Thị trường cà phê: Bước vào cuộc cạnh tranh mới

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá cà phê Robusta năm 2016 sẽ giảm 10% so với năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, giá cà phê Robusta sẽ giảm 3% trong năm 2016 và giảm mạnh hơn ở các năm tiếp theo.

Đó là lý do các doanh nghiệp (DN) tập trung vào cà phê hòa tan, rang xay cung ứng cho thị trường nội địa.

Tại "Diễn đàn Triển vọng và Phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015" diễn ra tại TP.HCM đầu tháng 12/2015, nhiều ý kiến khẳng định, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng thị phần xuất khẩu mất 4% so với cùng kỳ trước đó, từ 22% xuống còn 18% trong niên vụ 2014 - 2015.

Lý do thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm là do giá cà phê ở các nước có giá cạnh tranh trong khi đó, sản lượng và chất lượng cà phê của Việt Nam vẫn bấp bênh.

Cà phê tiêu thụ trong nước đang tăng

Cà phê xuất khẩu giảm, nhưng ước tính cà phê tiêu thụ trong nước lại tăng theo tỷ lệ 2/3 cà phê rang xay và 1/3 là cà phê hòa tan do nhu cầu ngày càng tăng của dân số trẻ. Chỉ cần 20% dân số Việt Nam uống mỗi ngày một ly cà phê thì mức tăng trưởng cà phê sẽ là 15% vào năm 2020.

Theo khảo sát của Euromonitor, chỉ tính riêng cà phê hòa tan G7 của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, năm nay có thể đạt doanh thu khoảng 185 tỷ đồng.

Cũng theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường này, doanh thu bán lẻ cà phê hòa tan tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 đạt từ 2.400 đến trên 3.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 18,5%/năm.

Với dự báo khả quan, thị trường cà phê rang xay, hòa tan đang trở nên cạnh tranh, nhất là khi nhiều DN lớn đã mở rộng nhà máy, tung ra các dòng cà phê riêng biệt.

Đơn cử, Nestlé Việt Nam đã khai trương nhà máy tại Trị An, Đồng Nai trị giá 80 triệu USD để sản xuất cà phê lọc caffeine. Neumann Gruppe của Đức xây dựng nhà máy thứ 2 tại Phước An, Đồng Nai với vốn đầu tư 12 triệu USD, xử lý 26 tấn cà phê/giờ.

Massimo Zanetti Beverage Group (MZB Group) khai trương nhà máy rang xay cà phê đầu tiên tại Việt Nam ở KCN Mỹ Phước III, Bình Dương. Công ty Intimex cũng mở nhà máy chế biến cà phê nhân tại KCN Mỹ Phước II với công suất tối đa 90.000 tấn/năm.

Dù Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng thị phần xuất khẩu mất 4% so với cùng kỳ trước đó, từ 22% xuống còn 18% trong niên vụ 2014 - 2015.

Là đơn vị xuất khẩu "cà phê xanh" đạt sản lượng tới 50.000 tấn/năm, ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh nhận định, thị trường nội địa còn nhiều thị phần cho cà phê thành phẩm. Song, muốn đi vào phân khúc này thì phải tạo ra được sản phẩm khác biệt.

Ông nói: "Có một nghịch lý là Việt Nam là nước xuất khẩu 20% lượng cà phê phục vụ toàn cầu, nhưng dân mình lại ít uống cà phê nguyên chất. Nghịch lý đó đã dẫn tôi đến quyết định vừa tiếp tục xuất khẩu, vừa tham gia sản xuất và chế biến sâu các loại cà phê hòa tan và rang xay, nhưng hướng đi của Phúc Sinh là cà phê nguyên chất 100% với các dòng sản phẩm như K-Cofee Black, K-Coffee Light, cà phê hòa tan 3 trong 1 K- Coffee Delight và 2 trong 1 K-Coffee Black".

Bà Phạm Thị Bích Hà - Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Thực phẩm Sơn Lâm (Solafood) cũng cho rằng, "sân nhà” vẫn còn rất rộng cho DN đầu tư vào dòng cà phê rang xay, hòa tan. Và để tìm "nét riêng", Solafood chọn hướng đi vào cà phê nguyên chất rang xay.

Được xem là "ông lớn" trong ngành cà phê rang xay và hòa tan, Vinacafé cũng không bỏ qua phân khúc này khi ra mắt thương hiệu Vinacafé CHẤT - Sài Gòn cà phê sữa đá.

Đây là sản phẩm được áp dụng công nghệ đột phá với cà phê được làm hoàn toàn từ 100% nước cốt đầu tiên của cà phê rang xay mô phỏng như pha phin.

Ngay như Starbucks cũng không bỏ qua thị phần hấp dẫn này bằng việc ra mắt cà phê rang xay Starbucks Reserve. Bà Patricia Marques - Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, cho biết: "Đây là loại cà phê từ vùng Cầu Đất, Đà Lạt được Công ty hợp tác 7 năm qua với nông dân và các nhà phân phối".

Cũng là cà phê rang xay nguyên chất nhưng hướng đi của Starbucks là dùng cà phê Arabica, không phải là cà phê Robusta mà Việt Nam được biết đến như nước xuất khẩu thô lớn thứ 2 trên toàn cầu.

Trong khi đó, từ thành công với chuỗi cửa hàng cà phê Passio, ông Đoàn Đình Hoàng cho ra đời cà phê túi lọc Passio, một loại cà phê tươi nguyên chất, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy chọn hướng đi khác biệt, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho cà phê nguyên chất 100% không dễ. Bà Patricia Marques, cho biết: "Việt Nam từ xưa đến nay trồng cà phê Robusta rất nhiều nhưng Arabica rất ít. Số cà phê Đà Lạt chúng tôi thu mua được mới đủ để cung cấp 4 tháng bán hàng tại Việt Nam và 2 tháng trên thế giới".

Ông Thông cũng cho biết: "Để có sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá hợp lý, chúng tôi phải đầu tư sản xuất với chi phí không nhỏ. Tuy nhiên, do sản lượng ban đầu còn ít nên giá thành cà phê Phúc Sinh còn khá cao. Vì vậy, chúng tôi phải có chiến lược cho người uống cà phê dùng thử và phân biệt hương vị cà phê pha với cà phê nguyên chất. "Thẩm thấu" từ từ, sẽ đến lúc người uống cà phê thay đổi gu. Tất nhiên, con đường này không hề nhanh và dễ dàng".

Ông Đoàn Đình Hoàng cũng thừa nhận: "Hiện nay, cà phê túi lọc của Passio vẫn chỉ bán ở chuỗi cửa hàng Passio cho người mua có nhu cầu, còn sản xuất quy mô lớn hay cà phê rang xay đóng gói thì chưa, bởi muốn đầu tư sâu đòi hỏi phải có chi phí lớn cho nhà máy, hệ thống phân phối, nhân viên bán hàng".

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn