Người dùng hiện tại không còn lên mạng, họ sống trên mạng

Diễn đàn Tiếp Thị Di Động MMA Forum Vietnam 2015 (Mobile Marketing Association) lần thứ 4 đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về vai trò dẫn dắt của tiếp thị di động hiện nay tại Việt Nam đồng thời đưa ra những dự đoán về triển vọng và hướng đi tiếp theo cho những năm sắp tới.

Ông Rohit Dadwal - CEO của MMA Châu Á Thái Bình Dương, chia sẻ theo kết quả nghiên cứu của MMA SmoX, nếu tỉ lệ chuyển đổi của quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chỉ là 1% thì đối với tiếp thị di động, con số đó là 1,9%.

Lý giải sự khác biệt này, ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch VNG cho biết vì người dùng ngày càng gắn bó hơn với điện thoại của họ, 70% người dùng luôn mang theo điện thoại hơn 8 giờ mỗi ngày, và nhu cầu chia sẻ các nội dung được cá nhân hóa ngày càng cao hơn.

Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông không tạo ra được cơ hội để người dùng tương tác với các mối quan hệ xã hội xung quanh dù những marketers dành rất nhiều thời gian tạo ra các clip quảng cáo công phu và tốn kém.

Trong khi đó điện thoại cho phép người dùng sáng tạo, tương tác với các mối quan hệ xã hội và để lại dấu ấn của riêng mình trong các nội dung chia sẻ và các nhà quảng cáo cần thiết kế được những trải nghiệm phù hợp dựa trên nền tảng mobile", ông Lê Hồng Minh chia sẻ.

Về tầm quan trọng của xu hướng di động trong hành vi người dùng, ông Renaud Besnard - Giám đốc marketing Đông Nam Á của Google nhấn mạnh: “Người dùng hiện tại không còn lên mạng, họ sống trên mạng”. Ông Renaud cho rằng hiện nay khách hàng có rất nhiều kênh khác nhau để tiếp nhận thông tin, nhưng điện thoại di động là phương tiện gần gũi nhất và tương tác với người dùng tốt nhất.

Trong một nghiên cứu ở 7 quốc gia đang phát triển lẫn phát triển cho thấy, 60% người tham gia khảo sát cho biết họ đi ngủ với chiếc điện thoại trong tay, gần 50% người cho biết sẽ nghỉ chơi với bạn bè chứ không bỏ điện thoại, hoặc nhiều người cho rằng họ sẵn sàng nhịn tắm một tuần chứ không chịu xa điện thoại trong 7 ngày.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, mỗi ngày trung bình một người kiểm tra điện thoại 150 lần, tức cứ mỗi tiếng đồng hồ họ liếc nhìn điện thoại 10 lần. Có những khoảnh khắc người dùng di động sẽ đưa ra quyết định hoặc định hình quan điểm mua hàng mà người làm tiếp thị cần nắm bắt.

Một là lúc người dùng muốn mua một thứ gì đó thì họ sẽ lên mạng tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ đó, ví dụ tỷ lệ người Việt thường tìm thông tin về hàng hóa trước khi mua cao gấp đôi người Mỹ, và 61% các đơn hàng offline có được là do các tìm kiếm trên mạng hình thành.

Thứ hai, khoảnh khắc người dùng muốn đi đâu đó. Nghiên cứu cho thấy 2/3 người Việt Nam tìm hiểu về các địa điểm sắp đến trước đó một ngày, một nửa trong số họ dùng smartphone; 33% người Việt cũng tin rằng các quảng cáo trên di động sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho họ khi cần tìm kiếm thứ gì đó chung quanh. Khoảnh khắc thứ 3 là khi người dùng di động muốn tìm kiếm một thông tin nào đó.

“Có 40% người dùng di động tìm đọc tin tức trong ngày, và có đến 70% người cho biết internet là thứ đầu tiên họ nghĩ đến khi cần tìm kiếm thông tin. Ví dụ, tại Việt Nam vào ngày 20/10, lượng tìm kiếm về mua quà cho phụ nữ, hay các lời chúc hay nhất tăng lên đột biến”, ông Renaud cho biết

Bên cạnh đó, Giám đốc tiếp thị khu vực Đông Nam Á của Google cho biết mức độ tiếp thu và sử dụng smartphone hiện nay ở Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới. Do đó, người làm tiếp thị tại Việt Nam cần nắm bắt những khoảnh khắc thích hợp của người dùng di động để cung cấp nội dung quảng bá cần thiết.

Sau khi xác định được khoảnh khắc thích hợp, người làm tiếp thị cần đưa nội dung đến đúng khoảnh khắc, sau đó đo lường xem khoảnh khắc nào đáng giá nhất để sau này tập trung nguồn lực nhiều hơn vào đó, ông Renaud bày tỏ quan điểm.

Về cách tiếp cận thị trường này, theo ông Vikas Gulati, Giám đốc Điều hành Khu vực Châu Á của Opera Media Works, mỗi người dùng có một bản năng riêng khi sử dụng app, điều này dẫn đến những hành vi và Opera chia khách hàng thành 12 nhóm riêng biệt để đưa ra giải pháp riêng, giúp tăng cơ hội kết nối với khách hàng nhiều nhất có thể.

Có 40% người dùng di động tìm đọc tin tức trong ngày, và có đến 70% người cho biết internet là thứ đầu tiên họ nghĩ đến khi cần tìm kiếm thông tin.

Tiếp cận cá nhân hóa cho từng nhóm người dùng

Những bài học từ câu chuyện của các diễn giả cho chúng ta thấy việc xác định đúng khách hàng mục tiêu và liên tục rà soát hành vi của họ trên thiết bị là vô cùng quan trọng, cho phép chúng ta có cơ hội gỡ rối cho khách hàng đúng lúc, đúng người.

Theo đó, bà Lan Thanh - CEO Goldsun Focus Media chia sẻ về các giải pháp sáng tạo như Ứng dụng di động tức thời tại điểm bán với ưu điểm không cần cài đặt, chỉ cần kết nối Wifi mà vẫn có thể lưu trữ hành vi người dùng, thông báo giải thưởng ngay tại điểm bán và có thể triển khai kết nối rộng rãi trên hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại hiện có.

Ông Martin Nygate, người sáng lập của Nanu đóng góp giải pháp quảng cáo bằng âm thanh phát qua nhạc chờ điện thoại để thay thế cho banner quảng cáo truyền thống.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO Adtima chia sẻ câu chuyện thú vị về những campaign quảng cáo cho các nhãn hàng mà ông thực hiện trên nền Zalo.

Campaign thứ nhất của là chiến dịch cho phép người dùng tự tạo sticker có hình cá nhân để chia sẻ với bạn bè trong tin nhắn. Tuy nhiên vấn đề là các sticker có hình ảnh trở nên nặng nề về dung lượng và các bước tạo mới khó khăn với người dùng không am hiểu công nghệ.

"Tôi nhận ra rằng khách hàng tiềm năng của mình đa phần ở nông thôn và sử dụng điện thoại có dung lượng 3G không tốt nên lập tức triển khai các biện pháp chỉ dẫn khách hàng khởi tạo và hỗ trợ qua tổng đài điện thoại, đồng thời phát triển thuật toán giảm dung lượng sticker", ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Campaign thứ hai là chiến dịch nhắn tin trúng thưởng cho một nhãn hàng nước giải khát, nhưng không phải qua SMS mà là qua hệ thống tin nhắn ZMS của Zalo. Campaign này có ưu điểm là bắt nhịp với xu hướng của khách hàng, nhưng đặt ra thách thức cho đội ngũ của ông Tuấn về tính mới mẻ.

Cuối cùng, sau đợt thử nghiệm đầu tiên, số lượng khách hàng tham gia là rất thấp. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết đã nghiên cứu lại hành vi từ 200.000 người dùng hiện tại và các khách hàng có thể tiềm năng khác thì phát hiện khách hàng mục tiêu của đợt thử nghiệm đầu tiên không đúng so với các chiến dịch thành công trong quá khứ.

Những khách hàng tiềm năng tham gia nhắn tin có độ tuổi cao hơn nhóm khách hàng hiện tại và hành vi soạn cú pháp mất rất nhiều thời gian của khách hàng đã thường ngăn cản họ tham gia. Adtima đã phát triển một nút bấm trên trang đích để khách hàng không phải soạn cú pháp vẫn có thể gửi tin nhắn tham gia như thường và lượng khách đã tăng lên 400%.

Những dự đoán cho tương lai

Bên cạnh những giải pháp hiện tại, các diễn giả còn cung cấp cái nhìn về xu hướng trong tương lai ở các lĩnh vực ngày càng chuyên sâu về các khía cạnh di động, như sự phát triển của phương thức thanh toán trên điện thoại, những ứng dụng đột phá trong ứng dụng ngân hàng và tài chính cá nhân, đo lường hiệu quả của quảng cáo và phân tích dữ liệu lớn (Big Data).

Tất cả những xu hướng này đều hướng về mục tiêu giúp nhà tiếp thị hiểu sâu hơn về hành vi của người dùng, cá nhân hóa nội dung quảng cáo theo từng người dùng và thiết bị. Hơn nữa, anh Đặng Việt Dũng - CEO của Uber Việt Nam còn gợi ý làn sóng tiếp theo về quảng cáo trên các thiết bị đeo được (wearables) mang đầy tính thách thức khi diện tích hiển thị ngày càng nhỏ hơn đòi hỏi các nhà tiếp thị còn phải sáng tạo nhiều hơn nữa.

Tiếp thị di động chuyển sức mạnh kết nối vào đầu ngón tay của người tiêu dùng.

Minh Hương
Nguồn Trí thức trẻ