Sữa ngoại chiếm hơn 60% thị phần

Tăng trưởng nhanh, cạnh tranh mạnh...

Dù thị trường đang gặp khó khăn nhưng sản phẩm sữa là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao trong ngành thực phẩm ở Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, từ đâu năm cho đến hết tháng 9 sản xuất sữa bột của Việt Nam luôn trong xu hướng tăng trưởng. Riêng tháng 9/2012, sản xuất sữa bột đạt khoảng 7,8 nghìn tấn, tăng 4% so với tháng 8.

Trên thị trường, sữa ngoại vẫn chiếm ưu thế với hơn 60% thị phần. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng năm 2012, Việt Nam đã chi 642,9 triệu USD để nhập khẩu sữa và sản phẩm , giảm 1% so với cùng kỳ năm 2011. Tính riêng tháng 9/2012, nhập khẩu mặt hàng này la 42,7 triệu USD, giảm 37,8% so với tháng 8/2012.

Đối với mặt hàng sữa tươi, phòng Tin Kinh tế Thương mại, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại công bố, hiện nay, sữa tươi trong nước mới chỉ đáp ứng 25% nhu cầu người tiêu dùng, ngoài ra là phải nhập khẩu từ thị trường nước ngoài.

Nhằm cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, các doanh nghiệp lớn trong ngành sữa như Vinamilk, Công ty TNHH Thực phẩm sữa và Nước giải khát Hancofood, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) cũng có nhiều cải tiến về mẫu mã và chất lượng sữa bột, tung ra nhiều sản phẩm cao cấp với giá cạnh tranh. Ở mảng sữa tươi, TH True Milk hiện đang chiếm 33% thị phần.

Tăng trưởng nhanh, thị trường sữa ở Việt Nam hiện cũng đang có sự cạnh tranh khốc liệt với cơ cấu đa dạng cả về sản phẩm hàng hóa và nhà cung cấp. Hiện tại, dù rất nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực này nhưng không có doanh nghiệp nào đủ mạnh để thống lĩnh thị trường.

Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu tăng đàn bò sữa lên 200 nghìn con vào năm 2010. Sản lượng sữa 377 nghìn tấn. Vì vậy, thị trường tiêu thụ các mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam với sức mua của gần 86 triệu dân đang có sức thu hút và là điểm đến của các tập đoàn sữa lớn trên thế giới.

... Nhưng lại không có lợi

Trên lý thuyết, việc thị phần sữa cạnh tranh khốc liệt sẽ đem lại nhiều cái lợi cho người dùng. Tuy nhiên, báo cáo của tổ chức Thống nhất, Tín thác và Bảo vệ Người tiêu dùng (CUTS) đưa ra lại cho thấy điều ngược lại tại Việt Nam. Dù có rât nhiều hãng và sản phẩm cạnh tranh nhau, NTD vẫn thiếu thông tin về giá cả, đặc biệt về chất lượng sản phẩm. Giá sữa ở Việt Nam thì luôn được dự báo là giá tháng sau sẽ cao hơn tháng trước, còn hệ thống phân phối lại phân tán và thiếu tổ chức.

Dù có rât nhiều hãng và sản phẩm cạnh tranh nhau, NTD vẫn thiếu thông tin về giá cả, đặc biệt về chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Cung, viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá thị trường sữa Việt Nam thiếu trầm trọng thông tin. NTD chủ yếu tiếp cận với các quảng cáo được nhà sản xuất đưa ra để bán được hàng, chứ hoàn toàn thiếu căn cứ lựa chọn sản phẩm.Thông tin về chủng loại và chất lượng sữa rất mù mờ, dẫn đến những quảng cáo sai sự thật hay cạnh tranh không lành mạnh. Tin đồn về việc có đỉa hay trong sinh vật lạ trong sữa thời gian qua là những ví dụ điển hình.

Trong một cuộc hội thảo Quốc tế về sữa, bà Thái Hương, chủ tịch tập đoàn TH, sở hữu thương hiệu sữa TH True Milk nhận định: “Đã đến lúc chúng ta cần minh bạch thông tin về sữa để người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm tốt nhất”.

Theo bà Thái Hương, chất lượng sản phẩm sữa phụ thuộc rất lớn vào yếu tố nguyên liệu đầu vào (sữa tươi hay sữa bột), song quy định của Việt Nam chỉ có khái niệm chung về các loại sữa tiệt trùng với nội dung chưa rõ ràng.

Theo bà Hương, các cơ quan chức năng sớm xem xét, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy định cụ thể về quy cách đặt tên sản phẩm thế là “sữa tươi”, “sữa hoàn nguyên”, cũng như cần ban hành và định nghĩa rõ ràng các tiêu chí về dòng sữa nước.

“Các cơ quan chức năng nên có quy định là nhà sản xuất sữa phải có trách nhiệm ghi rõ các thông tin về sản phẩm sữa trên bao bì để người tiêu dùng lựa chọn”, Chủ tịch Tập đoàn TH kiến nghị.

Nguồn Dùng hàng Việt