Việt Nam, cánh sao khuyết của làng công nghệ số?

Nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard cho biết Việt Nam là 1 trong 5 cánh của ngôi sao đang lên trong làng công nghệ số của thế giới gồm Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines. Thế nhưng, mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số của Việt Nam thì lại rất thấp.

Chia sẻ thông tin trên tại hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” do VCCI và Công ty Google Châu Á Thái Bình Dương tổ chức, sáng 2/6, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc đồng thời cho rằng, làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới tất cả doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

Dù vậy, Việt Nam, dường như vẫn chưa sẵn sàng cho “thời cơ số” này, ông nói.

Nhiều chỉ báo quan trọng

Theo Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, qua nghiên cứu của Đại học Harvard, Việt Nam cùng với bốn cánh sao còn lại - tương ứng với bốn nền kinh tế trên – là 5 cánh sao đang lên trong làng công nghệ số và có khả năng tạo ra những đột phá trong kỷ nguyên kinh tế số.

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trước sự tích hợp hai làn sóng là đổi mới, cải cách thể chế và làn sóng công nghệ số, nên, nếu tận dụng tốt cơ hội này, cơ hội phát triển của các doanh nghiệp và của kinh tế Việt Nam nói chung sẽ có thể tăng theo cấp số nhân.

Nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trước sự tích hợp hai làn sóng là đổi mới, cải cách thể chế và làn sóng công nghệ số.

Nền kinh tế số tại Việt Nam được đánh giá đang hội tụ nhiều chỉ báo quan trọng, như một nửa dân số sử dụng Internet, tốc độ phát triển công nghệ thông tin viễn thông và điện thoại di động của Việt Nam thuộc những nước nhanh nhất khu vực và trên thế giới, 43% người tiêu dùng Việt Nam thông qua quảng cáo trực tuyến để tìm hiểu và mua sản phẩm…, đây chính là những nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.

Ở góc độ tích cực khác của “nền kinh tế số”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, dẫn báo cáo “Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp và cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam” của VCCI, cho biết, công nghệ số có vai trò và tác động to lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2015, có tới 95% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng Internet. Những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả thường dễ tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật hơn, thủ tục hành chính nhanh chóng hơn và quan trọng là có kết quả kinh doanh tốt hơn.

Ngược lại, các cơ quan nhà nước trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công, nếu áp dụng công nghệ tốt, cũng cung cấp thông tin tới doanh nghiệp nhanh chóng và thuận lợi hơn, với thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp được rút ngắn, đồng thời cơ hội nảy sinh nhũng nhiễu sẽ được giảm.

“Dù vậy, việc sử dụng công nghệ thông tin hiện còn chưa hiệu quả chiếm tới 59%; chỉ có 35% sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ...”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

“Tiềm năng không tự biến thành thực tiễn”

Khi online bằng smartphone, người Việt xem các trang mạng xã hội tới 59%; sử dụng công cụ tìm kiếm 56%; xem video trực tuyến 54%; nghe nhạc 43%; tìm kiếm thông tin sản phẩm 23%; mua sản phẩm dịch vụ 6%...

Tại hội thảo trên, bà Tammy Phan, Giám đốc đối tác chiến lược và kênh bán hàng của Google châu Á-Thái Bình Dương, cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về sử dụng điện thoại di động. Khi số người sử dụng điện thoại di động tăng 1% thì năm 2020 sẽ có 100 triệu USD vào GDP, cùng với 140.000 việc làm được tạo ra.

Số người dùng điện thoại di động để tìm kiếm thông tin, mua bán sản phẩm chiếm tới gần 30% hoạt động online.

Đại diện đến từ Google cũng cho biết, cứ 10 người Việt Nam thì sẽ có 8 người dùng điện thoại di động vào năm 2020. Ngoài ra, khi online bằng smartphone, người Việt xem các trang mạng xã hội tới 59%; sử dụng công cụ tìm kiếm 56%; xem video trực tuyến 54%; nghe nhạc 43%; tìm kiếm thông tin sản phẩm 23%; mua sản phẩm dịch vụ 6%...

Tuy vậy, theo Chủ tịch VCCI, mặc dù đang “sở hữu” nhiều chỉ báo quan trọng, nhưng mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số của Việt Nam còn rất thấp và hạn chế. Ông cho biết, theo một kết quả nghiên cứu năm 2015, Việt Nam xếp thứ 85/143 nền kinh tế thế giới về mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số. Trong khu vực, Việt Nam thua Singapore, Thái Lan, Philippines.

“Thế giới đánh giá cao những tiềm năng phát triển của Việt Nam, tuy nhiên, tiềm năng không tự biến thành thực tiễn”, vị Chủ tịch VCCI nói và cũng dẫn đánh giá từ nghiên cứu của một trường đại học của Đức, rằng, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về tinh thần khởi nghiệp, nhưng tinh thần khởi nghiệp đó chỉ có thể trở thành động lực cho làn sóng khởi nghiệp trong nền kinh tế có cạnh tranh cao thì thực sự chưa nhiều.

Theo Chủ tịch VCCI, muốn trở thành một ngôi sao thực sự trong nền kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng được một nền tảng thể chế thực sự phục vụ cho nền kinh tế số phát triển.

Thế giới đang nhỏ lại, còn doanh nghiệp nhỏ thì đang lớn lên. Hi vọng trong tương lai các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ cưỡi lên làn sóng kinh tế số để ra khơi, tích hợp giữa tinh thần khởi nghiệp với tri thức kinh doanh và làn sóng kinh tế số sẽ làm nên một đội ngũ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, vị này nói.

Thủy Diệu
Nguồn VN Economy