Thị trường bán lẻ: Sôi động mùa cuối năm

Vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn thế giới đón chào Black Friday - dịp mua sắm giảm giá lớn nhất năm.

Riêng với Việt Nam, dù chỉ mới bắt đầu trong vài năm gần đây, đây cũng là giai đoạn thị trường bán lẻ có sức mua sôi động nhất trong năm.

Trong năm 2015, Việt Nam nằm trong nhóm các nước được hưởng lợi từ giá hàng hóa ở mức thấp, nhờ đó, tiêu dùng nội địa ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Bên cạnh yếu tố giá, sức mua cũng được hỗ trợ khi niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam luôn nằm trong top các nước lạc quan nhất thế giới về điều kiện tài chính cũng như triển vọng kinh tế.

Theo ANZ, chỉ số này của Việt Nam bình quân 11 tháng qua đạt 139,4 điểm, cao hơn 3,4 điểm so với cùng kỳ 2014.

Với các yếu tố trên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lũy kế 11 tháng tăng 9,4%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%, cao hơn so với mức tăng 6,5% của cùng kỳ. Tuy nhiên, lĩnh vực tiêu dùng có sự phân hóa về tăng trưởng nếu xét từng khu vực.

Cụ thể, sức bật lớn nhất đến từ doanh thu bán lẻ hàng hóa, với mức tăng bình quân từ đầu năm đến nay đạt 12,6%, trong khi các lĩnh vực ăn uống và du lịch có mức tăng trưởng khá thấp.

Đáng lưu ý hơn, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua có sự đóng góp tích cực của nhóm cho vay tiêu dùng.

Tính đến hết tháng 9/2015, tín dụng tiêu dùng đạt 357.000 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 31,49% so với cuối năm 2014.

Xét về giá trị tuyệt đối, có thể phần lớn tín dụng tiêu dùng không trực tiếp đi vào tăng trưởng của doanh số bán lẻ hàng hóa trong năm 2015.

Nếu nhìn vào nền kinh tế, trong 9 tháng qua, lĩnh vực tiêu dùng có tỷ trọng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP, tương đương 7,31%.

Trong quý cuối năm, dưới tác động của nhân tố mùa vụ, tiêu dùng tiếp tục được kỳ vọng sẽ trở thành bước đệm cho nền kinh tế khi hai khu vực khác là nông nghiệp và công nghiệp đang tăng trưởng chậm lại.

Ở góc độ đầu tư, thị trường cũng có thể nhìn thấy ngành bán lẻ là ngành hàng sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận nhờ vào sức tiêu thụ ngày càng mạnh.

Tính đến hết tháng 9/2015, tín dụng tiêu dùng đạt 357.000 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 31,49% so với cuối năm 2014.

Trong đó, Vinamilk (VNM) tạo ra lợi nhuận khá lớn mỗi năm. Nói về giá trị cổ phiếu, VNM đã không còn rẻ nữa khi có giá hơn 132.000 đồng/cổ phiểu (chỉ số P/E vào ngày 20/11/2015 đã lên tới xấp xỉ 20).

Tương tự với Thế Giới Di Động, giá cổ phiếu tương đương với mức P/E khoảng 11, tức thấp hơn mức trung bình khoảng 12 của thị trường.

Trong quý 3 vừa qua, Thế Giới Di Động đạt 288 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng đến 64% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp này đã hoàn thành được đến 83% kế hoạch lợi nhuận năm.

Hay suốt thời gian qua, dù bị đánh giá khá thấp vì phải trích lập gần 200 tỷ đồng để dự phòng cho giá trị sụt giảm của khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á, nhưng trước xu thế tiêu dung mạnh mẽ của người Việt Nam, Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vẫn rất hấp dẫn.

Bởi hoạt động cốt lõi của PNJ vẫn tiếp tục khả quan. Lợi nhuận gộp của Công ty - chỉ tính lợi nhuận ở mảng kinh doanh cốt lõi trong 9 tháng qua tăng tới 40% so với cùng kỳ 2014, trong khi doanh thu thuần tiếp tục cải thiện nhẹ, 9% để đạt doanh số hơn 5.600 tỷ đồng.

Rõ ràng, kết quả kinh doanh của PNJ không phải do việc sụt giảm của lợi nhuận sau thuế mà chủ yếu là do khoảng trích lập dự phòng tăng lên đã khiến mức giá PNJ rớt xuống mức rất hấp dẫn, chỉ xoay quanh mốc 35.000 đồng, giảm 16% so với mức giá tháng 7.

Đây là một mức giá khá tốt cho các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và tin vào doanh nghiệp có thị phần trang sức lớn nhất Việt Nam hiện nay cũng như chiến lược tái cấu trúc các khoản đầu tư tài chính, tập trung vào ngành nghề cốt lõi của họ trong các năm tới.

Hoàng Long
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn