Thị trường săm lốp: Áp lực cạnh tranh từ khối ngoại

Ngành săm lốp Việt Nam đóng góp đáng kể vào việc tiêu thụ cao su nguyên liệu và khai thác tối đa nhu cầu thị trường nội địa. Tuy nhiên, như ông Nguyễn Quốc Anh, Hội Cao su - Nhựa TP.HCM chia sẻ, ngành chủ lực này đang bị cạnh tranh từ Trung Quốc, Thái Lan. Hơn nữa, về lâu dài, khi giá cao su thiên nhiên tăng thì biên lợi nhuận của các DN ngành này sẽ giảm.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, vào cuối năm 2013, giá trị thị trường săm lốp Việt Nam (lốp ô tô, xe gắn máy, xe đạp) vào khoảng 17.890 tỷ đồng (tương đương 852 triệu USD) và dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) hằng năm trong giai đoạn 2013 - 2018 ở mức khoảng 6,9%.

Việc xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ô tô vào năm 2018 (theo lộ trình giảm thuế nội khối ASEAN) sẽ càng tác động đến nhu cầu sở hữu ô tô của người dân (dự báo đạt 2,2 triệu xe vào năm 2018), trong khi đó, xe gắn máy vẫn là phương tiện lưu thông chủ yếu của người Việt, chiếm trên 60% phương tiện lưu thông (tăng khoảng 3 triệu xe mỗi năm).

Đáng chú ý, trong năm 2015, các DN sản xuất săm lốp hưởng lợi nhiều từ giá cao su nguyên liệu giảm (cao su nguyên liệu chiếm 57% chi phí nguyện vật liệu, trong đó 34% là cao sự tự nhiên và 23% là cao su tổng hợp) và tiêu thụ ô tô tăng kỷ lục với gần 245.000 xe.

Casumina đang cạnh tranh quyết liệt với các DN FDI - Ảnh: Quý Hòa

Hội Cao su - Nhựa TP.HCM nhìn nhận, với thị trường săm lốp dành cho xe gắn máy, xe đạp, xe tải nặng (lốp Bias), xe chuyên dụng (lốp OTR, chủ yếu dành cho xe công trình) thì các nhà sản xuất của Việt Nam vẫn thống lĩnh thị trường, cụ thể là với Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) (nắm thị phần miền Trung và khách hàng DN đặc thù), Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) (thị trường miền Nam) và Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC) (thị trường miền Bắc).

Cả ba DN này đều do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối, từ 50 - 51%. Tuy nhiên, với phân khúc ô tô, động lực tăng trưởng chính của ngành săm lốp, các DN nội đang chịu sức ép khá lớn từ sản phẩm của các DN nước ngoài.

Theo đó, cả DRC, CSM và SRC đều chưa có thế mạnh trong phân khúc săm lốp dành cho ô tô, sử dụng săm lốp kỹ thuật cao với công nghệ lõi thép (Radial). Đây là "sân chơi" của những DN FDI hoặc các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, thậm chí là những sản phẩm tiểu ngạch từ Trung Quốc, chiếm đến 80% thị phần.

Để bắt kịp xu thế "Radial hóa" trong ngành săm lốp thế giới và xu hướng sử dụng lốp Radial ngày một gia tăng (phù hợp với mọi loại đường, nhất là cao tốc), từ năm 2014, CSM đã song song đưa giai đoạn 1 nhà máy sản xuất săm lốp Radial với công suất 1 triệu lốp/năm đi vào hoạt động.

Năm 2015, nhà máy này ước đạt công suất 350.000 chiếc và CSM tiến hành triển khai giai đoạn 2 với công suất 600.000 chiếc trong năm nay, dự kiến đến năm 2017, toàn bộ nhà máy sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, tính đến quý III/2015, sản lượng lốp Radial chỉ đạt 18.300 chiếc, dù mục tiêu của CSM là đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ đạt tối thiểu 100.000 chiếc trong năm 2015.

Đúng như thông điệp mà Ban giám đốc CSM chia sẻ khi tổng kết hoạt động của Công ty năm 2014, trong giai đoạn thực hiện mục tiêu dài hạn, kết quả sản xuất - kinh doanh sẽ giảm, lợi nhuận năm 2015 sẽ giảm so với 2014. Báo cáo tài chính năm 2015 của CSM cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Công ty đã giảm từ 330,9 tỷ đồng (năm 2014) xuống còn 289,9 tỷ đồng.

Được biết, trước CSM, năm 2013, DRC cũng đã đưa nhà máy sản xuất săm lốp ô tô toàn thép với công suất 600.000 lốp/năm vào sản xuất thương mại tại KCN Liên Chiểu (Đà Nẵng). Đây có thể xem là những khoản đầu tư nhắm đến chiến lược cạnh tranh dài hạn của DN săm lốp nội. Song, nếu so với một số DN FDI thì công suất vẫn còn khiêm tốn.

Cụ thể, với Bridgestone Việt Nam (Nhật Bản), cũng trong năm 2014, DN này đã khánh thành nhà máy sản xuất lốp xe đầu tiên tại Việt Nam, chủ yếu là lốp Radial cho ô tô, với công suất 24.700 lốp xe/ngày và toàn bộ sản phẩm dành cho XK, nhưng đến năm 2017, công suất sẽ đạt 49.000 lốp/ngày (tức mỗi năm đạt 17.885.000 lốp).

Đó là chưa kể nhà sản xuất lốp xe lớn nhất Hàn Quốc - Kumho Tire, khi hoàn thành việc mở rộng nhà máy ở Bình Dương (lốp xe du lịch, tải nhẹ và SUV) sẽ nâng công suất từ 3,1 triệu lốp/năm lên 6,3 triệu chiếc.

Dù phần lớn săm lốp Radial của các DN FDI hướng đến mục tiêu XK nhưng một khi nhu cầu của thị trường nội địa tăng mạnh thì chắc chắn sự xuất hiện của những tên tuổi này sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất săm lốp trong nước.

Ngay như Kumho Tire, dù 90% sản phẩm tại Việt Nam được xuất đi Mỹ, Úc... nhưng mỗi năm, thị trường nội địa cũng tiêu thụ hơn 200.000 lốp và DN này hiện có hệ thống phân phối khá tốt tại Việt Nam.

Song song với việc đầu tư công nghệ hiện đại cho khâu sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành, các DN săm lốp nội bắt đầu đặt trọng tâm vào thị trường XK nhằm đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ.

Điển hình như CSM, năm 2015, doanh thu XK của Công ty chiếm xấp xỉ 29% (gần 912 tỷ đồng/3.240 tỷ đồng doanh thu bán hàng) và trên 71% là doanh thu từ thị trường nội địa.

Thị trường XK chủ yếu của CSM là khu vực Đông Nam Á, Trung Đông... Đầu năm 2015, CSM đã ký hợp đồng trị giá 75 triệu USD với đối tác US Tirex phân phối độc quyền lốp Radial do CSM sản xuất tại thị trường Mỹ. Mục tiêu của CSM trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng XK sang châu Âu, khu vực Nam Á.

Nguyên Bảo
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn