Kinh Đô hậu chia tay bánh kẹo: Lợi nhuận trông chờ cả vào kem

Tổng Giám đốc Kido cho biết, trong 6 tháng đầu năm, riêng ngành kem mang lại 116 tỷ đồng lợi nhuận cho KDC, tức trung bình bán kem đem về hơn 17 tỷ đồng lợi nhuận mỗi tháng, cuối năm có thể mang lại 200 tỷ lợi nhuận.

Giữa tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên và chính thức xác nhận sẽ bán nốt 20% còn lại của mảng bánh kẹo, sau khi đã bán 80% vào cuối năm 2014 cho Tập đoàn Mondelez.

Như vậy, Kido sẽ chính thức chia tay hoàn toàn với bánh kẹo và tập trung cho 3 mảng còn lại, là mì gói, dầu ăn và kem. Trong đó, kem được coi là con gà đẻ trứng vàng cho Kido khi tốc độ tăng trưởng đạt trên 30% năm ngoái.

Kido đã gia nhập thị trường kem từ năm 2003 sau khi mua lại kem Wall's từ hãng Unilever, rồi sau đó phất triển 2 thương hiệu kem cho riêng mình gồm Merino và Celano. Nhiều nhận định cho rằng, đây là thị trường đầy tiềm năng và rất hấp dẫn.

Unilever khi thực hiện khảo sát về thị trường kem từng đưa ra kết luận, mức tiêu thụ kem của Thổ Nhĩ Kỳ là cao nhất tại khu vực Châu Á, đạt 3 lít kem/người/năm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kem tiêu thụ ở Mỹ là 20 lít kem/người/năm. Trong khi đó, tiêu thụ kem tại Việt Nam hiện còn thấp hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trường lân cận như Indonesia, Thái lan và Philippines.

Cùng chung quan điểm với Unilever, Nestlé Việt Nam cho rằng, so với Thái Lan, một nước có khí hậu, con người và văn hóa khá tương đồng với Việt Nam thì lượng sử dụng kem trên đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều (Thái Lan là 12 cây kem/người trong khi Việt Nam là 5 cây/người). Vì vậy, Nestlé cho rằng thị trường kem ở Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Theo Nestlé, thị trường kem Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm.

Trong ngành kem, Kido đang giữ vị trí số 1. Một báo cáo của BMI hồi cuối năm ngoái cho biết, mảng kem của Kido đang giữ vị trí dẫn đầu thị trường, theo sau là Vinamilk và Kem Thủy Tạ, thị phần 3 hãng tương ứng là 9,84% - 6,1% - 4,31%. Điểm đặc biệt theo báo cáo của BMI, là 10 doanh nghiệp dẫn đầu mới chỉ chiếm chưa tới 30% thị phần kem trên thị trường, hơn 70% còn lại vẫn đang chờ đợi các doanh nghiệp nhanh chân nhất.

Đời sống người dân ngày một nâng cao, trong khi thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt khiến nhu cầu tiêu thụ kem của người Việt sẽ còn tăng cao trong tương lai. Điều này khiến các thương hiệu ngoại muốn thâm nhập vào thị trường. Gần đây, một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Buds, BaskinRobbins, Snowee, Swensens, Hagen-Dazs, Fanny, Dairy Queen... đã tiến vào thị trường Việt Nam.

Về phía Kido, đơn vị dẫn đầu thị trường này hiện đang sở hữu 3 thương hiệu ngành lạnh, trong đó 2 thương hiệu kem Merino và Celano tăng trưởng trung bình 16%/năm, còn sữa chua đá Wel Yo tăng trưởng 80%/năm. Ngành lạnh được ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị tuyên bố, Kido sẽ tiếp tục làm vua ngành hàng lạnh và ngành thực phẩm, nhất là khi đã chuyển đổi hẳn sang lĩnh vực thiết yếu.

Trong ngành lạnh, Vinamilk có thế mạnh ở các siêu thị. Kido có lợi thế với các sản phẩm kem que, kem hộp, kem ốc quế, kem viên… ở tất cả các phân khúc phổ thông, trung cấp, cao cấp với hơn 30.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Thủy Tạ, Tràng Tiền lại ở phân khúc bình dân. Các thương hiệu kem nước ngoài như Buds, Fanny hay Baskin Robbins thì lại tập trung ở các dòng phân khúc trung và cao cấp.

Hiện thực hóa tham vọng tiếp tục làm "vua", Kido cuối tháng 8 tới sẽ khánh thành nhà máy kem ở Bắc Ninh với vốn đầu tư 400 tỷ đồng, nâng công suất từ 30 triệu lít/năm lên 50 triệu lít/năm. Nhà máy này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển từ Nam ra Bắc cho Kido. "Ngành lạnh đầu tư không dễ dàng. Đi cùng sản phẩm cần hệ thống xe lạnh, kho lạnh, bảo quản khắc nghiệt. Nhưng kinh tế càng phát triển thì ngành lạnh càng phát triển", lãnh đạo Kido nói. Còn tại TPHCM, Kido cũng sẽ xây dựng thêm nhà máy ở Củ Chi.

Mô hình kinh doanh của Kido.

Tại đại hội, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kido cho biết, trong 6 tháng đầu năm, riêng ngành kem mang lại 116 tỷ đồng lợi nhuận cho KDC, tức trung bình bán kem đem về hơn 17 tỷ đồng lợi nhuận mỗi tháng, cuối năm có thể mang lại 200 tỷ lợi nhuận.

Theo số liệu của Euromonitor, thị trường thực phẩm lạnh có giá trị khoảng 15.940 tỷ đồng, trong đó thị trường ngành kem là 2.400 tỷ đồng, sữa chua 9.300 tỷ đồng, các thực phẩm mát & lạnh khác 4.240 tỷ đồng.

Bên cạnh ngành kem, mì gói và dầu ăn cũng sẽ được Kido phát triển mạnh. Mì gói đang là thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhưng thống kê của Nielsen cho thấy các điểm bán mì gói trên cả nước còn nhiều hơn so với điểm bán bánh kẹo và nếu cạnh tranh tốt, các điểm bán mì gói của Kido sẽ là bệ phóng để phân phối thêm các sản phẩm khác trong ngành thực phẩm và gia vị, có giá trị lên tới 193.500 tỷ đồng.

Về dầu ăn, lãnh đạo Kido cho biết trong thời gian tới sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex lên 51%. Vocarimex là đơn vị sở hữu hàng loạt thương hiệu dầu ăn lớn nhất trên thị trường hiện nay, như 51% Tường An, 24% Cái Lân, 49% Nhà Bè và 18% Tân Bình.

Ông Trần Lệ Nguyên tự tin khẳng định, Kido sẽ đưa doanh nghiệp trở lại thời kỳ doanh số 6.000 tỷ đồng trong thời gian tới.

Minh Quân
Nguồn Trí thức trẻ