Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh!

Câu nói xưa xem ra còn nguyên giá trị, thể hiện qua những bài học từ 10 doanh nghiệp có 5 năm liền trụ vững trong danh sách Top 50 của Nhịp Cầu Đầu Tư.

2016 là một năm đặc biệt cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi bộ máy lãnh đạo mới thành lập đã đặt mục tiêu tham vọng tăng trưởng cho giai đoạn năm 2016-2020 lên đến 7%. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, nền tảng bền vững và có chiến lược đúng đắn, nhưng sẽ là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp non kém, thiếu kinh nghiệm trong bối cảnh môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Để giành thắng lợi trong bối cảnh nhiều áp lực cạnh tranh này, doanh nghiệp cần làm gì? Câu trả lời có lẽ là học hỏi mô hình và kinh nghiệm của những người dẫn đầu thị trường. Bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50) vì thế là một đóng góp của Tạp chí NCĐT nhằm đúc kết kinh nghiệm cũng như đặt ra tầm nhìn cho giới doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2016 cũng đánh dấu cột mốc 5 năm kể từ khi bảng xếp hạng này ra đời. Đây không phải là thời gian quá dài khi so sánh với vòng đời của doanh nghiệp, nhưng đối với các công ty lọt vào Top 50 trong 5 năm liên tiếp, đó là một thành tựu rất lớn bởi họ phải kiên trì đáp ứng được những tiêu chí lựa chọn khắt khe. Giá trị vốn hóa của Top 50 đạt mức 527.000 tỉ đồng, chiếm 58% giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Những cái tên như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Traphaco, Dược Hậu Giang, Vinasun, Vingroup, FPT... không chỉ nổi bật với vị trí trong Top 50 mà còn là đại diện cho xu hướng tăng trưởng bền vững nhờ kiên trì và tập trung cho năng lực kinh doanh, sản xuất cốt lõi, tránh được “cái bẫy” tăng trưởng nóng bằng đa ngành...

Đại diện các doanh nghiệp được vinh danh trong bảng xếp hạng “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2015”.

Giá trị của sự cốt lõi

Những công ty bền vững được xem là những công ty giữ được tốc độ tăng trưởng doanh số và lợi nhuận cao hơn mức trong ngành hoạt động, dù cho điều kiện thị trường bất lợi. Trải qua 5 năm xếp hạng, số công ty góp mặt liên tiếp chỉ còn lại 10 so với 14 công ty trụ vững liên tiếp 4 năm ở bảng xếp hạng năm ngoái. Họ là ai và bí quyết thành công của họ là gì?

Đó chính là Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Container Việt Nam, Traphaco, Dược Hậu Giang, Vinasun, Vingroup, Cao su Đà Nẵng, FPT và Tập đoàn Hòa Phát. Một câu hỏi thú vị đặt ra là vì sao các doanh nghiệp này vẫn vững vàng, vượt qua nhiều ghềnh thác trong khi nhiều doanh nghiệp khác chùn chân? Tập trung vào năng lực cốt lõi chính là câu trả lời xác đáng nhất cho lời giải thành công của những doanh nghiệp trên.

Có thể vào một thời điểm nào đó, các doanh nghiệp này cũng có những bước đi táo bạo ra ngoài ngành, nhất là đầu tư vào bất động sản, ngân hàng hay kinh doanh các sản phẩm mà mình không có lợi thế cạnh tranh với những thương hiệu sẵn có. Nhưng các nhà lãnh đạo đã nhanh chóng nhận ra rủi ro nên thoái vốn, tập trung trở lại vào năng lực cốt lõi, tạo nên sức bậc tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường mà họ có thế mạnh.

Thương hiệu lớn của ngành sữa - Vinamilk, từ một doanh nghiệp nhà nước với doanh thu chỉ vài ngàn tỉ đồng trước khi cổ phần hóa, Công ty đã duy trì tốc độ tăng trưởng trưởng mạnh mẽ hơn 20% trong 5 năm qua để đạt quy mô xấp xỉ gần 2 tỉ USD doanh thu trong năm 2015 và đang hướng tới cột mốc 3 tỉ USD để trở thành 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới.

Với chiến lược kinh doanh lấy thị trường nội địa làm bàn đạp, M&A là công cụ bành trướng ra thế giới, Vinamilk vẫn cho thấy sức khỏe dẻo dai, bất chấp áp lực cạnh tranh từ nhiều đối thủ trong và ngoài nước, nhờ thị phần nội địa tới xấp xỉ 50%, năng lực tài chính mạnh cùng tài năng và sự quyết đoán của “nữ tướng” Mai Kiều Liên.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam.

Mặc dù thị trường địa ốc biến động mạnh kể từ năm 2008 đến nay nhưng cái tên Vingroup vẫn được nhiều người nhắc đến, nhờ cấu trúc sản phẩm đa dạng. Xoay quanh nền tảng cốt lõi là bất động sản, Vingroup tiếp tục khai khá nhiều mảng kinh doanh khác như y tế, giáo dục và gần đây nhất là kinh doanh bán lẻ, thương mại điện tử.

Trong hơn 1.000 doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam, Nhựa Bình Minh nổi lên là “vua nhựa” xây dựng miền Nam, cùng chia sẻ thị trường với Nhựa Tiền Phong ở miền Bắc. Thương hiệu tốt, tập trung duy nhất vào sản phẩm ống nhựa cùng tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo khi hợp tác với tập đoàn vật liệu xây dựng SCG của Thái Lan, Nhựa Bình Minh xem ra vẫn còn tiến xa, không chỉ tại thị trường trong nước mà còn thị trường ASEAN nhờ Cộng đồng Kinh tế chung (AEC) đã được thành lập.

“Sang năm (2017) Nhựa Bình Minh kỷ niệm 40 năm thành lập. Đó có thể là thời gian không dài lắm đối với các doanh nghiệp thế giới nhưng đối với chúng tôi đã là một niềm tự hào. Một trong những yếu tố giúp chúng tôi kinh doanh hiệu quả là sở hữu được đội ngũ nguồn nhân sự tâm huyết, gắn bó với Công ty. Đội ngũ quản lý của Công ty có tuổi đời bình quân khoảng 20 năm, dài nhất là 33 năm”, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh, cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh.

Trong khi đó, nền tảng công nghệ vững vàng, nơi thu hút các nhân tài công nghệ Việt Nam cùng năng lực quản trị tốt đã giúp FPT xuất hiện trong Top 50 trong 5 năm liên tiếp. Hiện Công ty vẫn tiếp tục gặt hái thành công mới, nhất là tại thị trường nước ngoài như Nhật và gần đây là châu Âu.

Khoảng thời gian 5-7 năm qua được xem là biến động nhất của nền kinh tế Việt Nam kể từ thời mở cửa nhưng cổ phiếu của hai công ty ngành dược là Dược Hậu Giang và Traphaco vẫn là điểm sáng trên sàn chứng khoán, trở thành cổ phiếu phòng thủ số 1 của nhà đầu tư mỗi khi “trái gió trở trời”. Nhìn chung, phong độ kinh doanh của hai doanh nghiệp này khá ổn định nhờ thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Cả hai đều được đánh giá cao bởi tài nhân trị của hai người phụ nữ: bà Phạm Thị Việt Nga (Tổng Giám đốc Dược Hậu Giang) và bà Vũ Thị Thuận (Chủ tịch Traphaco). Điểm mạnh của hai doanh nghiệp hàng đầu này còn nằm ở chỗ họ không ngừng sáng tạo các sản phẩm Đông y (Traphaco) và Tây y (Dược Hậu Giang) có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.

“Traphaco kinh doanh sản phẩm mang tính đặc thù, liên quan đến sức khỏe con người. Để phát triển bền vững, cái cốt lõi của chúng tôi là thực hiện phương châm xây dựng doanh nghiệp có đạo đức. Các ngành nghề khác nếu xuất phát từ yếu tố đạo đức cũng sẽ dẫn đến sự phát triển bền vững, bởi kết quả mà chúng ta hướng đến là một xã hội tốt đẹp hơn”, bà Vũ Thị Thuận nói.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Traphaco.

Thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ trong năm qua đã mang lại lợi ích lớn cho các công ty sản xuất thép, đặc biệt là người dẫn đầu phân khúc thép xây dựng - Hòa Phát với doanh thu hơn 1 tỉ USD mỗi năm. Điểm mạnh của Công ty nằm ở năng lực quản trị tốt, chiến lược làm thương hiệu hiệu quả. Hòa Phát còn là một trong số ít các doanh nghiệp thép nội địa phát triển theo ngành dọc: từ sản xuất phôi, tinh luyện thép đến hệ thống kinh doanh.

Bài học thất bại của hãng xe Phương Trang hay trước đó là Thuận Thảo khi lấn sân vào địa ốc dường như càng làm vinh danh chiến lược tập trung vào năng lực cốt lõi của Vinasun, hãng taxi dẫn đầu thị trường TP.HCM hiện nay. Bên cạnh mạng lưới hoạt động rộng lớn, năng lực quản trị hiệu quả, Vinasun còn được nhà đầu tư đánh giá cao nhờ thái độ cầu thị, chịu khó học hỏi công nghệ của các đối thủ hàng đầu thế giới như Grab hay Uber. Doanh thu của Vinasun năm 2015 lên đến hơn 4.200 tỉ đồng.

Mỗi khi nhắc đến cái tên Ôtô Trường Hải ở Chu Lai (Quảng Nam), giới đầu tư sẽ nghĩ ngay đến cái tên Cao su Đà Nẵng (DRC), nhà cung cấp lốp xe cho Trường Hải cũng như chiếm thị phần số 1 tại khu vực miền Trung. DRC chính là nhà sản xuất lốp radial hiện đại đầu tiên tại Việt Nam cũng như đi đầu trong các sản phẩm lốp xe đặc dụng. Thế mạnh của DRC còn nằm ở chỗ được điều phối và hỗ trợ về mọi mặt bởi cổ đông lớn nhất là tập đoàn hóa chất Vinchem. Vinchem cũng là cổ đông lớn nhất tại Cao su Miền Nam (Casumina), vốn đang dẫn dầu thị trường lốp xe phía Nam.

Ngành vận tải vẫn là thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước khi có thêm một tên tuổi nữa lọt vào Top 50 liên tiếp trong 5 năm qua. Đó là Công ty Container Việt Nam (VSC). Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh cảng biển và logistics đầu tiên tại Việt Nam, sau khi cổ phần hóa, VSC ngày càng hoạt động hiệu quả nhờ thương hiệu mạnh, sở hữu hệ thống cảng biển hiện đại và có quy mô hàng đầu Việt Nam như Cảng Xanh, Đình Vũ. Ngoài ra, VSC còn có lợi thế nhờ hoạt động chủ yếu tại địa bàn Hải Phòng, đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất tại miền Bắc.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, câu nói của người xưa dường như vẫn còn chứng tỏ được giá trị đối với người làm kinh doanh hiện nay. Mỗi năm Việt Nam có hàng chục ngàn doanh nghiệp thành lập mới cũng như số lượng ra đi cũng không phải là ít vì không chịu được áp lực cạnh tranh. Những mô hình kinh doanh thành công nhất như những 10 tên tuổi xuất sắc nói trên, xem ra mới có khả năng tồn tại lâu dài trong một môi trường biến động liên tục hiện nay.


Những sức bật vượt trội

Khác biệt một chút so với các năm trước, trong năm nay NCĐT có điều chỉnh về tiêu chí xếp hạng Top 50 để vừa phản ánh được năng lực nội tại, vừa phản ánh được quan điểm khách quan của thị trường về viễn cảnh tăng trưởng và uy tín của doanh nghiệp. Cụ thể, bên cạnh các chỉ tiêu về tăng trưởng doanh thu và hiệu quả sử dụng nguồn vốn (ROE) thì có một tiêu chí lần đầu tiên được thêm vào: tỉ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư khi quyết định nắm giữ cổ phiếu (Stock Return).

Bảng xếp hàng cuối cùng cho thấy các công ty hiện diện trong Top 50 đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh vượt trội, gặt hái được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 bình quân ở mức 21,5% và 16% (trong khi các con số tương ứng trung bình trên toàn thị trường chứng khoán lần lượt chỉ là 7% và 3%). ROE của các doanh nghiệp dẫn đầu này lên tới 20%, gấp 1,5 lần so với mức ROE bình quân của toàn thị trường.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong Top 50 mang lại tỉ suất lợi nhuận cho các nhà đầu tư trung bình lên đến 210% trong 3 năm gần nhất, trong khi trong cùng thời gian chỉ số Vn-Index chỉ mang lại 40%. Vậy những ngôi sao đó là ai? Chiếm ưu thế trong Top 50 năm nay là các doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản, xây lắp và vật liệu xây dựng với 14 đại diện. Còn nhớ trong Top 50 giai đoạn 2013-2014, số doanh nghiệp bất động sản chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thực tế, thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên từ quý II/2014 từ phân khúc nhà ở xã hội đến phân khúc cao cấp và bùng nổ vào quý III/2015. Chỉ tính trong năm 2015, theo CBRE Việt Nam, TP.HCM đã tiêu thụ được hơn 36.160 căn, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Thị trường Hà Nội cũng sôi động tương tự.

Sự phục hồi mạnh mẽ của địa ốc nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như gói cho vay 30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1.7.2015 cho phép người nước ngoài và Việt kiều được sở hữu nhà tại Việt Nam. Thị trường bùng nổ còn đến từ hoạt động đầu tư dự án mạnh tay của các công ty bất động sản lớn, cũng như việc họ thực hiện hàng loạt thương vụ M&A trên thị trường như Vingroup, Đất Xanh, BRG, Novaland. Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tìm đến thị trường bất động sản Việt Nam.

Ăn theo thị trường địa ốc, nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 của nhóm doanh nghiệp ngành này (đang niêm yết) tăng 16% và 49% với các đại diện Fecon, Xây Dựng 3-2, Hòa Phát, Hoa Sen, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Đá Núi Nhỏ, Vicostone. Nổi bật nhất là CotecCons, ngôi sao trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Năm 2015, CotecCons đã đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất kể từ khi thành lập với doanh thu lên tới 13.600 tỉ đồng, lớn nhất trong các doanh nghiệp xây lắp niêm yết và tăng 79% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế của Công ty lên đến 666 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm trước.

Cùng với Vinamilk, cổ phiếu CTD của CotecCons chính là điểm tựa vững chắc cho các nhà đầu tư cổ phiếu mỗi khi có biến động lớn. Chỉ trong 1 năm qua, giá cổ phiếu CTD đã tăng hơn 200%, đưa CotecCons nhảy vọt lên vị trí thứ 9 từ vị trí 38 trong bảng xếp hạng trước đó.

Mặt khác, kết quả xếp hạng của Top 50 năm nay cũng mang đến một số nỗi lo về các ngành nghề cơ bản như cao su thiên nhiên, mía đường, dầu khí và thủy sản - những ngành phụ thuộc vào nhu cầu và diễn biến giá hàng hóa của thế giới. Họ từng làm mưa làm gió trong bảng xếp hạng giai đoạn 2011-2012 nhờ giá cả hàng hóa đạt đỉnh. Sức hấp dẫn lớn đến nỗi khiến nhiều doanh nghiệp ngoài ngành khác cũng muốn tham gia như Hoàng Anh Gia Lai. Điều đáng tiếc là diễn biến sau đó lại không thuận lợi khi nhu cầu của thế giới bắt đầu chững lại và đi xuống, trong khi đồng USD tăng lên khiến thị trường hàng hóa không còn là lựa chọn của nhà đầu tư, gây ra gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp lỡ rót vốn vào thị trường này.

Đã là năm thứ 2 liên tiếp cổ phiếu các công ty sản xuất cao su thiên nhiên không hiện diện trong Top 50. Năm nay, các cổ phiếu mía đường cũng rời khỏi Top 50 do các công ty khác trong ngành hàng tiêu dùng có kết quả kinh doanh tốt hơn.

Ảnh hưởng mạnh mẽ từ giá dầu giảm, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm 34% sau khi tăng 18% năm 2014, dẫn đến chỉ còn 1 đại diện trong Top 50 là Công ty CNG Việt Nam (CNG từng giành ngôi quán quân trong năm 2013 và 2014).

Trong khi đó, ngành thủy sản năm nay có sự đổi ngôi khi thay thế cho Vĩnh Hoàn và Hùng Vương bị sụt giảm mạnh lợi nhuận là 2 gương mặt lần đầu hiện diện trong Top 50. Đó là Công ty Thực Phẩm Sao Ta (FMC) với thế mạnh chế biến tôm và Đầu tư Phát triển Đa Quốc Gia IDI (IDI) nổi bật là một những nhà sản xuất và chế biến cá tra lớn nhất Việt Nam. Nhưng việc hai doanh nghiệp đầu ngành rơi rụng cùng với một ngôi sao khác trước đó là Thủy sản Minh Phú mang đến những âu lo cho một trong những ngành có lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam.

Do vấn đề nợ xấu cùng các chính sách thắt chặt tiền tệ và tái cấu trúc của Nhà nước kể từ năm 2011, các ngân hàng hiện diện trong bảng xếp hạng Top 50 vẫn còn rất khiêm tốn, dù ngành này đã có một số cải thiện trong năm 2015 như thanh khoản hệ thống ổn định, lãi suất duy trì ổn định và ở mức hợp lý để hỗ trợ cho hoạt động doanh nghiệp. Trong Top 50 năm nay, chỉ duy nhất Vietcombank (VCB) lọt vào Top 50 nhờ tổng tài sản tăng 17%, tổng vốn cho vay và đầu tư tăng hơn 30%.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động.

Thách thức người dẫn đầu

Với sự xuất hiện của 17 gương mặt mới, Top 50 không chỉ chịu ảnh hưởng bởi biến động ngành nghề mà còn bởi áp lực cạnh tranh thứ hạng từ các công ty cùng ngành. Chỉ có 2/10 công ty trong Top 10 năm ngoái còn hiện diện trong Top 10 năm nay là Thế Giới Di Động và Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài. Các thứ hạng cao hơn nhường chỗ cho nhóm ngành nổi bật năm nay là xây dựng và vật liệu xây dựng chiếm với 4 đại diện, Xây dựng 3-2, Đá Núi Nhỏ, Vicostone vừa vào bảng xếp hạng đã vào ngay Top 10 với vị trí cao, trong khi CotecCons lần thứ 3 hiện diện và thăng hạng lên vị trí thứ 9.

Các công ty đạt quán quân 4 năm qua đều hiện diện trong bảng xếp hạng năm nay nhưng chỉ có Thế Giới Di Động vẫn còn vào Top 10. Kết quả kinh doanh của Công ty vẫn duy trì tốt với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 60%, nhưng giá cổ phiếu của Thế giới Di Động đi ngang 1 năm qua, phản ánh nỗi băn khoăn của nhà đầu tư về chiến lược mới của Công ty trước khả năng bão hòa của thị trường điện máy và di động.

Câu chuyện ấn tượng nhất trong năm qua chính là Ôtô Trường Long (HTL), quán quân của Top 50 năm nay. Lợi thế từ nhu cầu xe tải gia tăng do quy định về siết tỉ trọng đã giúp doanh nghiệp chuyên kinh doanh ôtô tải này tăng trưởng tốt. Ngoài ra, việc đóng thùng xe cung cấp cho các xe tải Hino và các xe tải thương hiệu khác đã tạo nên lợi thế khác biệt cho HTL. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty năm 2015 tiếp tục tăng trưởng mạnh 65% và 116%, cùng với việc tăng giá kỷ lục của cổ phiếu HTL trong 3 năm qua với (xấp xỉ gần 4.837%) đã giúp HTL đạt vị trí quán quân năm nay.

Mặc dù vậy, việc HTL có tiếp tục kinh doanh khả quan hay không trong các năm tới vẫn là một ẩn số khó đoán khi đặc thù ngành nghề này chịu sự tác động quá lớn của các chính sách như thuế phí, các quy định về tải trọng, chất lượng xe và biến động tỉ giá nhập khẩu.

Nguyễn Sơn - Hồng Nhung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư