Ai đang chiếm lĩnh thị trường laptop Việt?

Thị trường Việt Nam vẫn đang tiêu thụ mạnh dòng máy laptop lai máy tính bảng (ultrabook).

Việt Nam là 1 trong 2 thị trường có tốc độ tiêu thụ máy tính xách tay (laptop) 15 inch tăng cao nhất Đông Nam Á, theo GfK. Cụ thể, trong 3 quý đầu năm 2015, Việt Nam nhập về nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái 96.000 laptop 15 inch.

Tại Việt Nam, Dell vẫn là thương hiệu laptop đang được ưa chuộng, dù phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu khác. Theo IDC, năm 2014, Dell dẫn đầu thị trường laptop Việt Nam với 20% thị phần. Trong quý II vừa qua, hãng này tiếp tục giữ vị trí đầu tiên với 20,1% thị phần. HP lội ngược dòng đứng thứ 2, chiếm 10,7% thị phần và thế chân Asus. Hãng công nghệ của Ðài Loan lần đầu tụt xuống hạng 3 với 6,4% thị phần.

Với Lenovo và Acer, dù có cải tiến sản phẩm và đầu tư marketing, nhưng 2 thương hiệu này vẫn không cải tiến được thứ hạng. Trong quý III/2015, Lenovo vẫn đứng thứ 4 và Acer đứng thứ 5.

Tuy không thay đổi quá nhiều và nhanh như smartphone, nhưng các hãng sản xuất laptop vẫn có một số xu hướng chuyển đổi rõ ràng. Nếu như trước đây, laptop chỉ là máy tính xách tay gọn nhẹ mở ra và gập lại, thì giờ đây đã xuất hiện nhiều sản phẩm với khả năng xoay màn hình như Lenovo Twist, bản lề linh hoạt như Lenovo Yoga, trượt như Sony Vaio Duo 11, bàn phím có thể tách rời như HP Envy X2 hoặc 2 màn hình như ASUS Taichi.

Dòng máy dành cho dân văn phòng chứng kiến các sản phẩm có màn hình cảm ứng xuất hiện hàng loạt, như ASUS Vivobook S400, Sony Vaio Fit 14E, Lenovo Flex 14, HP Pavilion TouchSmart 14-B151TU hay Acer Aspire S7.

Ðặc biệt, thị trường Việt Nam vẫn đang tiêu thụ mạnh dòng máy laptop lai máy tính bảng (ultrabook), Trao đổi với báo chí, ông Lý Quốc Dũng, Giám đốc ngành hàng laptop FPT Shop, cho biết người dùng bắt đầu có xu hướng chọn lựa thiết bị 2 trong 1, kết hợp giữa máy tính bảng và laptop. Các sản phẩm đang bán chạy trong xu hướng này có mức giá tầm trung, gồm Asus Transformer, HP Pavillon X2, hay Lenovo Thinkpad 10. Ngoài ra, các hãng còn đầu tư vào nhiều dòng sản phẩm trang bị màn hình từ 15 inch trở lên, độ phân giải cao, bộ vi xử lý Intel Core i7.

Ảnh: VnReview

Riêng đối với Apple, dòng Macbook của hãng này vẫn có sức hấp dẫn riêng. Tháng 6.2015, FPT Shop ghi nhận sự đột phá về doanh thu đối với dòng máy tính xách tay mới của Apple là New Macbook 12 inch, khi lượng nhập về không đủ bán. Riêng quý III/2015, Macbook mang về cho Apple toàn cầu 5,88 triệu USD.

Tuy thị trường laptop không tăng trưởng nhiều, nhưng sản phẩm này cũng đã mang đến doanh thu nhất định cho nhà phân phối. Thực tế, các sản phẩm máy tính do Digiworld phân phối đang dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 24%. IDC dự báo thị trường sẽ khởi sắc trở lại từ năm 2016 trở đi, tăng nhẹ vào năm 2017 nhưng sẽ giảm dần trong 2 năm tiếp theo.

Cuối năm 2015 các hãng công nghệ cũng tung ra nhiều sản phẩm mới. Ngày 22.12, hãng Dell vừa cho ra mắt thêm 3 dòng máy laptop tại Việt Nam. Trước đó, Digiworld cũng công bố dòng máy HP Envy Notebook với thiết kế tinh xảo hơn được phân phối về Việt Nam.

Gia Vân
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư