VNG sẽ mở chuỗi bán lẻ điện thoại di động?

Đại hội cổ đông VNG (30/6) vừa thông qua việc mở rộng ngành nghề sang sản xuất và bán lẻ máy tính, thiết bị truyền thông – viễn thông.

Đại hội cổ đông Công ty cổ phần VNG, diễn ra chiều ngày 30/6, vừa thông qua việc bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh cho công ty này. Theo đó, các ngành nghề mới mà VNG đăng ký bao gồm: Sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; sản xuất thiết bị truyền thông; sản xuất đồ điện dân dụng. Thêm vào đó, VNG cũng sẽ bổ sung ngành: Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh; bán lẻ thiết bị nghe nhìn trong các cửa hàng chuyên doanh; bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất tương tự… trong các cửa hàng chuyên doanh.

Theo tờ trình, việc bổ sung này là do sự phát triển của Phòng IoT của VNG trong lĩnh vực ngành nghề mới.

Đại diện Ban tổng giám đốc công ty, bà Nguyễn Thị Phương Thuỳ, Giám đốc Pháp lý của công ty VNG cho biết các ngành nghề đăng ký trên sẽ sớm được thực hiện trong tương lai gần.

Nếu nhìn vào các ngành nghề đăng ký mới của công ty phát hành game số một Việt Nam, vốn lâu nay được biết đến chủ yếu với thế mạnh phát triển phần mềm, thì có thể thấy công ty bắt đầu nhìn sang lĩnh vực sản xuất và bán lẻ. Nếu đúng với ngành nghề đăng ký, công ty đang sở hữu Zalo, Zing MP3, cổng thông tin Zing News,… hoàn toàn có chức năng sản xuất điện thoại, máy tính, và mở chuỗi cửa hàng bán lẻ thiết bị cộng nghệ.

Những ngành kinh doanh mới của VNG được thông qua. Ảnh: H.Đ.

Trả lời thắc mắc của một cổ đông về ngành nghề mới có vẻ trái với thế mạnh của VNG, bà Thuỳ cho biết việc đăng ký kinh doanh lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử là để sản xuất thiết bị phục vụ cho các sản phẩm của công ty là chính. Hiện nay VNG đang có bộ phận làm phần mềm quản lý phòng máy CSM (dùng cho các đại lý kinh doanh internet, game), việc sản xuất phần cứng của VNG chủ yếu để cung cấp phần cứng chạy CSM.

Song song đó, ngành bán lẻ được VNG đăng ký để phù hợp với phần nhiều ngành nghề kinh doanh của trang thương mại điện tử Tiki – đã được VNG mua lại 38% cổ phần.

Như vậy có thể hiểu các ngành nghề kinh doanh mới của VNG chủ yếu để phục vụ nhu cầu nội bộ và phù hợp với việc mua cổ phần Tiki mới đây. Tuy nhiên, một nguồn tin VNG cho biết, bộ phận phát triển phần cứng của công ty này vẫn có thể tự do sáng tạo, và khi ra được sản phẩm phần cứng có tiềm năng vẫn có thể được công ty rót tiền phát triển.

Ngoài ra, trong bối cảnh ngành game máy tính – một ngành kinh doanh chủ lực của VNG – đang gặp khó khăn, thì tất cả các phương án kinh doanh mở rộng chắc chắn sẽ được ban lãnh đạo công ty này cân nhắc. VNG có thể không tham gia trực tiếp nhưng hoàn toàn có thể rót vốn vào các công ty liên kết, như cách công ty này đầu tư số tiền rất lớn vào Tiki.vn.

Hải Đăng
Nguồn ICT News