Tiếp thị kiểu “nhà nghèo”

Thuê sạp, thuê kệ để bày hàng với chi phí chỉ vài chục ngàn đồng một tháng... Kinh tế khó khăn đã buộc nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng phải sáng kiến tìm cách quảng bá sản phẩm tại chợ truyền thống.

Khi không đủ tiềm lực để quảng bá rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, nhiều doanh nghiệp thuộc diện “con nhà nghèo” đã và đang quảng bá sản phẩm bằng những cách trên và đem lại hiệu quả tích cực.

Quảng cáo trên sạp

Dạo quanh các chợ truyền thống thời điểm này dễ dàng nhận thấy các quầy kệ được trưng bày gọn ghẽ, sáng trưng với đủ các loại nhãn hiệu từ nước mắm, nước tương, bột nêm đến mỹ phẩm dầu gội.

Bà P.Dung, chủ một sạp tạp hóa tại chợ Gò Vấp (TP.HCM), chỉ tay lên kệ hàng cao chót vót, đầy ắp các loại sản phẩm như bột nêm Maggi, nước mắm Liên Thành, khoe: “Mỗi nhãn họ thuê một kệ riêng để bày bán sản phẩm, kệ nào càng lớn, đẹp mắt thì càng dễ được người dân nhận ra”. Bà Dung kể gần như tất cả sạp tại chợ này các hãng đều đã len chân vào để quảng cáo, tùy thuộc vị trí, diện tích, chủng loại mà các chủ sạp thu phí trưng bày 400.000 - 500.000 đồng/ tháng.

“Còn với nhiều hãng “nhà nghèo” chỉ tốn vài chục ngàn đồng hoặc bỏ ra vài sản phẩm tặng chủ sạp cũng được” - bà Dung cho hay.

Tương tự, tại các chợ khác như: Tân Định (Q.1), Xóm Chiếu (Q.4), Phạm Văn Hai, Võ Thành Trang (Q.Tân Bình) các tiểu thương đều cho biết sạp nào cũng có các hãng đến đặt kệ, nhiều hay ít tùy vào thỏa thuận, thậm chí nhiều hãng còn tự đóng quầy, kệ tạo điều kiện tối đa cho các sạp trưng bày sản phẩm.

Bà Oanh, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), cho biết xu hướng tiếp thị sản phẩm tại các quầy kệ đã có từ khá lâu, nhưng vài năm gần đây khi buôn bán khó khăn, các doanh nghiệp mới bắt đầu tận dụng quảng cáo ngay trên quầy sạp.

Không riêng hình thức quảng bá trên các quầy sạp, hiện những cách hình thức quảng cáo sản phẩm kiểu “nhà nghèo” đang được các doanh nghiệp tận dụng để tìm mọi cách đưa sản phẩm của mình lớn mạnh trong chợ truyền thống.

Tại chợ Bình Chánh, chiều 6-5, hàng trăm người dân đã đổ về khu vực sân trước chợ này để tận mắt chứng kiến những cái tên như nước rửa chén Mỹ Hảo, nước mắm Liên Thành, nhựa Thái Dương, cà phê Trung Nguyên... trưng bày giới thiệu sản phẩm trong chương trình “Ngày vàng hàng Việt” do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Vinamilk, báo Tuổi Trẻ thực hiện. Dù mới chỉ là những buổi đầu thực hiện nhưng đã có những dấu hiệu đáng mừng từ chợ khi có hàng trăm tiểu thương, người dân khu vực này đổ về tham dự.

“Khéo co thì ấm”

Ông Phạm Văn Ngọc, một người dân ở xã Tân Kiên (Bình Chánh), hồ hởi vì nhờ những buổi giới thiệu sản phẩm như vậy ông mới biết nhãn hiệu Mỹ Hảo không chỉ có nước rửa chén mà còn có nước giặt, xà bông, nước tẩy trắng... Không chỉ có vậy, các tiểu thương cho biết tại chợ này gần đây có nhiều nhãn hàng đưa sản phẩm đến tận cổng chợ, trưng bày đẹp đẽ, bắt mắt để kéo người mua sử dụng sản phẩm. Nhiều tiểu thương thừa nhận ngày vàng đã kéo nhiều người dân quay lại với chợ.

Bà Ngô Thị Hoàng Mai, phó tổng giám đốc Công ty CP chế biến thủy hải sản Liên Thành, cho biết thật sự cuộc đua quảng bá sản phẩm tại chợ truyền thống ở thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay là rất cam go.

Tham gia hội chợ, đem sản phẩm đến các chợ trưng bày, giới thiệu rầm rộ là những cách phổ biến và đang đem lại thành công cho nhiều doanh nghiệp.

Bà Mai cho rằng đối với những doanh nghiệp lớn hay tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính dồi dào, việc quảng cáo trên tivi, báo chí là điều không khó. Nhưng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuộc diện “con nhà nghèo” thì quảng bá sản phẩm một cách tiết kiệm nhất mà vẫn đem lại hiệu quả luôn là bài toán khó đối với họ. Bản thân nhãn hiệu Liên Thành cũng không đủ khả năng quảng cáo rầm rộ, tài chính eo hẹp nên buộc phải tính toán theo phương châm “chậm mà chắc” để sản phẩm có chỗ đứng tại chợ truyền thống.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Thắng, tổng giám đốc nhãn hiệu đồ gia dụng Sunhouse, cho biết kinh tế khó khăn, chợ truyền thống đang bị các kênh mua sắm khác áp đảo nên buộc các doanh nghiệp muốn tồn tại phải đua nhau quảng bá bằng đủ chiêu trò. Tham gia hội chợ, đem sản phẩm đến các chợ trưng bày, giới thiệu rầm rộ là những cách phổ biến và đang đem lại thành công cho nhiều doanh nghiệp.

Hơn hai năm phối hợp cùng Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao quảng bá sản phẩm vào chợ truyền thống, ông Thắng thừa nhận sản phẩm của công ty đã được biết đến rộng rãi hơn, doanh thu và thị phần cũng tăng lên nhất định.

Theo ông Đỗ Thanh Tuấn, trưởng ban đối ngoại Công ty Vinamilk, với số vốn ít các doanh nghiệp nên đi tới đâu tạo dựng kênh phân phối tới đó, quảng bá chậm mà chắc, sau đó dần dần hệ thống phân phối sẽ lớn mạnh và có chỗ đứng. Từ lâu Vinamilk xác định chợ truyền thống là một kênh phân phối quan trọng nên đã tập trung xây dựng và quảng bá dưới nhiều hình thức. Do vậy hiện nhiều sản phẩm của công ty đã có mặt ở hầu hết các chợ trên cả nước.

Tiết kiệm nhưng hiệu quả

Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết hiện nay BSA vẫn đang đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nhiều hoạt động để đưa hàng Việt vào chợ.

Mong muốn của BSA là xây dựng những chương trình quảng bá hàng hóa với chi phí tiết kiệm tối đa mà vẫn đạt hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải bằng cách quảng cáo rầm rộ, ồn ào mà tìm cách hỗ trợ cho doanh nghiệp biết cách tổ chức hệ thống phân phối. Theo bà Hạnh, để đạt được hiệu quả cần phải có thời gian để thay đổi hệ thống, tư duy, cấu trúc, phương thức phân phối hàng hóa, đó mới là thay đổi cốt lõi từ bên trong hệ thống phân phối. Bà Hạnh tiết lộ hiện năm doanh nghiệp có thương hiệu mạnh đang kết hợp với BSA để thay đổi hệ thống, phương thức phân phối bán hàng tại các chợ truyền thống.

Trong thời gian tới, BSA sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình để đưa hàng Việt vào chợ, không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà sẽ rộng khắp cả nước với quy mô ngày càng được mở rộng.

Nguồn Chiến lược Marketing