Sony: Ánh hào quang sắp tắt tại Việt Nam

Với người Việt, khi nhắc đến tivi chắc hẳn nhiều người nghĩ đến thương hiệu Sony với câu cửa miệng “nét như Sony”.

Bên cạnh Honda, Canon, Ajinomoto,... Sony là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản ghi dấu ấn với người Việt. Hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, hiện giờ Sony liệu có còn duy trì được thương vị thế?

Từ công ty bán Radio đến tập đoàn hàng điện tử nổi tiếng

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, người đàn ông có tên Masaru Ibuka mở một cửa hàng sửa chữa radio nhỏ tại Tokyo. Một năm sau, ông cùng người đồng nghiệp tên Akio Morita thành lập công ty Tokyo Tsushin Kogyo, là công ty đầu tiên tại Nhật Bản về ghi âm. Tokyo Tsushin Kogyo là tiền thân của tập đoàn Sony sau này.

Những năm đầu thập kỷ 50, Ibuka tìm hiểu về phát minh công nghệ bán dẫn của Bell Labs và thuyết phục ông để mua bản quyền cho công ty. Trong khi phần lớn công ty Nhật Bản lúc bấy giờ nghiên cứu về bán dẫn nhằm áp dụng vào lĩnh vực quân sự thì hai nhà sáng lập trên lại áp dụng vào truyền thông. Mặc dù hai công ty Regency Electronics và Texas Instruments là những người cùng tạo ra chiếc radio bán dẫn đầu tiên nhưng công ty của Ibuka mới là người đầu tiên thương mại hóa nó thành công.

Hai nhà sáng lập tập đoàn Sony.

Năm 1955, Tokyo Tsushin Kogyo cho ra mắt chiếc radio bán dẫn có tên Sony TR-55 và Sony TR-72. Sản phẩm Sony TR-72 nhanh chóng thành công tại Nhật Bản cũng như thị trường xuất khẩu như Canada, Úc, Hà Lan, Đức với chất lượng âm thanh cải thiện vượt trội so với những radio trước đó. Đến năm 1957, Tokyo Tsushin Kogyo cho ra mắt phiên bản TR-63 với thành công vang dội trên toàn cầu.

Suốt 3 thập kỷ 60, 70, 80, Sony đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu Nhật Bản. Từ đây bên cạnh mảng công nghệ ghi âm, audio, công ty này cũng mở rộng sang nhưng những mảng khác. Đối với công nghệ truyền thống, Sony cho ra đời thương hiệu Walkman đình đám từ những năm 1980 hay thay đổi chuẩn của ngành công nghiệp âm thanh Dolby Digital 5.1 sang SDDS.

Về mảng điện tử, Sony nổi tiếng với việc cho ra đời thương hiệu máy tính VAIO hay máy ảnh kỹ thuật số Cyber-shot, tivi Trinitron, Bravia, thiết bị giải trí PlayStation. Năm 1994, PlayStation dành được 61% doanh thu toàn cầu, đẩy Nintendo khỏi vị trí hàng đầu sau một thời gian dài.

Về mảng giải trí, tập đoàn Sony đầu tư vào 3 mảng chính gồm phim (Sony Pictures Entertainment) chuyên sản xuất hoặc phân phối phim. Công ty con này từng mua bản quyền những phim đình đám như Spider-man, The Karate Kid, Men in Black 3. Hoạt động kinh doanh giải trí thứ 2 là âm nhạc, Sony Music Entertainment là công ty lớn thứ 2 thế giới với việc sở hữu bản quyền của tác phẩm của Michael Jackson, The Beatles, Usher, Akon,... Hoạt động thứ trong giải trí của Sony là xuất bản âm nhạc.

Năm 2014, Sony thu về 8.216 tỷ yên, bằng khoảng 1/3 so với tập đoàn ô tô khổng lồ Toyota hay gấp 8 lần doanh thu Ajinomoto.

Ngoài ra Sony còn hoạt động trong lĩnh vực tài chính với Sony Financial Holdings hiện quản lý hoạt động của bảo hiểm Sony Life, Sony Assurance, Sony Bank, Sony Bank Securities.

Tại Nhật Bản, Sony là một trong những công ty lớn nhất tính theo doanh thu. Năm 2014, công ty này thu về 8.216 tỷ yên, bằng khoảng 1/3 so với tập đoàn ô tô khổng lồ Toyota hay gấp 8 lần doanh thu Ajinomoto.

Sony làm gì tại Việt Nam?

Cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản khác, công ty Sony Việt Nam được thành lập năm 1994 là liên doanh giữa tập đoàn Sony và CPTCP điện tử Tân Bình. Qua 21 năm hiện diện tại Việt Nam, Sony là một trong những thương hiệu hàng đầu về điện tử tiêu dùng, công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Đối tác liên doanh của Sony cũng là một trong những doanh nghiệp nội địa nổi tiếng với thương hiệu tivi, amply, tủ lạnh, Laptop, dàn máy karaoke với thương hiệu Vitek VTB.

Từ khi đặt chân vào Việt Nam, Sony đầu tư xây dựng nhà máy với số vốn 6,6 triệu USD, sau đó tăng lên 16,6 triệu USD. Tuy nhiên đến năm 2008, Sony Việt Nam tuyên bố chấm dứt bộ phận sản xuất và cũng là công ty điện tử nước ngoài đầu tiên tuyên bố đóng cửa nhà máy, tập trung vào thương mại nhập khẩu.

Theo lý giải của Sony Việt Nam, xu hướng tiêu dùng tại thời điểm 2008 ưa chuộng TV LCD thay vì dùng TV bóng đèn hình trong khi đây là mặt hàng sản xuất chính của nhà máy tại Việt Nam. Do đó nếu tiếp tục duy trì sản xuất sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế và cạnh tranh. Do đó Sony Việt Nam quyết định chuyển hoàn toàn sang kinh doanh thương mại bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng nguyên chiếc.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia nhận định động thái này là tất yếu khi thời điểm 2009 khi cam kết AFTA, WTO được áp dụng với thuế nhập khẩu sản phẩm điện tử nguyên chiếc và mở cửa cho các nhà phân phối nước ngoài ở Việt Nam có hiệu lực. Trước đó mức thuế áp dụng từ 40-50%.

Trong khi Sony đóng của nhà máy thì ngược lại Samsung- một doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc lại mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Điều này là vấn đề khó khăn chung của các hãng điện tử tiêu dùng Nhật trong cuộc chiến sinh tồn chống lại Apple của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc đặc biệt là mảng di động. Trong khi Sharp, Panasonic nhanh chóng chuyển hướng sang sản phẩm điện tử gia đình thì Sony đối mặt với vấn đề là công ty này tập trung vào thiết bị giải trí như radio, máy ảnh, tivi trong khi smartphone hiện nay đều tích hợp những chức năng này.

Khó khăn của tập đoàn Sony xuất hiện từ giữa những năm 2000s do những nhân tố khách quan như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, PlayStaion vấp phải sự cạnh tranh ngày càng tăng. Tháng 9 năm 2000, Sony đạt mức vốn hóa thị trường 100 tỷ USD nhưng đến tháng 12 năm 2011 chỉ còn ở mức 18 tỷ USD. Tháng 4 năm 2012, tập đoàn này quyết định giảm 10.000 nhân lực như một phần trong nỗ lực giải cứu của CEO Hirai.

Những năm gần đây, tập đoàn này loay hoay tái cấu trúc tuy nhiên chưa thể lấy lại ánh hào quang. Năm ngoái, Moody hạ mức xếp hạng của Sony xuống Ba1 do những rủi ro tài chính, khả năng sinh lãi vẫn biến động.

Kim Thủy
Nguồn Trí Thức Trẻ