Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt hơn 4 tỷ USD

Doanh số thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo Thương mại điện tử 2015, được Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) công bố mới đây. Báo cáo cũng cho thấy thương mại điện tử Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo báo cáo trên, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD.

Loại hàng hóa/dịch vụ được mua trực tuyến thường xuyên nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (64%), tiếp đến là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách - văn phòng phẩm - hoa - quà tặng.

Phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt với 91% đối tượng khảo sát cho biết có sử dụng phương thức này, tiếp theo là 48% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán.

Doanh số thương mại điện tử B2C của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó.

Một trong những điểm đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, thì cả doanh số của website bán hàng và sàn thương mại năm 2015 đều tăng mạnh.

Theo đó, tổng doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2015 của 839 doanh nghiệp có website thương mại điện tử tham gia khảo sát ước đạt 11.624 tỷ đồng. Trong khi đó, trong năm 2014, doanh thu 10 tháng đầu năm của 875 website thương mại điện tử bán hàng tham gia khảo sát là 8.084 tỷ đồng.

Theo báo cáo, các website thương mại điện tử của các doanh nghiệp có doanh thu lớn đa phần thuộc nhóm website kinh doanh các mặt hàng như vé máy bay, đồ điện lạnh, thiết bị gia dụng, đồ điện tử và kỹ thuật số, thiết bị âm thanh, hình ảnh...

37% chủ website cho biết giá trị hàng hóa, dịch vụ được mua nhiều nhất trên các website thương mại điện tử có mức giá từ 100.000 - 500.000 đồng.

10 website thương mại điện tử của các doanh nghiệp tham gia khảo sát dẫn đầu về doanh thu gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (vietnamairlines.com), Công ty Thế giới di động (thegioididong.com), Công ty VNG (esale.zing.vn), Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT (fptshop.com.vn), Công ty TNHH Recess (lazada.vn), Công ty Thương mại Nguyễn Kim (nguyenkim.com), Công ty Pico (pico.vn), Công ty TNHH Cao Phong (dienmaycholon.vn), Công ty TNHH Thương mại VHC (hc.com.vn), Công ty TNHH Kỹ nghệ Phúc Anh (phucanh).

Còn đối với các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (sàn thương mại điện tử), thì 105 sàn thương mại điện tử tham gia khảo sát có cung cấp số liệu cho biết, tổng doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2015 ước đạt 1.960 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kì năm 2014.

Máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng, thời trang và phụ kiện là nhóm mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử với đồng tỉ lệ là 23%; nhóm dịch vụ bất động sản chiếm 12%; thực phẩm và đồ uống 10%, dịch vụ lưu trú và du lịch 8%.

Top 10 sàn thương mại điện tử tham gia khảo sát có tổng doanh thu cao nhất từ hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như thu phí gian hàng, thu phí thành viên, quảng cáo, phí dựa trên phần trăm đơn hàng bao gồm: Công ty Recess (lazada.vn), Công ty Giải pháp Công nghệ Hòa Bình (chodientu.vn), Công ty TNHH Hotdeal (hotdeal.vn), Công ty Vật giá Việt Nam (vatgia.com), Công ty VCCORP (enbac.com), Công ty VCCORP (rongbay.com), Công ty Công nghệ Sen đỏ (sendo.vn), Công ty Cùng Mua (cungmua.com), Công ty Quảng cáo trực tuyến 24H (deca.vn - cuối năm 2015 trang này đã đóng cửa - PV), Công ty TNHH Vin-Ecom (adayroi.com).

Có được bước tăng trưởng mạnh mẽ như trên, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, các doanh nghiêp đã nhận được tầm quan trọng và xu thế của thương mại điện tử, vì thế, năm 2015, các doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều hơn cho website thương mại điện tử bán hàng, tổng chi phí tăng trung bình khoảng 30% so với năm 2014.

Thủy Diệu
Nguồn VN Economy