Thị trường Taxi: Ván bài lật ngửa

Năm 2015, doanh thu từ hoạt động kinh doanh taxi của Vinasun là 4.252 tỉ đồng, tăng gần 13%

Những tưởng dưới áp lực cạnh tranh của những hãng kinh doanh vận tải dựa trên nền tảng công nghệ như Uber và Grab, các hãng taxi truyền thống đang đối diện với tình hình kinh doanh khó khăn, nhưng ngược lại, tăng trưởng vẫn tốt trong năm ngoái. Liệu các công ty taxi truyền thống có duy trì được vị thế trong khi các hãng công nghệ đang tiếp tục tăng tốc chiến dịch tuyển quân và quảng bá?

Thị trường truyền thống vẫn tăng trưởng tốt

Vinasun là trường hợp điển hình để miêu tả tình hình tăng trưởng của doanh nghiệp taxi trong những năm gần đây. Theo báo cáo tài chính năm 2015, doanh thu từ hoạt động kinh doanh taxi là 4.252 tỉ đồng, tăng gần 13% so với năm trước đó. Có lẽ, nhu cầu sử dụng taxi ngày càng phổ biến đã giúp các công ty taxi truyền thống tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Trong ngành này, khả năng gia tăng đội xe để chiếm lĩnh thị phần là rất quan trọng. Các hãng taxi truyền thống cũng đều tăng tốc đẩy mạnh đội xe trong năm ngoái. Như Vinasun, năm 2015, hãng này đầu tư 1.217 chiếc xe mới, thanh lý 805 chiếc. Tương tự, Mai Linh cũng tiếp tục tuyển thêm tài xế. Hồi tháng 12 năm ngoái, Phương Trang, doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu đời trong lĩnh vực vận chuyển hành khách đường dài, cũng tuyên bố gia nhập thị trường taxi với đội xe 2.000 chiếc.

Khi miếng bánh thị trường tiếp tục nở ra, mô hình taxi truyền thống vẫn có một điểm lợi thế so với Uber hay Grab. Ðó là thời gian chờ đợi xe đến. Tại các điểm bán lẻ như nhà hàng, khách sạn, taxi truyền thống như Vinasun hay Mai Linh vẫn xếp hàng dài chờ khách.

Về phần Mai Linh, hãng taxi này vẫn nỗ lực tái cơ cấu trong 2 năm gần đây, bằng cách cắt bỏ bớt những mảng kinh doanh trái ngành và chỉ tập trung vào taxi. Đặc trưng của Mai Linh là sở hữu hệ thống cộng tác kinh doanh với chủ xe. Và có thể nói Mai Linh “sống sót” được là nhờ hệ thống này. Năm nay, Mai Linh tiếp tục công bố nhiều đợt tuyển dụng nhân sự mới. Tuy theo chiến lược hợp nhất về cấu trúc công ty và báo cáo tài chính, song Mai Linh vẫn chưa có số liệu tổng hợp mà vẫn còn chia làm 3 miền là Bắc, Trung và Nam.

Để rơi thị phần khá nhiều vào tay Vinasun ở khu vực TP.HCM, song số liệu cho thấy thị trường miền Nam và miền Trung của Mai Linh vẫn tiếp tục nở ra, trong khi miền Bắc chững lại. Theo báo cáo tài chính bán niên 2015, doanh thu thuần của công ty Mai Linh mẹ (trụ sở tại TP.HCM) đạt 627 tỉ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu tăng từ mức 15% lên 20% trong 6 tháng đầu năm ngoái. Đây là tín hiệu quả quan, vì thực tế lợi nhuận của Mai Linh vẫn thấp do đang phải tái cấu trúc.

Nếu như Vinasun đang chiếm ưu thế ở khu vực phía Nam, số liệu từ miền Trung của Mai Linh cho thấy thị trường taxi dường như chuẩn bị bùng nổ. Số lượng xe của Mai Linh đã tăng 45% lên 1.700 chiếc (phân bổ ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Huế hơn 50%). Theo báo cáo thường niên năm 2015 của Mai Linh miền Trung, tập đoàn này nắm giữ khoảng 40% thị phần, tương đương với năm trước đó, do có nhiều hãng taxi mới ra đời và các hãng cũ tăng lượng xe. Cũng cần chú ý rằng, khu vực này chưa có sự xuất hiện của các hãng công nghệ như Uber hay Grab.

Nếu như Vinasun đang chiếm ưu thế ở khu vực phía Nam, số liệu từ miền Trung của Mai Linh cho thấy thị trường taxi dường như chuẩn bị bùng nổ. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của thị trường taxi trước sự cạnh tranh đến từ những công ty công nghệ. Hơn nữa, điều đáng lo ngại ở đây là việc doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm. Theo báo cáo thường niên năm 2015, tỉ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính của Vinasun đang giảm dần, từ mức 8,4% trong năm 2014 về còn 6,6%. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng đang chấp nhận đánh đổi chi phí để giành lấy thị phần.

Cổ đông và lãnh đạo của Vinasun cũng nhận thấy thực tế này. Theo lãnh đạo Vinasun, lẽ ra Công ty đã đạt 33% kế hoạch kinh doanh trong quý I/2016 chứ không chỉ là 26%. Đây là tín hiệu báo động đối với Vinasun, bởi nếu không tái cơ cấu thì sẽ không tồn tại được. Liệu Vinasun nói riêng và các hãng taxi truyền thống sẽ làm gì để đổi mới?

Nước cờ công nghệ

“Cho chúng tôi một chút bí mật, vì chúng tôi công khai trong khi đối thủ thì được giữ kín”, vị đại diện Vinasun trả lời khi được Ðại hội cổ đông hỏi về kế hoạch tái cấu trúc trong thời gian tới. Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy Vinasun sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ để giữ vững thị trường.

Vinasun luôn cho rằng mô hình hoạt động của Uber hay Grab là chưa rõ ràng và có sự bất công đối với những doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống. Có 2 yếu tố quan trọng mà Uber hay Grab có lợi thế, là không phải nộp thuế, phúc lợi cho nhân viên và không chịu sự ràng buộc về điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực taxi, vốn là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, Vinasun đang ra đòn “hồi mã thương” với các doanh nghiệp công nghệ.

Sự kiện nổi bật của Vinasun trong năm 2015 là việc triển khai phần mềm quản lý điều hành và ứng dụng mới. Phần mềm cài trên điện thoại của khách hàng cũng có cơ chế hoạt động kết nối tài xế và hành khách tương tự như Uber và Grab. Sau quá trình thử nghiệm, Vinasun đánh giá cao về hiệu quả của phần mềm này, nhờ vừa hỗ trợ tài xế đón khách, giúp họ không phải tranh giành, mà lại quản lý được tình hình giao thông lẫn lượng xe thừa, thiếu ở các điểm tiếp thị.

Trong năm 2015, Vinasun đã triển khai phần mềm quản lý điều hành và ứng dụng mới.

Tuy nhiên, điều độc đáo hơn nữa là hồi tháng 2 vừa qua, Vinasun chính thức đưa Vcar vào thử nghiệm. Vcar là loại taxi chất lượng cao (Fortuner 7 chỗ và Camry 4 chỗ) có bề ngoài như xe cá nhân (không có logo của hãng taxi). Nếu thử nghiệm thành công và triển khai với số lượng lớn, rõ ràng Vinasun đang đánh trực tiếp vào Uber và Grabcar.

Ðiểm khó của Vinasun trong cuộc chơi công nghệ sẽ là vấn đề thương hiệu, khi Uber và Grab là những cái tên nổi tiếng hơn nếu xét về yếu tố công nghệ. Kế hoạch truyền thông của Uber hay Grab là đánh vào tâm lý, tạo ra thị trường việc làm cho những người sở hữu xe. Từ năm ngoái cho đến nay, đã có làn sóng lái xe tự vay tiền ngân hàng mua ôtô để chạy Uber và Grab. Ðây cũng là hình thức hợp tác giữa các hãng taxi với các chủ xe đã phổ biến từ lâu.

Hơn nữa, điểm quan trọng là chi phí di chuyển của taxi truyền thống khó lòng thấp hơn các hãng công nghệ. Theo đó, giá tiền của Vcar sẽ ngang với taxi truyền thống, trong khi giá tiền của Uber hay Grab thì thấp hơn một chút (Uber đôi khi sẽ cao hơn trong vài trường hợp).

Dù vậy, công nghệ cũng mang lại cho Vinasun nhiều thứ để triển khai hơn. Ðiểm lợi “ẩn giấu” của công nghệ là thu thập được lượng dữ liệu lớn và đây là “mỏ vàng” để các doanh nghiệp khai thác. Biết đâu sẽ có loại hình “taxi chia sẻ” bên cạnh mô hình “xe nhà chia sẻ” (của Uber và Grab)?

Mai Linh tuy cũng có ứng dụng di động, nhưng chưa triển khai đẩy mạnh như Vinasun. Ngược lại, gần đây, hãng này lại có tham vọng chuyển đổi đội xe truyền thống thành xe điện, có chi phí vận chuyển thấp hơn nhưng chi phí đầu tư lại cao. Trong khi đó, Vinasun tin rằng xe điện tại thị trường Việt Nam chỉ mới dành riêng cho gia đình, chứ chưa thực sự là loại xe chuyên dụng để vận chuyển hành khách.

Thiên Phong
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư