Công bố 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam

Lần đầu Forbes Việt Nam công bố danh sách 40 thương hiệu công ty có giá nhất tại Việt Nam, với tổng giá trị thương hiệu xấp xỉ 5 tỷ USD.

Theo Forbes Việt Nam, danh sách 40 thương hiệu nhất được lựa chọn từ hơn 300 thương hiệu và loại bỏ những thương hiệu nước ngoài dù được sản xuất trong nước.

Nhóm ngành hàng tiêu dùng chiếm vị trí áp đảo trong danh sách, với tỷ lệ 70%. Xếp thứ nhì và thứ ba lần lượt là nhóm ngân hàng và tài chính, với tỷ lệ tương ứng là 20% và 10%. Nhóm dược phẩm và hàng không chiếm 5%. Nhóm công nghệ và viễn thông có 3 đại diện.

Vinamilk dẫn đầu trong danh sách này với giá trị tương đương 1,52 tỷ USD, Viettel xếp thứ 2 với giá trị 752 triệu USD, do Tập đoàn này đang nắm giữ 52% thị phần viễn thông của Việt Nam. Các vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt thuộc về Vingroup giá trị 279 triệu USD, Sabeco 247 triệu USD, FPT 171 triệu USD, Vietinbank 147 triệu USD, Vietcombank 135 triệu USD, Masan Group 126 triệu USD, BIDV 125 triệu USD, Việt Nam Arilines 78 triệu USD.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ngoài những thương hiệu trong top 10 kể trên còn có MBBank (61,7 triệu USD), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ - 53 triệu USD), Techcombank (39,7 triệu USD), Sacombank (47,6 triệu USD), VPBank (37,7 triệu USD), ACB (25,3 triệu USD).

Lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán lần lượt có 2 đại diện, là Bảo Việt (72,8 triệu USD), PVI (66,4 triệu USD) và SSI (17,3 triệu USD), HSC (15,7 triệu USD).

Một số doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh trong thời gian gần đây cũng lọt top 40 thương hiệu này, như Thế giới Di động được đánh giá 77 triệu USD, Ôtô Trường Hải (Thaco) 65,4 triệu USD, Vietjet Air có giá trị 63,4 triệu USD, VNG có giá trị 35,5 triệu USD.

Ngoài những thương hiệu của các doanh nghiệp lớn vốn đã quen thuộc do niêm yết trên sàn chứng khoán, danh sách này còn xuất hiện một số thương hiệu như gốm sứ Minh Long giá trị 39,5 triệu USD, Biti’s có giá trị 17,4 triệu USD, văn phòng phẩm Thiên Long giá trị 13,5 triệu USD.

Đáng chú ý là các thương hiệu có giá trị của Việt Nam chủ yếu được hình thành sau năm 1986, tức là sau khi nền kinh tế chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường. Hầu hết các thương hiệu công ty được xây dựng trong vòng 20 năm qua cũng cho thấy quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nước ta trong xu thế hội nhập.

Phương pháp đánh giá được Forbes Việt Nam sử dụng để xếp hạng danh sách này là nhìn vào những số liệu tài chính. Cụ thể là tính toán đóng góp của thương hiệu vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy đòi hỏi phải có các số liệu tài chính minh bạch, do vậy, một số công ty dù có thương hiệu đáng chú ý như Kymdan, Eurowwindow, Novaland, Tân Hiệp Phát…. lại không có đủ cơ sở để tính toán giá trị.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa, số liệu tài chính không công bố đầy đủ cũng khó có thể xác định.

Một số doanh nghiệp có thương hiệu xây dựng hơn 20 năm, có giá trị tốt nhưng cũng không được đưa vào danh sách này, do đã chuyển nhượng hơn 50% vốn cổ phần như Kinh Đô, Vinacafe Biên Hòa, nước khoảng Vĩnh Hảo, ….

Phương Diệp
Nguồn Zing News