Nước đi mạo hiểm của Thế giới di động

Sau khi cán đích doanh thu 1 tỷ USD năm 2015, Thế giới di động (TGDĐ) hăm hở tham gia vào lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm và làm thương mại điện tử.

Khi tuyên bố sẽ “xé rào điện máy” và xây dựng TGDĐ thành tập đoàn bán lẻ đa ngành, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TGDĐ cho hay: “Những ý tưởng mới đã bắt đầu thành hình. Tuyên bố rồi coi như đã leo lên lưng cọp, phải làm và cố gắng làm sao cho thật tốt”.

Trong những năm qua, kết quả hoạt động kinh doanh của TGDĐ là rất ấn tượng, cho dù nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa khởi sắc: vươn lên vị trí dẫn đầu về phân phối điện thoại di động tại Việt Nam với 35% thị phần. Tuy vậy, sau khi đạt được doanh thu 1 tỷ USD thì việc giữ vững thành tích này cũng là nhiệm vụ không hề đơn giản.

Chỉ trong năm nay, TGDĐ sẽ nâng tổng số cửa hàng lên gần gấp đôi so với hiện nay, đạt 1.000 cửa hàng

Tham vọng ngàn cửa hàng

Một doanh nghiệp nhà nước lớn như Vinamilk mất khoảng 10 năm để cán đích doanh thu 1 tỷ đô thì TGDĐ cũng mất chừng đó thời gian để hoàn thành mục tiêu này. TGDĐ đang bay cao nhờ đôi cánh Thegioididong và siêu thị Điện Máy Xanh. Chiến lược dễ nhận thấy của TGDĐ thời gian qua là gia tăng các cửa hàng và siêu thị này càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng hay. Tốc độ mở cửa hàng của hãng này cũng tăng trưởng tỷ lệ thuận với doanh thu. Tính đến cuối năm 2015, TGDĐ có 633 siêu thị đang hoạt động. Trong đó, chuỗi Thegioididong là 564 siêu thị và Dienmayxanh có 69 siêu thị. Kết thúc năm 2015, doanh thu của TGDĐ đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với mức doanh thu 15,8 nghìn tỷ đồng năm 2014. Trong đó, chuỗi cửa hàng TGDĐ đạt doanh thu 20.769 tỷ đồng, Điện máy Xanh cũng bứt phá khá mạnh, đạt doanh thu 4.482 tỷ đồng, tăng trưởng tới 250%.

Trước mắt, việc tiếp tục gia tăng các cửa hàng để “bảo vệ” mức doanh thu đang được TGDĐ thực hiện triệt để. Năm 2016, lãnh đạo TGDĐ cho biết, sẽ phát triển số cửa hàng lên tới con số 1.000. Như vậy, số cửa hàng công ty này cần phải mở trong 1 năm bằng số cửa hàng mà công ty có được từ năm 2008 đến nay. Một con số nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người!

Diễn biến thực tế cho thấy doanh thu, lợi nhuận của mỗi cửa hàng từ năm 2011 đến 2014 đều tăng, nhưng đến hết 11 tháng của năm 2015, những chỉ số này đã giảm, trong khi dự kiến số lượng cửa hàng gia tăng sẽ tạo nên sức ép không nhỏ đối với việc duy trì doanh thu và lợi nhuận đều đặn.

Ông Doanh lý giải: “Các cửa hàng mở ra phải có lãi, chứ chúng tôi không có khái niệm cửa hàng bán lỗ vốn. Mà nếu không mở thêm cửa hàng, để thị phần bị mất đi thì cũng không ổn”.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc TGDĐ. Ảnh: Việt Dũng.

Các chỉ số thể hiện năng lực quản lý và hoạt động của TGDĐ hiện thuộc loại cao nhất trên thị trường hiện nay với ROE và ROIC bình quân trong 3 năm lần lượt lên tới 50% và 52%. Vòng quay các khoản tồn kho hơn 7 lần trong năm, tương đương mức 50 ngày, vượt xa tiêu chuẩn 70 ngày của ngành này trên thế giới. Kỳ thu tiền bình quân chỉ 8 ngày, cho thấy mức độ thanh khoản của TGDĐ rất lớn.

Dù có những “đảm bảo” khả quan như trên, nhưng những tuyên bố về tập đoàn bán lẻ đa ngành cũng như đưa hoạt động kinh doanh vượt qua biên giới Việt Nam vẫn khiến cho không ít cổ đông của công ty lo ngại.

Bão hòa nên tính đường mở rộng?

Cuối năm 2015, thị trường bán lẻ xôn xao việc TGDĐ lấn sân sang kinh doanh thực phẩm. Điều khiến TGDĐ tự tin chính là sự thành công của hai chuỗi bán lẻ trước đó. Chuỗi Bách Hóa Xanh ra đời là bước đầu tiên để thực hiện kế hoạch “3 thách thức” trong vòng 5 năm tới.

Cụ thể, việc đầu tiên là xây dựng TGDĐ trở thành một tập đoàn bán lẻ đa ngành. Thách thức thứ hai là đưa hoạt động kinh doanh sang các nước Đông Dương và Myanmar. Thách thức thứ ba chính là thực sự trở thành một doanh nghiệp thương mại điện tử lớn. Mới đây trao đổi với báo chí, ông Trần Kinh Doanh cho hay: “Trong thời gian tới, thị phần của TGDĐ có thể sẽ là 50%; còn Điện Máy Xanh nếu duy trì mức độ tăng trưởng như hiện nay thì việc có được 20% thị phần cũng không khó. Chuỗi mới Bách Hóa Xanh chủ yếu nhắm vào bán lẻ nhu yếu phẩm. Khi được hoàn thiện thì có thể gọi TGDĐ là công ty bán lẻ đa ngành một cách chuẩn xác nhất. Đây cũng là thách thức đầu tiên trong kế hoạch 5 năm tới mà TGDĐ chinh phục”.

Hiện nay, tăng trưởng của hai hệ thống bán lẻ điện thoại và điện máy của TGDĐ đang đến chủ yếu từ việc mở rộng hệ thống cửa hàng, song hệ thống này đang đến ngưỡng bão hòa về tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, tăng trưởng của hai hệ thống bán lẻ điện thoại và điện máy của TGDĐ đang đến chủ yếu từ việc mở rộng hệ thống cửa hàng, song hệ thống này đang đến ngưỡng bão hòa về tăng trưởng. Như vậy, việc mở rộng ngành nghề kinh doanh chính là bước chuẩn bị cho thời kỳ tăng trưởng không còn thần kỳ như trước.

Chưa bàn đến các kế hoạch “xuất ngoại” và thương mại điện tử, kinh doanh nhu yếu phẩm cũng là một thử thách không hề nhỏ đối với TGDĐ. Theo mục tiêu của lãnh đạo công ty, Bách Hóa Xanh sẽ tạo ra động lực tăng trưởng cho công ty giai đoạn 2017 – 2020. Hiện nay đã có khoảng 13 cửa hàng, trong năm 2016 sẽ được tập trung để hoàn thiện và vận hành trơn tru, sau đó mới mở rộng số lượng và thực hiện kế hoạch cụ thể về doanh thu. Hiện tại thị trường chưa ghi nhận một động thái rõ ràng nào về việc phát triển chuỗi này.

Trong khi đó, theo giới chuyên môn, muốn thành công trong lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm thì gia tăng số lượng cửa hàng là chưa đủ. Điều quan trọng nhất chính là thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp thất bại trong nỗ lực này.

Dù vậy, TGDĐ vẫn tự tin khi cho rằng, hiện tất cả các nhà cung ứng bán lẻ hiện đại (siêu thị, đại siêu thị) mới chiếm 15 – 20% thị phần; còn thị phần, cửa hàng tiện lợi hầu như vẫn rất nhỏ bé. Như vậy, Bách Hóa Xanh còn rất nhiều cơ hội.

Lý thuyết là vậy, nhưng ở một góc nhìn khác, một chuyên gia thị trường chia sẻ: “Cơ sở để TGDĐ tự tin chính là kinh nghiệm quản lý chuỗi di động và điện máy. Nhưng kinh doanh nhu yếu phẩm thì nguồn hàng cung ứng rất khác biệt và làm chủ được nguồn cung ứng là không dễ dàng. Bên cạnh đó, sức ép từ các đối thủ khác là rất lớn, nhất là những đối thủ có nguồn vốn mạnh, đặc biệt là chủ động được nguồn nguyên liệu”.

Bình Nguyên
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp