Masan, Singha và chiến lược bành trướng Đông Nam Á
Không chỉ có thị trường Việt Nam và Thái Lan, “liên minh” Masan - Singha còn nhắm đến 250 triệu dân ở khu vực Inland ASEAN (Việt, Thái, Lào, Campuchia, Myanmar).
Một trong những thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay trong ngành thức uống và thực phẩm đã xuất hiện khi tập đoàn bia và đồ uống nổi tiếng của Thái là Singha đồng ý mua 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings - một công ty con của Tập đoàn Masan, và 33,3% cổ phần trong công ty đồ uống Masan Brewery. Trong mỗi công ty này, Singha sẽ có 2 đại điện trong hội đồng quản trị. Trong Masan Brewery, tỉ lệ kiểm soát của Singha sẽ lên đến 50% - tức sẽ có tiếng nói đáng kể trong việc đưa ra các định hướng chiến lược của Hội đồng Quản trị.
Tổng giá trị của thương vụ M&A lên đến 1,1 tỉ USD, lớn nhất trong số các thương vụ M&A được công bố trong năm nay ở Việt Nam. Đại diện Masan cho biết giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 1.2016. Trước mắt, Singha đã đầu tư hơn 86 tỉ đồng (khoảng 3,8 triệu USD) để sở hữu 14,28% vốn của Masan Consumer Holdings.
Tham vọng bành trướng Đông Nam Á
Năm 2014, một tập đoàn thực phẩm hàng đầu của Việt Nam là Kinh Đô cũng bán đi 80% cổ phần trong mảng bánh kẹo cho đối tác Mỹ là Mondelez International với giá trị khoảng 370 triệu USD. Rõ ràng, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại.
“Việt Nam đã trở thành một câu chuyện thú vị, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và vĩ mô ổn định. Dân số lớn và trẻ khiến thị trường ở đây hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”, Adithep Vanabriksha, Trưởng bộ phận đầu tư của Aberdeen Asset Management, nhận định về thương vụ giữa Masan và Singha trên tờ Bangkok Post. Vậy trong thương vụ M&A này, Masan sẽ được hưởng lợi gì?
Singha là thành viên của Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng sản xuất bia đầu tiên và lớn nhất của Thái Lan kể từ năm 1933. Các thương hiệu nổi tiếng của doanh nghiệp này là Singha, Leo, B-ing, Purra, Sanvo, Syder Bay, Boorward Farm, Pundee hay Masita. Ngoài bia và thức uống không cồn, Singha còn nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, thực phẩm, nhà hàng, sản xuất bao bì với hơn 50 công ty thành viên. Người sở hữu Singha hiện là tỉ phú Santi Bhirombhakdi, người giàu thứ 7 tại Thái Lan với tổng tài sản trị giá 2,9 tỉ USD. Năm ngoái, Singha ghi nhận doanh thu lên đến 120 tỉ baht (khoảng hơn 3,3 tỉ USD), trong đó 80% từ lĩnh vực thức uống có cồn và 20% từ thức uống không cồn và các mảng khác.
Chia sẻ với truyền thông, ông Palit Bhirombhakdi, CEO của Singha, cho rằng doanh nghiệp có lợi thế trong các loại thực phẩm và đồ uống dành cho phòng khách trong khi Masan có lợi thế ở nhà bếp. Như vậy sự hợp tác này là bổ sung cho nhau. Trước mắt, các sản phẩm thực phẩm, nhất là nước mắm và cà phê của Masan, sẽ được phân phối đến người tiêu dùng Thái Lan nhờ bàn tay của Singha. Ở chiều hướng ngược lại, thông qua hệ thống phân phối hơn 300.000 điểm của Masan hiện nay, các sản phẩm rượu bia của Singha sẽ có cơ hội tiếp cận với hơn 90 triệu dân Việt Nam trên cả nước.
Trước đó, Singha từng bày tỏ ý định sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần khi Nhà nước thoái vốn tại Sabeco. Nhưng có thể những vần đề phức tạp trong quá trình cổ phần hóa đã khiến doanh nghiệp này quyết định đầu tư vào Masan Consumer Holdings.
Không chỉ có Việt Nam và Thái Lan, “liên minh” Masan - Singha còn nhắm đến 250 triệu dân ở khu vực Inland ASEAN và có thể tạo thành một thế lực lớn trong ngành thực phẩm và thức uống Đông Nam Á.
Nhưng không chỉ có thị trường Việt Nam và Thái Lan, “liên minh” Masan - Singha còn nhắm đến 250 triệu dân ở khu vực Inland ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia) và có thể tạo thành một thế lực lớn trong ngành thực phẩm và thức uống Đông Nam Á, với tổng doanh thu của 2 công ty lên đến hàng tỉ USD mỗi năm.
Điều này còn đặc biệt hơn khi vào ngày 31.12.2015, cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức được thành lập, mang đến cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn trên 650 triệu dân với tổng GDP hơn 2,6 ngàn tỉ USD và nhiều khả năng sẽ tăng lên 4,7 ngàn tỉ USD vào năm 2020.
Hiện tại, Singha đã có hệ thống phân phối tại các quốc gia kể trên, nhờ đó Masan có thể đưa các sản phẩm như mì gói, nước chấm của mình sang các thị trường khác chỉ trong thời gian ngắn. “Chúng tôi có thể gia tăng tốc độ phát triển tại các thị trường này lên 2 lần. Hợp tác lần này với Singha giống như 1 + 1 = 5”, đại diện Masan cho biết.
Sự xuất hiện của liên minh Masan- Singha có nghĩa là thị trường bia rượu Việt Nam với doanh thu mỗi năm hơn 4,5 tỉ USD sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng cạnh tranh cực kỳ gay gắt trong các năm tới khi các công ty quốc tế tham gia ngày càng nhiều.
Hiện tại, các công ty đang nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường bia Việt Nam là Sabeco, VBL và Habeco. Các công ty trong nước nhìn chung đang thắng thế ở phân khúc trung bình, còn các doanh nghiệp ngoại chiếm ưu thế ở phân khúc cấp cao.
Thị trường càng tăng nhiệt khi vào tháng 5.2015, AB Inbev, nhà sản xuất bia có thị phần cao nhất thế giới, đã chính thức hoàn thành xây dựng nhà máy bia tại Bình Dương với công suất ban đầu 50 triệu lít/năm. Điều này hứa hẹn bùng nổ cuộc chiến trong phân khúc bia cao cấp khi 2 dòng sản phẩm của AB Inbev là Budweiser và Beck’s sẽ cạnh tranh trực tiếp với Heineken - nhãn hiệu hiện dẫn đầu phân khúc cao cấp.
Nhưng liệu hợp tác với Singha sẽ là hồi kết cho thương hiệu bia Sư tử trắng của Masan vốn chỉ mang lại gần 400 tỉ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2015? Đại diện Masan không trả lời câu hỏi này nhưng từ phía Singha, ông Palit cho rằng thương hiệu bia của riêng Masan sẽ tiếp tục phát triển vì thực tế cho thấy, đây là sản phẩm phù hợp với khẩu vị địa phương và có thể tiếp tục cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.
Mới đây, Masan đã khánh thành nhà máy bia mới tại Hậu Giang để đưa công suất sản xuất từ 50 triệu lít bia mỗi năm lên 150 triệu lít. Điều này có nghĩa là thương hiệu bia Sư tử trắng có thể sẽ tiếp tục được đầu tư, ít nhất là trong vài năm tới.
Masan sẽ tăng cường M&A?
Việc mở rộng sang các thị trường ngoài Việt Nam là hướng đi hợp lý cho Masan để thúc đẩy tăng trưởng. Trong 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu mảng thực phẩm và đồ uống của Masan hầu như không tăng trưởng (chỉ 1,1%) so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, nếu không có mảng thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm đạm động vật khác thì tổng doanh thu của Masan đã giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, kho báu Núi Pháo đã mang lại doanh thu 1.573 tỉ đồng cho Masan, giảm đến 13,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là giá vongram thế giới vẫn tiếp tục lao dốc mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Như vậy, trong khi chờ “kho vàng” này mang đến nguồn thu lớn, thực phẩm và thức uống vẫn tiếp tục là mảng chủ lực của Masan trong các năm tới.
Cạnh tranh trên thị trường thực phẩm và thức uống thực sự căng thẳng. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường thị trường mì ăn liền Việt Nam đã tăng trưởng 10% trong năm 2014, với doanh số đạt hơn 24.300 tỉ đồng. Trong đó Masan vẫn là doanh nghiệp đứng thứ hai với thị phần 24,6%, sau Acecook (38,9%). Nhưng gần đây một đối thủ đáng gớm đã xuất hiện, đó là việc Tập đoàn Kido (tên mới của Kinh Đô sau khi bán đi mảng bánh kẹo) đã hợp tác với Saigon Ve Wong tấn công mạnh vào thị trường mì gói khi xây dựng 4 nhà máy mới sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Đại Gia Đình.
Kinh nghiệm trong sản xuất và phân phối ngành hàng thực phẩm của Kido là không phải bàn cãi. Ngoài mì gói, Kido dự kiến sẽ tiếp tục tung ra các sản phẩm gia vị, nước chấm, tức sẽ càng ảnh hưởng đến lĩnh vực cốt lõi của Masan.
Hiện tại, những vấn đề rắc rối của Trung Nguyên (gần đây truyền thông liên tục nhắc đến cuộc tranh giành quyền lực và khối tài sản ngàn tỉ giữa hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cho rằng sẽ ảnh hưởng đến tình hình của Trung Nguyên) là thời cơ lớn cho Masan để mở rộng thị phần trên thị trường cà phê trong nước. Đầu năm nay, Vinacafé Biên Hòa (VCF), công ty con của Masan, đã đánh bật các đối thủ khác để được hiện diện trên các chuyến bay của Vietnam Airlines - một bước đi được giới chuyên gia về thương hiệu đánh giá rất cao và có thể mang lại nhiều lợi ích về dài hạn.
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của VCF bất ngờ giảm sút trong 9 tháng đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu của công ty này chỉ đạt 1.736 tỉ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng chỉ đạt 91 tỉ đồng, giảm hơn phân nửa.
Sự sa sút của VCF buộc Masan phải có những động thái mạnh mẽ đển tái cơ cấu công ty này. Trong đó, việc hợp tác với Singha sẽ cung cấp cho Tập đoàn một nguồn lực tài chính lớn để mở rộng sản xuất, tiến hành các chiến dịch truyền thông cũng như nghiên cứu các sản phẩm mới như sản phẩm “Wake-up sữa đặc” vừa được tung ra gần đây.
Bên cạnh đó, thương vụ hợp tác tỉ đô với Singha được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho Masan thực hiện các bước đi thâu tóm mới - điều mà tập đoàn này đã thực hiện khá nhiều lần trong quá khứ với kết quả khá khả quan.
Cơ hội là có. Mới đây, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam thông báo sẽ thoái toàn bộ 12,85% vốn khỏi VCF, Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico) muốn thoái 6,608% vốn ra khỏi công ty thức ăn chăn nuôi Proconco. Nếu Masan tiếp nhận các khoản thoái vốn này thì lợi nhuận ròng cho các cổ đông Masan sẽ tăng lên đáng kể trong các năm tới, một khi hợp nhất kết quả kinh doanh từ các công ty con này.
Trong năm 2015, Masan đã thực hiện nhiều thương vụ M&A đáng chú ý. Đầu năm, Tập đoàn đã thâu tóm 52% cổ phần của Proconco và 70% cổ phần của công ty thức ăn chăn nuôi Anco. Cuối năm, Masan Beverage, công ty con của Masan, cũng ký thỏa thuận thâu tóm 65% cổ phần Nước khoáng Quảng Ninh.
Nước khoảng Quảng Ninh đang là công ty dẫn đầu thị trường nước khoáng ở phía Bắc với các thương hiệu sản phẩm Quang Hanh, Faith, Suối Mơ hay Blizka. Như vậy, cùng với Nước khoáng Vĩnh Hảo, Masan đang có trong tay những công cụ lớn để khai phá thị trường nước khoáng đóng chai, mà theo đánh giá của Euromonitor International, có thể sẽ đạt giá trị 460 triệu USD vào năm 2017.
Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư