP Việt Nam cho biết khách hàng mục tiêu của hãng là thế hệ millennial (Thế hệ thiên niên kỷ) – thành phần chủ chốt trong lao động toàn cầu hiện nay với nhu cầu công nghệ đáp ứng được cả những yêu cầu về công việc lẫn cá nhân của họ.

Điện thoại Vertu dành riêng cho thị trường Việt Nam.

Dự kiến trong quý III/2016, hãng xe Volvo của Thụy Điển cùng với nhà phân phối Công ty Cổ phần ô tô Bắc Âu sẽ khai trương 2 showroom tại Hà Nội và Sài Gòn đánh dấu sự có mặt của chiếc xe với biệt danh “giấc mơ Thụy Điển” tại Việt Nam.

Theo bà Camilla Mellander – đại diện Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam thì Xe Volvo là một phần quan trọng của cảnh quan đô thị. Xe Volvo thậm chí còn có một vị trí trong khát vọng về một 'giấc mơ Thụy Điển "đó là " một biệt thự, một chiếc xe Volvo và một chú cún cưng”. Mức giá cho mẫu Volvo XC90 tại Việt Nam là khoảng 3 tỉ đồng và “thiếu gia” chơi siêu xe Phan Thành là một trong hai khách hàng đầu tiên đặt mua chính hãng.

Đối với mặt hàng thời trang, sau nhiều đồn đoán, thương hiệu thời trang Zara từ Tây Ban Nha của tỷ phú Amancio Ortega (người giàu thứ 2 trên thế giới) đã có mặt ở Việt Nam với cửa hàng tại Trung tâm thương mại Vincom Center quận 1 đang được thiết kế.

Thống kê của Euromonitor Intenational, đến năm 2017, thị trường hàng hiệu Việt Nam nói chung có thể đạt mức 2,7 tỷ USD. Theo Euromonitor International, các thương hiệu Louis Vuitton, Dior, Burberry, Ermenegildo Zegna, Bulgari, Hermes... đều đã có mặt tại Việt Nam.

Trong 1 khảo sát trực tuyến của Niesel, 56% người Việt sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu hàng hiệu. Việt Nam cũng được xếp hạng là nước tiêu thụ vàng đứng thứ 7 thế giới, đặc biệt là các loại trang sức, kim cương, đá quý.

Duy Khánh
Nguồn Trí thức trẻ