Sapporo Việt Nam: “Cạnh tranh với Heineken chưa bao giờ là dễ dàng”

Đây là chia sẻ của ông Mikio Masawaki, Tổng giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam khi nói về môi trường cạnh tranh thị phần bia tại Việt Nam.

Hồi đầu tháng 10 năm ngoái, Vinataba thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 29% cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Sapporo Việt Nam (SVL) cho Sapporo International Inc (Nhật Bản).

Theo đó, sau thương vụ này, SVL chính thức trở thành công ty 100% vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư Nhật Bản.

Lãnh đạo công ty cho biết, chính thức đi vào hoạt động nhà máy tháng 11/2011, nhưng đến nay, sau hơn 4 năm, Sapporo Việt Nam vẫn chưa có lãi. Nguyên nhân là do công ty còn đang tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu.

Vậy, chiến lược sắp tới của Sapporo Việt Nam là gì? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Mikio Masawaki, Tổng giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam.

Mikio Masawaki

Ông Mikio Masawaki, Tổng giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam.

* Thị phần bia Sapporo tại Việt Nam đang là bao nhiêu, thưa ông?

Tại TP.HCM, chúng tôi cho rằng mình đang ở vị trí thứ ba, chỉ sau Sabeco và VBL. Về thị phần cụ thể, chúng tôi hiện chưa có thông kê chính thức.

Hiện Sapporo đang chiếm thị phần còn khiêm tốn trên thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi đang đi vào từng phân khúc cụ thể và từng phân khúc đó chúng tôi đang đẩy mạnh thị phần và hình ảnh của mình.

* Vậy chiến lược kinh doanh trong thời gian tới của công ty là gì?

Sapporo sẽ tăng cường mức độ nhận diện thương hiệu qua các hoạt động tương tác với khách hàng. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng mạng lưới phân phối. Cụ thể, theo khảo sát nội bộ của chúng tôi, Sapporo hiện chiếm 10% thị phần tại các kênh nhà hàng-khách sạn ở khu vực trung tâm TP.HCM.

Trong năm 2016 chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tăng con số này lên gấp đôi. Sapporo cũng đang thực hiện từng bước nâng tổng số điểm bán từ 4.000 hiện nay lên 7.000, mở rộng từ TP.HCM, Hà Nội hiện nay ra Đà Nẵng, Nha Trang...

Nói cách khác, chúng tôi đang tập trung từng phân khúc với mục tiêu làm sao để từng phân khúc phải tạo ra hình ảnh Sapporo thật tốt. Từ đó, dần dần sẽ mở rộng và khuếch trương sang những phân khúc khác. Đó chính là bước đi dài hạn của Sapporo tại Việt Nam.

Ảnh: Vietnamnet

* Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng cuộc chiến của các sản phẩm đồ uống là cuộc chiến về chiếm lĩnh kênh phân phối. Nhưng bên cạnh đó, cuộc chiến của thương hiệu trong bất cứ lĩnh vực nào là cuộc chiến về “định vị” và khả năng liên tưởng tới thương hiệu của khách hàng?

Hiện các doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt để giữ được thị phần, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp như Sapporo, Heineken, Budweiser,...

Heineken và Budweiser là các công ty bia lớn trên thế giới, có tiềm lực tài chính mạnh, do đó việc cạnh tranh với các đơn vị này không bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, Sapporo có 140 năm lịch sử. Hơn nữa, chúng tôi định vị mình ở một phân khúc riêng, và do đó tự tin rằng sẽ nhận được sự ủng hộ của khách hàng.

* Rất nhiều các doanh nghiệp bia ngoại chọn cách mở rộng thị trường bằng cách mua lại các doanh nghiệp bia nội? Liệu bia Sapporo Việt Nam có chọn cách đi tương tự?

Hiện nay chúng tôi không quan tâm đến việc mua cổ phần của các doanh nghiệp bia nội.

* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường bia Việt Nam?

Tại Việt Nam, thị trường bia trong 5 năm, 10 năm trước tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên trong vài năm sắp tới, tốc độ tăng trưởng có thể ổn định hơn, theo tôi ở mức 7-8% mỗi năm.

Theo dự báo, trong 5 năm tới, GDP sẽ có mức tăng khoảng 6,5 - 7%/năm. Theo kết quả khảo sát của AC Nielsen, tầng lớp trung lưu sẽ tăng từ 8 triệu (2012) lên khoảng 40 triệu vào năm 2020. Đây là một trong những yếu tố giúp khẳng định phân khúc bia cao cấp sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.

Ảnh: Headhunt VietNam

Dạo gần đây, thị trường có những bước phát triển đáng chú ý, đặc biệt ở phân khúc bia cao cấp và cận cao cấp. Theo số liệu dự báo cho thấy, hai phân khúc này sẽ tăng lên 70% vào năm 2020 so với 55% hiện nay.

Cụ thể trong tương lai, xu hướng thị trường sẽ là ưu tiên chọn sản phẩm có chất lượng, an toàn và an tâm nhằm phục vụ cho mức sống ngày càng cao của người dân.

* Vậy ông nhận định thế nào về môi trường kinh doanh ngành bia tại Việt Nam những năm tới đây?

Môi trường kinh doanh, đặc biệt ở ngành bia, đương nhiên sẽ ngày càng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh tích cực, điều này sẽ tạo ra sự đa dạng hóa cho thị trường, mang lại nhiều giá trị mới mẻ cho khách hàng. Dù có không ít thách thức, nhưng Sapporo rất háo hức để tham gia thị trường năng động này.

Mặt khác, về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi kỳ vọng sẽ có một môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng, bảo đảm được quyền lợi của các nhà sản xuất làm ăn chính đáng.

* Xin cám ơn ông!

Trần Thúy
Nguồn Biz Live