Cổ phần hoá Sabeco, đại gia Thái Lan quyết đi đến cùng?

Khi Sabeco buộc niêm yết sau hơn 8 năm cổ phần hóa, ThaiBev chắc chắn sẽ là một trong những nhà đầu tư đầu tiên và có tiềm lực nhất nhảy vào thương vụ này.

Nhà đầu tư có quyền chi phối Sabeco

Đã cổ phần hoá hơn 8 năm tuy nhiên, đến thời điểm này, tại Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhà nước còn giữ khoảng 89,95% cổ phần, Heineken khoảng 5%, các cổ đông khác giữ tỷ lệ còn lại.

Nhà nước sở hữu tỷ lệ cổ phần nêu trên tại Sabeco nên mặc dù “vỏ” là công ty cổ phần nhưng Sabeco vẫn vận hành theo cơ chế của một doanh nghiệp Nhà nước.

Không ít lần thay đổi Chủ tịch HĐQT và một số lãnh đạo tại Sabeco đều do Bộ Công Thương chỉ định. Mới đây nhất là trường hợp giới thiệu ông Võ Thanh Hà, nguyên chánh văn phòng Bộ Công Thương để Đại hội cổ đông bầu làm Chủ tịch HĐQT Sabeco từ ngày 14/10 vừa qua thay ông Phan Đăng Tuất.

Mới đây, Sabeco và Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phương án bán cổ phần, theo đó, Nhà nước sẽ bán 53% cổ phần một lần duy nhất, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp này từ 89,59% xuống còn khoảng 36%.

Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Sabeco. Đơn vị: Tỷ đồng

Trước đó, một phương án từng được lãnh đạo Sabeco đưa ra là phương án thoái vốn hai đợt, mỗi đợi 20-30%, tức là nhà nước sẽ bán đi ít nhất trên 50% vốn tại doanh nghiệp này. Đồng thời, cho rằng, mức 20-30% mỗi đợt thoái vốn là mức rất lớn nên đã đề nghị khi quyết định thoái vốn 2 lần, khoảng cách hai lần ít nhất là 1 năm để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, theo phương án cổ phần hoá mới nhất, nhà đầu tư sẽ có quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam. Theo một lãnh đạo Sabeco, mặc dù đã có nhiều đại gia hỏi mua nhưng kế hoạch bán cổ phần đều phải được Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp không thể tự quyết, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng được xem xét trên nhiều tiêu chí.

Vì sao Thaibev quyết đi đến cùng?

Việc Sabeco bán cổ phần luôn nhận được sự quan tâm của ít nhất 10 nhà đầu tư từ trong nước cũng như nước ngoài. Cụ thể, có một số tập đoàn nước ngoài như Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan), SAB Miller (Mỹ)… và một số doanh nghiệp trong nước như CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP tư vấn Ánh Dương, CTCP Tập đoàn Đức Bình…

Cuối năm 2014, Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Fraser & Neave Dairy Investments Pte Ltd và nhiều công ty khác đã từng đánh tiếng chi 2 tỷ USD cho 53% cổ phần của Sabeco nhưng không thành.

Đầu năm 2015, Thaibev tiếp tục ngỏ ý mua 40% cổ phần của Sabeco, mức giá mà Thaibev đưa ra lần này là 80.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 60% so với mức giá giao dịch trên thị trường OTC (khoảng 40.000-50.000 đồng/cổ phiếu). Mức giá này định giá Sabeco khoảng 2,5 tỷ USD. Để mua được 40% cổ phần của Sabeco đại gia đến từ Thái Lan sẽ chi trả khoảng 1 tỷ USD.

Nhiều khả năng, trong thời gian tới, khi Sabeco buộc phải niêm yết sau hơn 8 năm cổ phần hóa, ThaiBev chắc chắn sẽ là một trong những nhà đầu tư đầu tiên và có tiềm lực nhất nhảy vào thương vụ này.

Hiện, Fraser & Neave Dairy Investments Pte Ltd của tỷ phú Thái Lan cũng đang nắm 11% cổ phần của CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk với trị giá hơn 520 triệu USD.

Ảnh minh họa.

TCC Holdings thuộc Thaibev cũng đã mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Cary Việt Nam từ tay doanh nghiệp Đức với mức giá hơn 700 triệu USD hồi đầu năm 2016.

Ngoài ra, các công ty con thuộc "đế chế" của ông Charoen cũng đang len lỏi trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Cụ thể như công ty đa ngành Berli Jucker đang góp mặt trong lĩnh vực sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống, giấy vệ sinh, sản xuất đầu phụ ICHIBAN...

Doanh nghiệp này cũng đang sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi B'smart với tổng cộng 94 điểm bán trên khắp cả nước. Ngoài ra, một công ty khác là TTC Land cũng đang nắm giữ 65% cổ phần của Khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.

Lý do để Thaibev quyết đi đến cùng trong thương vụ này xuất phát từ vị thế của Sabeco trên thị trường đồ uống có cồn của Việt Nam (49%) hay thị trường rộng lớn với hơn 90 triệu dân của Việt Nam?

Lịch sử hợp tác của tỷ phú Charoen trong lĩnh vực bia cho thấy, năm 1991, từng bắt tay với Carlsberg cho ra đời bia Chang, lật đổ sự thống trị của Singha, đồ uống có cồn hàng đầu tại Thái Lan vào thời điểm đó sau đó năm 2003, “đá bay” Carlsberg để độc tôn ngôi vị số 1 trong thị trường bia.

Như vậy, lo ngại đại gia Thái Lan thúc đẩy thương hiệu của chính họ hơn là phát triển thương hiệu Bia Sài Gòn, thương hiệu Bia Sài Gòn có nguy cơ mất dần là hiện hữu.

Nguyễn Thảo
Nguồn BizLive