Thương hiệu Việt có nguy cơ “bật gốc” tại siêu thị

Dù chưa đến thời điểm mở cửa hoàn toàn với hàng hóa nước ngoài theo khuôn khổ các hiệp định thương mại, nhưng hàng ngoại đã tràn ngập tại khắp các siêu thị, chợ truyền thống của người Việt.

Các chuyên gia cho rằng, thương hiệu Việt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang mất dần thương hiệu tại các siêu thị, thay vào đó là các mặt hàng của các công ty đa quốc gia và hàng nhãn riêng của siêu thị. Đặc biệt là hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt ưa thích bởi giá cả chỉ nhỉnh hơn hàng Việt và rẻ bằng một nửa so với hàng có xuất xứ Châu Âu, nhưng chất lượng lại không thua kém bao nhiêu.

Ảnh nguồn: Internet

Trong khi đó, sau gần 6 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự chuyển biến về ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong nhận thức của người tiêu dùng. Lượng hàng hóa Việt Nam sản xuất có chất lượng ngày càng nhiều, việc lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu vùng xa, các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, nơi có đông công nhân, người lao động đã được triển khai sâu rộng.

Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Đây là bước đi hợp lý khi tận dụng thế mạnh “bản xứ” và né đi mũi nhọn thế mạnh của hàng ngoại tập trung ở đô thị lớn.

Sau khi Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực đã mở tung cánh cửa tự do hóa toàn cầu, tạo điều kiện cho hàng hóa các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và ASEAN lưu thông, phát triển mạnh mẽ.

Giá cả giờ không còn là mối quan tâm duy nhất của người tiêu dùng, mà thay vào đó bằng chất lượng đang là công cụ cạnh tranh hữu hiệu.

Các doanh nghiệp (DN) ngoại của Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường đi theo đoàn, hội để “đánh” vào thị trường muốn tiếp cận. Họ tập hợp các DN lớn nhất, sản phẩm mạnh nhất để lên kế hoạch chiến đấu, họ thực hiện ồ ạt, tiến hành các chiến dịch quảng cáo, và hiện diện rầm rộ… làm cho DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam, kể cả các DN lớn đang phải chịu áp lực cạnh tranh về thị trường, giá và quảng cáo rất lớn từ nước ngoài. Trong khi đó, sản phẩm do các DN nội sản xuất chậm đổi mới mẫu mã, chất lượng không đồng đều, nên chỉ phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp.

Vì vậy, theo đại diện của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, giá cả giờ không còn là mối quan tâm duy nhất của người tiêu dùng, mà thay vào đó bằng chất lượng đang là công cụ cạnh tranh hữu hiệu. Chính vì thế, đối sách quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng hóa ngoại hiện nay của doanh nghiệp nội là cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả hơn nữa các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối.

Tuấn Minh
Nguồn Báo điện tử Tổ Quốc