Ngành sữa thời TPP: Liệu doanh nghiệp nội có đủ lực?

Hiệp định TPP sẽ là cú hích đáng kể cho các thương hiệu sữa quốc tế tại Việt Nam. Ngành sữa nội đang chuẩn bị ra sao cho cuộc chiến mới?

Dưới tác động của TPP, các doanh nghiệp ngành sữa nội địa được dự báo sẽ kém thuận buồm xuôi gió. Còn người nông dân, vốn lấy chuyện nuôi bò làm niềm vui, cũng bỗng chốc sẽ trở thành đối tượng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Khi TPP có hiệu lực vào năm 2018, nghĩa là sẽ không còn bao lâu nữa, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đánh giá Việt Nam sẽ phải mở toang cánh cửa mậu dịch, đón dòng chảy sản phẩm của các nước trong khối TPP tràn vào. Điều đó cũng có nghĩa ngành sữa, một mắt xích quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam, sẽ phải đương đầu với cuộc tấn công khốc liệt và trực diện từ các “ông hoàng” sữa thế giới, đặc biệt là Mỹ, Úc và New Zealand.

Không cần đợi đến TPP mà ngay bây giờ, ở phân khúc sản phẩm giá trị cao là sữa bột, các công ty ngoại cũng đang làm mưa làm gió trên thị trường. Thống kê năm 2013 của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor chỉ ra rằng, các hãng ngoại chiếm khoảng 75% thị phần sữa bột, dẫn đầu là Abbott, tiếp theo là Mead Johnson, Dutch Lady, Dumex, Nestlé. Chỉ duy nhất niềm tự hào của Việt Nam, Công ty Vinamilk, có đủ khả năng cạnh tranh với thị phần xấp xỉ 25%.

Thị phần các nhãn sữa lớn tại Việt Nam năm 2013

Cũng may thay, trong phân khúc quan trọng khác là sữa nước (sản phẩm chủ lực của ngành sữa), các công ty Việt Nam đang tạm thời chiếm ưu thế với gần 50% thị phần trong tay “ông lớn” Vinamilk. Bên cạnh đó, ưu thế về chi phí và thời gian bảo quản cũng đang giúp các công ty Việt Nam làm chủ thị trường trong nhiều nhóm sản phẩm liên quan đến sữa khác như sữa thanh trùng, sữa chua, sữa đặc có đường, với hàng loạt các thương hiệu nội địa như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu, Ba Vì, Dalatmilk, Lothamilk, Vixumilk, Nutifood.

Dù vậy, khi TPP có hiệu lực, không ai có thể đoan chắc các công ty sữa nội sẽ đủ lực để duy trì phong độ. “Giảm 3% thuế cho sữa nguyên liệu không thấm gì với doanh nghiệp sản xuất, nhưng giảm 7-10% thuế với sữa thành phẩm thì sữa ngoại chắc chắn có lý do để đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam”, ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hancofood, chia sẻ với báo chí.

Đơn giản vì ngành sữa tại Việt Nam quá hấp dẫn về tiềm năng, với thị trường trên 90 triệu người và tốc độ tăng dân số cao, khoảng 1,2%/năm. Hãng nghiên cứu The Neilsen đưa ra thông tin, trong ngân sách người tiêu dùng chi cho mặt hàng tiêu dùng ở thành thị thì sữa chiếm 32%. Còn Euromonitor ước lượng, doanh thu ngành sữa Việt Nam năm 2015 đạt trên 4 tỉ USD, tức tăng khoảng 23%.

Vài năm tới, ngành sữa sẽ còn tiếp tục phát huy tiềm năng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này bình quân đầu người tăng trưởng khoảng 9%/năm (tương đương từ mức 18 lít/người/năm trong năm 2013 lên 27-28 lít/người/năm trong năm 2020), theo Cục Chăn nuôi Việt Nam. Con số này so ra vẫn thấp hơn Singapore (45 lít) hoặc Thái Lan (35 lít). Sự so sánh về tiềm năng giữa các nước đặt trong bối cảnh thuế quan được gỡ bỏ sẽ là động lực để các công ty sữa thế giới suy tính lại bài toán ưu tiên thâm nhập thị trường Việt Nam thời hậu TPP. Câu hỏi đặt ra là sức mạnh và khả năng tồn tại của doanh nghiệp Việt đến đâu trong cuộc chơi này?

Tăng trưởng doanh thu ngành sữa Việt Nam

Khối ngoại thị uy

Như đã đề cập, sức hấp dẫn của ngành sữa hiện tập trung ở 2 mảng sữa bột và sữa nước, chiếm khoảng 74% giá trị toàn ngành (theo báo cáo của The Neilsen). Trong khi khối ngoại giành phần lớn ở thị trường sữa bột thì ở thị trường sữa nước, họ cũng bám theo các doanh nghiệp nội địa.

Bằng chứng là FrieslandCampina đang theo sát Vinamilk về mảng sữa nước. Và ở lĩnh vực này, Việt Nam phải đối mặt với quá nhiều mối lo.

Một số chuyên gia nhận định, sữa tươi 100% nguyên chất ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, do số lượng đàn bò nội địa chỉ đủ cung cấp khoảng 30% nhu cầu cả nước. Ngay cả trong lượng sữa tươi thu mua của nông hộ thì 20-50% sữa đã không đạt chất lượng như yêu cầu (theo Báo cáo từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn). Ngoài ra, nguồn sữa tươi thu mua còn phải dùng vào nhiều sản phẩm khác, chứ không chỉ phục vụ riêng cho sản xuất sữa nước.

Như vậy, việc thiếu hụt 70% lượng sữa cho chế biến và tiêu thụ đã khiến Việt Nam phải gia nhập nhóm 20 nước nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới. New Zealand hiện đứng đầu danh sách các nhà cung cấp sữa cho Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta còn nhập khẩu sữa từ Mỹ, Úc và các nước châu Âu. Điều này ít nhiều đẩy ngành sữa Việt Nam vào thế phụ thuộc và rủi ro, đồng thời đẩy thế chủ động về khối ngoại.

Mặt khác, giá sữa ở Việt Nam cũng chưa được điều chỉnh giảm do còn chịu tác động của các chi phí đầu vào (điện, nước, lương nhân công) và biến động tỉ giá lớn. Chi phí quảng cáo, trưng bày, chiết khấu đại lý cũng được xem là những nhân tố ảnh hưởng đến giá thành sữa. Theo Euromonitor, chi phí trung bình của sữa thành phẩm ở Việt Nam hiện khoảng 1,4 USD/lít, vẫn cao hơn mức 1,2-1,3 USD/lít ở New Zealand và Úc.

Theo Euromonitor, chi phí trung bình của sữa thành phẩm ở Việt Nam hiện khoảng 1,4 USD/lít, vẫn cao hơn mức 1,2-1,3 USD/lít ở New Zealand và Úc.

Như vậy, về chất lượng lẫn giá cả, sữa ngoại đang có lợi thế. Khi TPP và các hiệp định thương mại khác được thực thi, lợi thế này được dự báo sẽ càng lớn. Hãng tin Bloomberg đánh giá, ngành công nghiệp sữa của New Zealand có thể tiết kiệm được 102 triệu USD mỗi năm nhờ việc giảm và xóa bỏ thuế sau TPP.

Bên cạnh đó, các “anh tài” thế giới trong ngành sữa cũng khá chịu chơi khi đầu tư rất mạnh về tiếp thị để giành lấy phần thắng. Cách đây vài năm, theo một kết quả thanh tra giá cả của Bộ Tài chính, không ít hãng sữa ngoại đã chi cho quảng cáo gấp đến 4 lần mức cho phép.

Nhờ mức độ phủ sóng dày đặc trên các kênh quảng cáo truyền thông và các chương trình khuyến mãi rầm rộ, hầu hết người Việt Nam đều quen thuộc với các nhãn sữa quốc tế của của Abbott (Similac, Gain), FrieslandCampina (Cô gái Hà Lan, Friso, YoMost) hay Mead Johnson (Anfa). Đặc biệt, FrieslandCampina Việt Nam còn mạnh tay tổ chức đào tạo huấn luyện nhà phân phối, kết hợp với ngân hàng để tài trợ luôn vốn cho họ. Từ năm 2009, FrieslandCampina Việt Nam đã “đào” được một hệ thống kênh mạnh với 150 nhà phân phối và 100.000 điểm bán lẻ tại Việt Nam. Còn Abbott tiến thêm một bước khi thâu tóm nhà phân phối độc quyền là Công ty Dinh Dưỡng 3A vào năm 2012.

Khối nội tìm đường bứt phá

Dĩ nhiên, “anh cả” Vinamilk vẫn được khối ngoại xem là đối trọng lớn nhất. Vinamilk đang phát triển 9 trang trại quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, New Zealand và Mỹ. Sắp tới, công ty này sẽ đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại nữa. Họ còn liên kết với gần 8.000 hộ dân, thu mua sản lượng bình quân khoảng 500 tấn sữa/ngày. Trong cuộc chơi TPP, đại diện của Vinamilk cũng cho rằng, sức ép bao hàm trong nhiều yếu tố. Vinamilk đã lưu ý điều này với cả người nông dân và cho biết đang cùng họ cải tiến tiêu chuẩn hoạt động để cả Công ty lẫn người nông dân đủ sức theo đuổi cuộc chiến này.

Vinamilk cũng được biết đến là một công ty không ngần ngại chi tiền cho quảng cáo, với chi phí tăng mạnh qua từng năm, từ mức quảng cáo/doanh thu chiếm 1,85% (năm 2011) lên đến 4,15% (9 tháng đầu năm 2015). Sự gia tăng này, mặt khác, cũng phản ánh thực trạng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa.

Trong tư duy đối với TPP, Vinamilk không còn bó gọn ở thị trường nội địa. Họ đã đặt mục tiêu trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số hơn 3 tỉ USD. Công ty này phải suy tính nhiều giải pháp mang tính toàn cầu hóa, như rót vốn vào nhà máy Miraka ở New Zealand, sở hữu 70% cổ phần của nhà máy sữa Driftwood (Mỹ), đầu tư ở Ba Lan và đầu tư nhà máy tại Campuchia. Với việc phục hồi thị trường Iraq (thị trường xuất khẩu chính của Vinamilk) cùng kế hoạch thâm nhập thị trường Myanmar, doanh thu mảng xuất khẩu của Công ty trong năm 2016 có thể tăng 20% so với cùng kỳ, góp 22% vào tổng doanh thu.

Vinamilk đang giữ gần 50% thị phần trong phân khúc sữa nước tại Việt Nam - Ảnh: SGGP

Một công ty nội địa khác là TH True Milk cũng đang phấn khích tham gia vào cuộc đua mở rộng quy mô khi đầu tư 1,2 tỉ USD cho chuỗi sản xuất khép kín, gồm trang trại bò sữa, nhà máy và kênh phân phối. Tham vọng của công ty này là đến năm 2017, sẽ có khả năng cung cấp 50% nguyên liệu sữa tươi. Nhưng với số lượng bò chỉ mới đạt 1/3 kế hoạch và thị phần sữa nước còn khiêm tốn (7,7%), TH True Milk có lẽ sẽ rất áp lực, nhất là thời gian đến khi TPP có hiệu lực không còn nhiều. Gần đây, họ vừa tuyên bố đầu tư 2,7 tỉ USD vào chuỗi sản xuất khép kín tại Nga, nhưng hiệu quả thì chưa thể đánh giá.

Đối với các công ty quy mô nhỏ hơn như Nutifood, cách phát triển vùng nguyên liệu và bắt tay qua lại sẽ là chiến lược ưu tiên trong mục tiêu sống còn. Nutifood kết hợp cùng Hoàng Anh Gia Lai trong dự án phát triển vùng nguyên liệu sữa, giúp giá sữa dự kiến chỉ bằng một nửa so với giá thị trường. Nutifood sẽ đầu tư nhà máy, bao tiêu sữa của Hoàng Anh Gia Lai.

Trong khi đó, Công ty Sữa Quốc tế (IDP) định hướng phát triển theo hướng hợp tác với đối tác Úc để làm sữa tươi nguyên chất. Bởi trong các chia sẻ của mình, Tổng Giám đốc IDP Trần Bảo Minh luôn nhấn mạnh, trừ một số vùng như Ba Vì, điều kiện tự nhiên ở Việt Nam ít thích hợp với nuôi bò sữa. Cốt lõi trong cuộc cạnh tranh lớn là từ vùng nguyên liệu và trình độ của người nông dân. Một lần nữa, các chuyên gia rất lưu tâm về viễn cảnh nông dân có thể phải đối mặt với việc rời bỏ sân chơi bò sữa khi sữa nguyên liệu ngoại nhập dự báo sẽ giảm giá và tràn vào Việt Nam sau TPP.

Trước sức tấn công của sữa ngoại, những công ty quy mô nhỏ như IDP cũng đang tìm kiếm thêm cơ hội từ những sản phẩm sữa mới, khác biệt, chất lượng. Thực tế chứng minh việc tập trung vào nhóm các ngành sữa khác như sữa đậu nành, sữa bắp là cách để các công ty đi sau, quy mô nhỏ hơn, có được chỗ đứng trên thị trường.

Ngọc Thủy
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư