Quảng cáo vượt khó thời kỹ thuật số

Ngày nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 quảng cáo mới xuất hiện khiến chúng ta có cảm giác bị “bội thực” quảng cáo. Và chặn quảng cáo (ad-blocking) đã được nhắc đến trong nhiều cuộc thảo luận.

Trong 12 năm qua, cứ đến đầu tháng 10, hơn 90.000 lượt khách từ các cộng đồng thương hiệu, quảng cáo, công nghệ, khởi nghiệp, truyền thông và các ngành văn hóa khác cùng tổ chức “Tuần lễ Quảng cáo” với hơn 250 sự kiện lớn, nhỏ khác nhau diễn ra tại số 23 Quảng trường Thời đại, New York.

Tuy không phải một trong những chủ đề của sự kiện năm nay nhưng chặn quảng cáo (ad-blocking) đã nhanh chóng trở thành đề tài được nhắc đến trong khắp các cuộc thảo luận.

Vấn đề của kỹ thuật số

Chúng ta tham gia vào thế giới số ngày nay và nhận thấy có nhiều thứ đang thay đổi, bao gồm cả khả năng chặn quảng cáo. Khi chúng ta chặn một quảng cáo, không thông tin nào có thể thâm nhập vào ý thức của não bộ, do vậy những thông tin đó càng chưa thể chạm được tới tiềm thức.

Vì vậy, khi công nghệ chặn quảng cáo trở nên ngày càng tinh vi và phổ biến, nó cũng đã trở thành một vấn đề ngày một phức tạp hơn với những người làm quảng cáo.

Tuy rằng người tiêu dùng của ngày hôm nay có thể sẵn lòng sử dụng các công cụ chặn quảng cáo, nhưng ngày mai có thể họ sẽ không dùng chúng nữa, bởi họ sẽ phải trả tiền cho những công cụ này khi muốn đọc những nội dung đáng lẽ là miễn phí.

Vậy công cụ chặn quảng cáo phổ biến ra sao? Có nhiều kết quả báo cáo khác nhau về vấn đề này. Phát biểu trên diễn đàn của “Tuần lễ Quảng cáo” về chủ đề sử dụng quảng cáo có âm thanh, video và các hình thức truyền thông khác trên mạng, Phó giám đốc bộ phận bán quảng cáo của Hulu cho biết, chỉ 7% khách hàng của họ tìm mọi cách để tránh các loại quảng cáo.

Tuy nhiên các ước tính khác lại cho ra những con số cao hơn. Trước đó, Randall Rothenberg - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Interactive Advertising Bureau báo cáo rằng, một số website đang mất tới 40% doanh thu quảng cáo, đặc biệt là các website hướng đến đối tượng người xem trẻ tuổi.

Nghiên cứu của họ cũng chỉ ra rằng, có tới 34% người Mỹ sử dụng công cụ chặn quảng cáo. Những người này cho biết, loại quảng cáo khó chịu nhất chính là loại video tự động bật, quảng cáo phủ màn hình và quảng cáo nhấp nháy.

Tại “Tuần lễ Quảng cáo”, có rất nhiều lời đồn đoán về việc Apple vài tuần trước đó đã thông báo sẽ nâng cấp trình duyệt Safari, hệ điều hành iOS 9 và hệ điều hành TV. Cả ba chương trình này đều giúp người dùng chặn quảng cáo một cách dễ dàng và xem chương trình TV qua ứng dụng hiệu quả hơn.

Rõ ràng xu hướng xem phi truyền thống như vậy đã trở nên rất phổ biến trong cộng đồng người dùng internet.

Cân bằng lại xu hướng chặn quảng cáo

Trong số các giải pháp đề ra giúp người làm marketing đối phó với sự phát triển của các công cụ chặn quảng cáo, có hai phương án nổi bật hơn cả.

Cách thứ nhất là chặn lại chính công cụ đó. Interactive Advertising Bureau cho biết, công ty này đã viết các đoạn code để cảnh báo người viết bài quảng cáo khi nào người dùng sử dụng công cụ chặn.

Cách thứ hai, tốt hơn hết nên được trình bày thông qua lời nhận xét của Tim Armstrong - Chủ tịch công ty AOL (tập đoàn truyền thông đa quốc gia hàng đầu của Mỹ đang chú trọng đầu tư vào làm thương hiệu và website): “Bây giờ ai cũng nói về việc chặn quảng cáo, nhưng đáng lẽ mọi người phải dành thời gian để nói về vấn đề tại sao người dùng cảm thấy họ cần làm vậy”.

Nói cách khác, điều này có nghĩa là hãy tạo ra các quảng cáo hay hơn - chủ đề vốn vẫn luôn được đề cập tới trong nhiều thập kỷ qua tại các sự kiện như “Tuần lễ Quảng cáo”.

Bản thân việc làm quảng cáo tốt cũng là một vấn đề. Rất nhiều nhận xét ghi lại trong “Tuần lễ Quảng cáo” tập trung vào sự cần thiết phải có nhiều giải pháp sáng tạo hơn, không chỉ từ bộ phận sáng tạo mà còn mở rộng ra bộ phận số liệu và chiến lược, sự tương tác giữa các bộ phận này và các bộ phận khác.

Người ta nhận thấy rằng, khi chuỗi thương hiệu Michelin ra mắt bộ hướng dẫn sử dụng ô tô vào năm 1900 với mục tiêu khuyến khích mọi người lái ô tô nhiều hơn, Hãng cũng đã thêm vào những nội dung bổ ích khác. Việc đưa ra thông tin hữu ích cho người tiêu dùng vốn không phải là một ý tưởng mới, nhưng vẫn luôn khả dụng trong nhiều năm qua.

Với kinh nghiệm của mình, tôi muốn khuyên các bạn hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và thương hiệu rằng: làm quan trọng hơn nói.

Nội dung quảng cáo cũng là một chủ đề thảo luận nhóm giữa Ogilvey & Mather, Coca-Cola và Facebook. Tiêu đề của chủ đề thảo luận này là “Thương hiệu liệu có còn quan trọng”?

Theo một nghiên cứu được trích dẫn, tầm quan trọng của thương hiệu đã giảm xuống kể từ khi công nghệ truyền thông số mở rộng cách thức truy cập thông tin. Có 57% người dùng internet tại Mỹ cho rằng, “thương hiệu là quan trọng” và 36% nói rằng “rất quan trọng”. Tại Anh, tỷ lệ này lần lượt là 53% và 36%. Trung Quốc có phản hồi tích cực hơn, với 88% đánh giá thương hiệu quan trọng và 64% nói rằng, “rất quan trọng”. Ở Mexico tỷ lệ tương ứng là 83% và 67%.

Với kinh nghiệm của mình, tôi muốn khuyên các bạn hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và thương hiệu rằng: làm quan trọng hơn nói. Chỉ sau khi bắt tay vào làm, thương hiệu mới có giá trị đích thực để được đề cập đến trong những nỗ lực quảng cáo, nhằm lan truyền thông điệp của mình. Và đó chính là mục tiêu lớn mà chúng ta hướng tới.

Richard Moore - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sáng tạo, Richard Moore Associates
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp