Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội ứng phó khối ngoại

Nền kinh tế càng hội nhập sâu càng mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Vậy đó có phải là thách thức đối với DN Việt trong ngành này?

Theo ông Huỳnh Phước Cường - Giám đốc Khối bán lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam, với ngành bán lẻ, các DN Việt Nam hiểu rõ người tiêu dùng nhờ lợi thế "sân nhà”, lại có sẵn thương hiệu, nhưng cùng với đó, họ phải đối mặt với nguồn vốn lớn và kinh nghiệm quản lý của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, kinh nghiệm kinh doanh trong môi trường quốc tế.

Tuy nhiên, nếu nói am hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng là lợi thế của DN Việt Nam thì chưa đủ. Khi thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam, Aeon (Nhật Bản) chứng minh chỉ trong thời gian ngắn đã rất thành công trong việc đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Công ty CP Thế Giới Di Động không giấu được sự thán phục đối với người Nhật Bản: "Điều đáng nói là những Aeon Mall đều xây dựng ở vùng ven thay vì trung tâm thành phố (Aeon Mall Tân Phú, Aeon Mall Bình Dương...) mà lúc nào cũng đông nghẹt khách hàng đến mua sắm. Thành công của Aeon Mall chính là sự thấu hiểu khách hàng. Khách hàng ai cũng muốn được phục vụ tử tế, nhanh chóng cùng với mức giá hợp lý”.

Ảnh: T.Mai

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) phần nào đã nới lỏng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với DN chưa niêm yết. Nghị định 60/2015/NĐ-CP nới lỏng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và các hiệp định TPP, FTA sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động thương mại và đầu tư của các quốc gia đối tác với Việt Nam.

"Thị trường mở cửa thì ai cũng có cơ hội khai thác. Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam phục vụ tốt thì sẽ thu hút được khách hàng, vì thế, nếu DN Việt Nam phục vụ không bằng họ thì thua trên sân nhà là lẽ đương nhiên. Như vậy, yếu tố quan trọng mà DN bán lẻ trong nước phải chuẩn bị đó là quản trị hiệu quả, đội ngũ nhân sự sẵn sàng cống hiến, luôn đặt khách hàng làm trung tâm", ông Tài nhấn mạnh.

Trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam, cái tên Thế Giới Di Động đã quá quen thuộc với người tiêu dùng. Sau một năm niêm yết trên sàn chứng khoán, MWG đã có được độ phủ rộng ở nhiều tỉnh, thành trong ngành hàng điện tử.

Với góc nhìn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK), ông Đặng Trần Hải Đăng - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc (CTS), nhận xét: "Thành công là do 80% tương tác tốt giữa con người với con người, còn hệ thống chỉ chiếm 20%. Dịch vụ của MWG tương đối đồng nhất, điều này tạo cho khách hàng dù ở đâu cũng đều thấy mình được phục vụ như nhau, không có sự phân biệt".

Việc liên tục đầu tư và đổi mới trong suốt 10 năm qua đã mang lại kết quả cho MWG khi thị phần hiện tại của Công ty đã lên đến 40% và chưa dừng lại.

"Yếu tố quan trọng mà DN bán lẻ trong nước phải chuẩn bị đó là quản trị hiệu quả, đội ngũ nhân sự sẵn sàng cống hiến, luôn đặt khách hàng làm trung tâm."

Trong ngành hàng điện tử, chưa có DN nước ngoài nào trong khu vực cũng như các quốc gia có ngành bán lẻ phát triển có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam, có lẽ một phần do cơ hội không còn lớn nếu muốn tranh thị phần với MWG.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều tập đoàn ngành bán lẻ nước ngoài như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), BJC, Power Buy (Thái Lan) đã vào Việt Nam, nên xu hướng nhượng quyền thương mại là tất yếu.

Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) ngành bán lẻ đã diễn ra tương đối rầm rộ, như năm 2015 Aeon thâu tóm Citimart, Maximark; VIC (Vingroup) đã mua lại Ocean mark, Vinatex mart và Maximark; BigC cũng đang được "trao tay" cho người khác.

Theo ông Huỳnh Phước Cường, nhượng quyền thương mại là con đường tắt để DN có tiềm lực tham gia những lĩnh vực tiềm năng, trong đó ngành bán lẻ là một trong những ngành hấp dẫn.

Tốc độ M&A theo hướng DN nước ngoài thâu tóm những DN Việt Nam có thị phần lớn sẽ gia tăng từ nay đến 2020. Do đó, các doanh trong nước cần phát huy lợi thế để phát triển, là cơ hội cọ xát nhằm giữ vững thị phần, thậm chí là gia tăng thị phần.

Ở một khía cạnh khác, MWG cũng đang tìm hiểu thị trường và xúc tiến cơ hội đầu tư vào Myanmar và Campuchia. Với thế mạnh về hệ thống phân phối cũng như quy chuẩn trong quản trị, cơ hội dành cho MWG là nhiều hơn thách thức, hứa hẹn nhiều cơ hội thành công cho MWG khi thâm nhập thị trường hai quốc gia này.

"GFK nhận thấy Myanmar lẫn Campuchia là những đất nước có sức phát triển nóng, dân số đông, họ đi sau Việt Nam 5 năm phát triển. Nếu hiểu được văn hóa, áp dụng được hệ thống quản trị tốt và cân nhắc để thích ứng thì cơ hội cho không chỉ riêng MWG mà các DN Việt là có”, chuyên gia GFK Huỳnh Phước Cường nhìn nhận.

H. Vinh
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn