Vingroup và kế hoạch phủ sóng VinMart đến cuối năm 2016

Trước xu thế tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường bán lẻ, Vingroup tuyên bố kế hoạch đạt 3.000 chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ vào cuối năm nay.

Tốc độ “phủ sóng” nhanh và rộng

Không thể phủ nhận sự xuất hiện và phát triển ấn tượng của Vinmart và Vinmart+ kể từ ngày ra mắt thị trường vào tháng 11/2014. Trong vòng hơn một năm, Vingroup đã đưa hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ vượt con số hơn 700 cửa hàng, với tốc độ mở trung bình khoảng 2 cửa hàng mới mỗi ngày tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hạ Long, Ninh Bình, Hà Tĩnh,...

Thương hiệu mới này đã góp phần rất lớn thúc đẩy quy mô toàn thị trường đến ngưỡng mới - lần đầu tiên phân khúc cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam vượt qua 1.000 so với khoảng 300 cửa hàng vào năm 2014.

Ảnh minh họa.

Điểm mạnh của chuỗi thương hiệu này là các cửa hàng Vinmart và Vinmart+ nằm ở các khu vực đông dân cư, giao thông thuận lợi, có diện tích lớn, cung cấp nhiều ngành hàng đa dạng. Theo đó, có hơn 40.000 mặt hàng thuộc thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, điện máy gia dụng, thời trang, đồ chơi,… đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Với mục tiêu trở thành các điểm đến mua sắm đáng tin cậy về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ tiện ích, Vinmart và Vinmart+ còn bán các sản phẩm rau, quả sạch, áp dụng công nghệ cao từ VinEco - ngành kinh doanh nông nghiệp mới nhất của Vingroup, tạo sự tin tưởng không nhỏ tới một bộ phận khách hàng trong bối cảnh vấn đề an toàn thực phẩm trở nên báo động.

Trước xu thế tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường bán lẻ, Vingroup không ngại ngần tuyên bố kế hoạch phủ sóng chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ vào cuối năm nay.

Bài toán cạnh tranh

Theo nhiều nhà quan sát thị trường, Vingroup đã và đang rất nỗ lực tăng tốc mở chuỗi cửa hàng.

Cụ thể, tính đến hết tháng 3/2016, số cửa hàng của Vinmart và Vinmart+ mới chỉ dừng ở mức 670, và để đạt đến con số 3.000 trong 7 tháng nữa thì trung bình mỗi ngày thương hiệu này phải mở tới 10 cửa hàng mới có thể đạt được mục tiêu này.

Theo Forbes Việt Nam, về thách thức thị trường truyền thống, VinMart đang phải đối mặt với các mô hình kinh doanh hộ gia đình với sự chi phối thị trường bán lẻ không hề nhỏ. Bài toán đặt ra cho VinMart là phải tính toán cạnh tranh ngay với các cửa hàng tạp hóa gia đình nằm kế cận, các cửa hàng chuyên kinh doanh thức ăn đồ uống hiện diện khắp nơi, chưa kể đến những gánh hàng cá nhân di chuyển linh động khắp các vỉa hè và len lỏi tận các ngóc ngách đô thị.

Để đạt đến con số 3.000 trong 7 tháng nữa thì trung bình mỗi ngày Vinmart+ phải mở tới 10 cửa hàng mới có thể đạt được mục tiêu.

Khảo sát của Kantar trong năm 2015 cũng chỉ ra, bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm số lượng áp đảo với 82% thị phần theo giá trị ở khu vực thành thị và 98% thị phần theo giá trị ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, mô hình cửa hàng bách hóa và tiệm tạp hóa đang nắm giữ 60% thị phần bán lẻ, thị phần chợ truyền thống chiếm 10%.

Cùng với đó, Vinmart và Vinmart+ còn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu như Co.op và Co.op Food của Saigon Co.op, B’s Mart, Circle K, Shop & Go,… Các cửa hàng tiện lợi từ các thương hiệu này đang có xu hướng phát triển thành mô hình “lai” trong việc cung ứng đa dạng mặt hàng bách hóa và quán cà phê thức ăn nhanh.

Thêm vào đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi này cũng không kém cạnh khi đẩy mạnh cạnh tranh các mặt hàng tươi sống và chế biến tiện lợi cùng với đa dạng hàng bách hóa, chú trọng quảng bá hình ảnh sạch và xanh, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Vingroup cũng không thể bỏ qua đối thủ “đáng gờm” đến từ Nhật Bản là tập đoàn Aeon. Bộ trưởng kinh tế Nhật Hayashi Motoo trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3 vừa qua có đề cập đến việc thúc đẩy xúc tiến hàng hóa Nhật và Việt Nam thông qua các kênh cửa hàng tiện lợi Nhật như FamilyMart, Ministop, 7-Eleven và Lawson.

Riêng tại kênh FamilyMart và Ministop đã có khoảng 130 cửa hàng và sẽ mở khoảng 200 cửa hàng nữa vào cuối năm nay trong kế hoạch đạt hàng ngàn cửa hàng tại Việt Nam trong 5 năm.

Dư địa phát triển còn lớn

Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam được coi là đa dạng với tiềm năng phát triển lâu dài vì là một thị trường có dân số trẻ đang phát triển lớn mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tốc độ đô thị hóa cao.

Ảnh minh họa.

Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho hay, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Số lượng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm.

Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại này lại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Khu vực nông thôn, ngoại thành hầu như vắng bóng các hệ thống bán lẻ, chỉ chủ yếu phân phối hàng theo từng đợt.

Vì vậy, một thị trường có đến nửa triệu cửa hàng tạp hóa hộ gia đình so với khoảng 2.000 cửa hàng tiện lợi hiện nay (nếu tính gộp tất cả các mô hình gồm cửa hàng tiện lợi 24/24, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, siêu thị mini) sẽ là một không gian rộng lớn để các nhà kinh doanh tiếp tục tạo lập thị trường và xoay sở cạnh tranh.

Bản thân Vingroup bước vào cuộc cạnh tranh bán lẻ với tâm thế không vội vã và xác định tập trung phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi với tầm nhìn dài hạn. Cùng với đó, sự đầu tư bài bản trên diện rộng trong nhiều lĩnh vực liên quan, bổ sung lẫn nhau sẽ tạo thành khối gắn kết bền chặt cho thương hiệu. Do vậy, vẫn có thể hy vọng Vingroup sẽ “làm nên chuyện” tại thị trường bán lẻ nội địa trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt hiện nay.

Tuyết Nhung
Nguồn BizLive