Cổ đông Masan thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm thứ 7 liên tiếp

Kế hoạch năm 2016, Masan dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng lợi nhuận thuần sau thuế và tiếp tục không chia cổ tức.

Sáng 1/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Đại hội đã thông qua tất cả nội dung tờ trình.

Trong phiên thảo luận, đại diện MSN cho biết việc giữ tiền mặt trong hệ thống là lợi thế lớn cho Công ty. Không phải tìm thấy cơ hội đầu tư rồi mới đi tìm nguồn lực tài chính. Do đó, Masan sẽ tiếp tục không chia cổ tức năm nay.

Cổ đông cũng chất vấn lãnh đạo Masan về thương vụ Vissan, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết nếu xem Vissan là cơ hội trong giao dịch chứng khoán, thi số tiền bỏ ra là cao hơn so với mức bình thường của thị trường. Tuy nhiên, cần phải đánh giá năng lực trong thị trường cạnh tranh để bảo đảm yêu cầu rút ngắn và cải thiện chuỗi 3F của MSN. Masan coi việc đầu tư vào Vissan là một phần trong chuỗi giá trị bổ sung vào danh mục đầu tư của Công ty trong định hướng phát triển. Do đó, nếu đưa Vissan vào trong chuỗi của Masan, đây không phải là canh bạc mà là cơ hội phát triển cho Masan.

Việc đầu tư vào Vissan với Masan không chỉ là một hoạt động kinh doanh mà đây còn là cơ hội nhằm chống lại thực phẩm bẩn tại Việt Nam. Theo ông Trai, MSN có kế hoạch trong 3- 5 năm nữa sẽ đủ nguồn cung ứng cho thành phố về mặt nguồn gốc thực phẩm.

Đối với thương vụ với Singha, đại diện Masan cũng cho biết nguồn vốn từ Singha dùng để tăng kiểm soát tại Masan Consumer và phần còn lại để phát triển thị trường "ASEAN inland". Công ty đang có những bước tiến nhằm kết nối với đối tác có thế mạnh riêng tại Thái Lan, Myanmar..., và tận dụng để giúp hiểu được thị trường địa phương.

Về hoạt động của Masan Nutri Science, đại diện MSN cho biết quý I năm nay, công ty tăng trưởng hơn 25% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngành thực phẩm và đồ uống cũng dự kiến tăng 15%. Masan cũng sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ thị trường "ASEAN inland" trong năm nay.

Mục tiêu vốn hóa 25 tỷ USD vào năm 2020

Trong phần phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MSN cho rằng Việt Nam hiện đang là một công xưởng gia công xuất khẩu thuần túy B2B với lợi nhuận không cao. Ông lấy ví dụ khi một đôi giày Nike được bán ra, Việt Nam chỉ thu về 5% giá trị đôi giày nhờ gia công, phần còn lại thuộc về nhà bán lẻ và doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu.

Nếu Việt Nam có một thương hiệu mạnh, ông nhấn mạnh, thương hiệu mạnh chứ không phải chỉ là thương hiệu, sẽ giúp tạo ra một cuộc chuyển đổi chiến lược.

Nếu có thương hiệu mạnh, khi bán một sản phẩm có thương hiệu mạnh cho khách hàng toàn cầu, năng suất Việt Nam có thể tăng 2 lần, lợi nhuận tăng trên 15 lần, sức mua tăng trên 30 lần.

Ông Quang cũng cho biết, mục tiêu đến năm 2020, Masan dự kiến đạt vốn hóa 25 tỷ USD. Theo đó, Masan sẽ đẩy mạnh việc xâm nhập vào thị trường "ASEAN inland" với mỗi gia đình "ASEAN inland" sẽ sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan vào năm 2020.

Mục tiêu đến năm 2020, Masan dự kiến đạt vốn hóa 25 tỷ USD. Theo đó, Masan sẽ đẩy mạnh việc xâm nhập vào thị trường "ASEAN inland" với mỗi gia đình "ASEAN inland" sẽ sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan vào năm 2020.

Kế hoạch lãi 2000 tỷ đồng, không chia cổ tức

Theo kế hoạch, Masan dự kiến đạt 42.000-45.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 37-47%. Mức lợi nhuận thuần sau thuế dự kiến khoảng 1.900-2.000 tỷ đồng, tăng 29-35%.

Kế hoạch đầu tư vào các tài sản cố định trong năm 2016 dự kiến khoảng 2.200-2.400 tỷ đồng, không bao gồm các thương vụ M&A.

Tại Đại hội, cổ đông Masan đã thông qua việc không chia cổ tức năm 2015. Như vậy, đây là năm thứ 7 liên tiếp Masan không chia cổ tức. Tính đến thời điểm 31/12/2015, lợi nhuận chưa phân phối của MSN đạt 8.561 tỷ đồng.

Ngoài ra, Masan sẽ phát hành 10 triệu cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, chiếm 1,34% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành của MSN. Đối tượng phát hành là nhân viên công ty và các công ty con của Masan. Số cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng. Thởi điểm phát hành dự kiến trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017.

Cổ đông cũng thông qua việc gia hạn phê duyệt phát hành cổ phần mới liên quan đến khoản vay chuyển đổi. Cụ thể, tại Nghị quyết ĐHCĐ ngày 27/4/2015, MSN đã phê duyệt phát hành tối đa 9 triệu cổ phần mới cho Jade Dragon (Mauritius) Limited – JDML hoặc công ty liên kết của JDML căn cứ vào khoản vay chuyển đổi do JDML cấp cho công ty vào tháng 11/2010. HĐQT trình cổ đông thông qua việc gia hạn việc phát hành 9 triệu cổ phần nói trên trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 theo phương án đã được phê duyệt trước đây.

Trước thềm Đại hội, hai thành viên Ban Kiểm soát là ông Vũ Dũng và ông Đặng Ngọc Cả đã nộp đơn xin từ nhiệm. Theo đó, cổ đông MSN đã thống nhất thông qua việc từ nhiệm này, thông qua số lượng thành viên BKS là 3 thành viên. Đồng thời, cổ đông cũng thông qua việc bầu bà Phan Thị Thúy Hoa vào BKS nhiệm kỳ 2014 - 2019. Bà Hoa hiện là Phó giám đốc kế toán tài chính - Khối tổng hợp CTCP Hàng Tiêu Dùng Masan.

Trường Văn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư