Mua bán và sáp nhập: Không dễ "hóa rồng"

Mua bán và sáp nhập (M&A) từ lâu đã không còn xa lạ với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Thậm chí, nhiều DN còn tự hào khi tìm được "nguồn vốn mới", đặc biệt là các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thông qua những thương vụ M&A.

Điều này đồng nghĩa với việc DN sẽ mở rộng đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, tiếp cận công nghệ hiện đại, học hỏi cách quản lý chuyên nghiệp.

Tính đến thời điểm này, các thương vụ M&A giữa 2 khối nội - ngoại đã tạo nên sự đột phá cho DN, song không phải trường hợp nào cũng như mong đợi.

Có 1001 lý do để DN đi đến quyết định chuyển nhượng cổ phần cho NĐT nước ngoài. Trong đó, không ngoại trừ trường hợp DN thua lỗ, trên bờ vực phá sản hoặc vì muốn bành trướng thị phần. Nhiều DN Việt Nam xuất thân từ DN gia đình với thâm niên hoạt động 20, 30 năm lần lượt trở thành "chiến hữu" của nhiều NĐT nước ngoài trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam.

Đồ họa: Tiến Đạt

Nằm trong nhóm các thương vụ M&A nội bật tại thị trường Việt Nam trong những năm 2009 - 2011 đối với ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, điện gia dụng có những cái tên như Công ty CP Quạt Việt Nam (Asia Vina), Công ty CP Thực phẩm Thuận Phát, Công ty CP Diana từng được nhắc nhiều với giá trị giao dịch từ vài triệu USD đến vài trăm triệu USD/thương vụ.

Bên cạnh đó, cũng có những thương vụ M&A thầm lặng hơn, song giá trị cũng không hề nhỏ, mặc dù cả NĐT lẫn "người bán" đều không muốn chia sẻ cụ thể giá chuyển nhượng.

Chẳng hạn việc chuyển nhượng 83% cổ phần của Công ty CP Con Heo Vàng (đơn vị chuyên cung ứng thịt chế biến cho sân bay, nhà hàng, khách sạn, resort tại TP.HCM và các thành phố biển Việt Nam từ năm 1993) cho Công ty Nippon Meat Packers, thuộc hãng chế biến thực phẩm lớn nhất Nhật Bản Nippon Ham Group.

Chia sẻ về việc chuyển nhượng cổ phần cho đối tác ngoại trong giai đoạn đó, ông Nguyễn Hữu Chung - nhà sáng lập Con Heo Vàng gọi đó là trường hợp bất khả kháng. Bởi theo ông Chung, thời điểm đó do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng lớn. Đã có không ít DN bị "đóng băng" tài chính trong giai đoạn này (2008 - 2011), Con Heo Vàng cũng không ngoại lệ.

"Thế nên, việc Con Heo Vàng "nên duyên" cùng Nippon Meat Packers được xem là điều tốt. Bởi lẻ, với thế mạnh là hãng chế biến thực phẩm lớn của Nhật Bản, Nippon Ham Group sẽ giúp Con Heo Vàng tăng trưởng", ông Chung phân tích.

Quả đúng như vậy, chỉ sau một năm "hợp tác", tình thế Con Heo Vàng từ gặp rất nhiều khó khăn đã có mức tăng trưởng 20%/năm. Thị phần của Con Heo Vàng đã mở rộng thêm ở phân khúc bán lẻ, có nhiều mặt hàng như giăm bông, xúc xích... từ thịt heo, bò, gà được đưa vào các hệ thống bán lẻ trong nước.

Quay lại một vài thương vụ M&A nổi bật trong năm 2008 - 2011 để thấy rằng không phải vụ mua bán, sáp nhập nào cũng thành công.

Ảnh minh họa.

Kể từ tháng 5/2011, khi Công ty CP Quạt Việt Nam (Asia Vina) trở thành "đối tác" của Groupe SEB (đơn vị sở hữu 27 thương hiệu như All-Clad, Supor, Moulinex, Lagostina được bán trên 150 quốc gia) với giá trị chuyển nhượng tương đương 65% giá trị cổ phần của Asia Vina, từ số lượng chuỗi bán lẻ 45 cửa hàng năm 2011, nay chỉ còn 36 cửa hàng (cập nhật tại website quatvietnam.com.vn). Dù rằng trước đó, nhà điều hành Asia Vina từng chia sẻ với báo giới sẽ nâng hệ thống cửa hàng từ 45 lên 100 trong năm 2012.

Tại lễ công bố 500 DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2016 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vào tháng 2/2016, Công ty Asia Vina đứng trong Top 50 DN 20 năm liên tiếp đạt danh hiệu này. Song trên thực tế, Asia Vina chưa thể hiện sự tăng trưởng như những gì mà nhà điều hành DN này từng chia sẻ trước đó, cụ thể như tăng trưởng số lượng cửa hàng, khả năng đánh bật hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Khảo sát thực tế tại các cửa hàng của Asia Vina trên địa bàn quận Bình Thạnh, quận 6, quận Thủ Đức, TP.HCM cho thấy, nếu so với thời "độc thân", rõ ràng sức ảnh hưởng của Asia đối với thị trường, sự mãn nhãn trong trang trí cửa hàng cũng không còn hấp dẫn như trước.

Trên thực tế, thị trường đã không còn là "cuộc chơi" riêng của các loại quạt máy "made in Vietnam" và "made in China". Tại các siêu thị điện máy trên địa bàn TP.HCM, người tiêu dùng (NTD) không khó để lựa chọn loại quạt máy, bởi ít nhất cũng có khoảng 10 thương hiệu như Panasonic, Sanyo, Midea, Electrolux, Aqua... với chất lượng và giá cả vô cùng cạnh tranh.

Khác với trường hợp của Asia Vina là khá lặng lẽ sau thương vụ bán 65% cổ phần cho đến nay, Công ty CP Diana trong thương vụ chuyển nhượng 95% cổ phần cho Unicharm (Nhật Bản) với giá 184 triệu USD vào năm 2011, đã tăng trưởng gần 8 lần, từ mức doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận 40 tỷ đồng lên mức doanh thu 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận 800 tỷ đồng sau thuế chỉ sau 3 năm chuyển nhượng phần lớn cổ phần.

Từ kết quả sau 5 - 6 năm "bén duyên" trong các thương vụ M&A, rõ ràng xuất phát điểm của các DN Việt Nam đều có điểm chung là chọn đối tác cùng là nhà sản xuất chứ không phải quỹ đầu tư, nhằm hướng đến một diện mạo tốt hơn cho DN trong cạnh tranh. Song thực tế, kỳ vọng và thực tại vẫn chưa có điểm chung. Theo đó, đã có những trường hợp thành công và vẫn còn đó những trường hợp chưa như mong đợi từ các thương vụ M&A.

Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Việt Nam xếp thứ 55 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng lại đứng thứ 20 về giá trị M&A. Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 24 toàn cầu với 339 thương vụ. Năm 2015, tổng giá trị những thương vụ M&A liên quan đến các công ty Việt đã tăng 40% so với năm 2014, đạt 4,3 tỷ USD, vượt kỷ lục 4,2 tỷ USD của năm 2012. Dự báo, việc mua bán và sáp nhập có thể tăng cao hơn nữa trong năm 2016, sau các ký kết mới về Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam, và các Luật Đầu tư được Chính phủ thông qua.

Đỗ Phương - Duy Khuê
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn