Bậc thầy marketing Seth Godin: Đừng tiếp thị khi khách hàng chưa cho phép

Tư tưởng của Seth Godin được thể hiện xuyên suốt trong cuốn sách đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông “Permission marketing” và cho đến nay ông vẫn theo đuổi quan điểm khác biệt này của mình.

Với nhiều lựa chọn trong cuộc sống, với sự giao tiếp rộng mở và cơ hội trên môi trường internet, người tiêu dùng ngày nay đủ thông minh để lựa chọn sản phẩm chất lượng và nhà cung cấp uy tín. Điều này đặt ra một thách thức cho những người làm marketing để có thể giúp thương hiệu của mình trở nên nổi bật.

Seth Godin, sinh ngày mùng 10 tháng 7 năm 1960, là tác giả sở hữu những đầu sách kinh doanh bán chạy và là một diễn giả nổi tiếng từ cuối thập niên 1990 đến nay. Ông được biết đến với những suy nghĩ mới lạ, thẳng thắn về các phương thức tiếp thị hiện đại trên mạng xã hội và các kênh truyền thông.

Đặc biệt, Seth Godin được mệnh danh là bậc thầy Internet marketing bởi những tư tưởng độc đáo của mình nhằm giúp các nhà tiếp thị có thể học hỏi được những cách thức để tiếp thị đúng cách trong môi trường phức tạp này.

Seth Godin được mệnh danh là bậc thầy Internet marketing

Ông tốt nghiệp trường Đại học Tufts năm 1982 với bằng khoa học máy tính triết học, và lấy bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (Master of Business Administration – MBA) về marketing tại trường Stanford Business School. Từ năm 1983 đến 1986, ông làm vị trí giám đốc nhãn hiệu tại công ty Spinnaker Software.

Vào năm 1995, Godin thành lập công ty chuyên về online marketing đầu tiên, Yoyodyne. Sau đó, ông bán công ty này choYahoo! vào năm 1998. Ngay sau đó, ông trở thành Phó chủ tịch bộ phận tiếp thị của Yahoo!

Ông cũng từng là cây bút chính cho tạp chí Fast Company. Cuối năm 2005, Godin lập ra trang web mang tên “Squidoo” để có thể đăng tải những bài viết thể hiện rõ ràng quan điểm cá nhân của mình về ngành công nghiệp quảng cáo tiếp thị.

Những tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm ‘Purple Cow’ (Con bò tím), ‘Meatball Sundae’ (Kem siro thịt viên), ‘All Marketers are Liar’ (Tất cả các nhà tiếp thị đều lừa đảo) và ‘The Big Moo’ (Tiếng bò rống).

Trong sự nghiệp của mình, Seth Godin đã thẳng thắn đưa ra những tư tưởng đi ngược lại với suy nghĩ của nhiều chuyên gia trong ngành, thể hiện quan điểm về một phương thức marketing mới trên mạng xã hội, nơi mà các doanh nghiệp hay thương hiệu cần phải tôn trọng khách hàng, những người sử dụng chứ không thể chăm chăm quảng bá tên tuổi của mình một cách vô tội vạ.

Tư tưởng của Seth Godin gồm có 3 yếu tố chính:

Nếu các thương hiệu muốn có được sự yêu thích lâu dài của khách hàng, họ cần phải thay đổi ngay lập tức tư tưởng “nhồi nhét” quảng cáo vào tâm trí khách hàng.

Thứ nhất, sự kết thúc của “mạng lưới công nghiệp truyền hình” có nghĩa là các nhà tiếp thị không còn quyền lực trong việc đòi hỏi sự quan tâm của bất kì khách hàng nào họ chọn hay bất kì thời gian nào họ muốn.

Thứ hai, trong một thị trường mà người tiêu dùng ngày càng có quyền lực thì các nhà tiếp thị cũng phải thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn; nghĩa là không spam, không lừa đảo và luôn coi trọng chữ tín.

Cuối cùng, Godin khẳng định rằng cách duy nhất để truyền bá một ý tưởng hoặc để thu hút sự chú ý là phải trở nên thật nổi bật. Ông ví những người truyền bá ý tưởng như “những kẻ hắt hơi”, còn ý tưởng được truyền bá là “Vi rút ý tưởng.”

Seth gọi một sản phẩm hay dịch vụ độc đáo là một con bò tím. Quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh được xếp vào loại “tiếp thị gián đoạn”, nghĩa là chúng làm gián đoạn sở thích hiện tại của khách hàng.

Godin cũng đã đưa ra khái niệm “tiếp thị cho phép”, có nghĩa là doanh nghiệp cung cấp một sản phẩm có giá trị cho người tiêu dùng nhưng chỉ tiến hành tiếp thị sau khi nhận được cái gật đầu từ họ.

Đối với Seth Godin, nếu các thương hiệu muốn có được sự yêu thích lâu dài của khách hàng, họ cần phải thay đổi ngay lập tức tư tưởng “nhồi nhét” quảng cáo vào tâm trí khách hàng, bởi sự khó tính ngày càng tăng lên của người tiêu dùng, đặc biệt là cư dân mạng.

Mạng xã hội là một môi trường khó có khả năng kiểm soát nhất bởi các chuyên gia marketing. Tại đây, thái độ và hành vi của con người thay đổi một cách chóng mặt, đồng thời rất dễ bị cuốn theo đám đông, tạo nên những hiệu ứng viral cả tích cực và tiêu cực.

Chính vì vậy, việc chiều lòng tất cả khách hàng là điều không thể, các thương hiệu chỉ nên cố gắng tôn trọng họ ở mức độ cao nhất cho phép, lắng nghe những phản hồi để cải thiện tình hình chứ không nên áp đặt hệ tư tưởng và tìm mọi cách lôi kéo họ vào chiến dịch của mình.

Điều này sẽ dẫn tới sự khó chịu và phản ứng ngược lại của người tiêu dùng, đặc biệt khi cuộc sống ngày càng bận rộn và người ta chỉ muốn tìm đến mạng xã hội để giải trí, chứ không phải để nghe những thông điệp dồn dập đến đau cả đầu.

Tư tưởng của Seth Godin được thể hiện xuyên suốt trong cuốn sách đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông “Permission marketing” – tiếp thị khi được cho phép, và cho đến nay ông vẫn theo đuổi quan điểm khác biệt này của mình.

Các quảng cáo xưa nay luôn là những dạng quảng cáo “khủng bố” khách hàng, không cần biết họ có quan tâm hay không nhưng lại được áp dụng một cách rất phổ biến từ những doanh nghiệp nhỏ cho đến những thương hiệu cao cấp, chỉ có điều ở các chừng mực khác nhau. Dường như họ cho rẳng, chỉ khi làm như vậy mới thu hút được các khách hàng tiềm năng mà không chịu động não để tìm ra cách tiếp cận họ dễ chịu và thoải mái hơn.

Seth Godin đã mang đến cho độc giả và những người trong nghề một cái nhìn về một kỷ nguyên làm tiếp thị mới - nơi mà doanh nghiệp bắt buộc phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn nghe và nhận những thông điệp quảng cáo của khách hàng.

Tiếp thị không phải là bỏ bom người khác với các cuộc gọi và thư điện tử cho đến khi họ chịu đầu hàng và mua sản phẩm của bạn. Thực tế, chiến lược này hiếm khi hiệu quả. Hãy biết tận dụng sức lan tỏa của các ý tưởng, điều hấp dẫn khách hàng một cách tự nhiên nhất.

Nên nhớ, bất cứ ai cũng có thể chia sẻ ý tưởng, dù họ là tác giả sách bán chạy nhất hay chỉ là một khuôn mặt trong đám đông. Do đó, đừng quá tập trung vào những chuyên gia hay người nổi tiếng, tiếng nói của một khách hàng bình thường hoàn toàn có thể trở thành “vi rút”.

Nguồn Trí thức trẻ