Thị trường thức ăn nhanh: Sức ép từ Burger King

Hai cái tên lớn nhất trong thị trường thức ăn nhanh (fast food) tạo thêm sức ép cho các đối thủ tại Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nỗ lực giành thị phần.


Thời điểm Burger King "xuống tiền"

Với mục tiêu mở rộng mạng lưới rộng khắp thị trường Việt Nam càng nhanh càng tốt, từ nay đến cuối năm sẽ mở 12 cửa hàng và sẽ tăng hơn nữa khi tìm được mặt bằng tốt, có vẻ Burger King đang rất nóng lòng trước các đối thủ đi trước.

Bởi theo đánh giá của ông Elias Diaz Sese, Chủ tịch Burger King khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường fast food Việt Nam có tiềm năng rất lớn cho sự tăng trưởng.

Ngay những năm kinh tế khó khăn vừa qua, thị trường này vẫn có tốc độ tăng trưởng bình quân 26%, và đây cũng là thời điểm thích hợp để Burger King chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với những bước đi nhanh.

Thực tế nhiều năm qua, dù các thương hiệu fast food đều có những lợi thế đặc trưng, khác biệt về món ăn, nhưng chiến lược cạnh tranh của các thương hiệu này cũng chỉ tập trung vào việc đa dạng thực đơn với khẩu vị khác lạ, phù hợp người tiêu dùng Việt Nam và mở rộng chuỗi cửa hàng.

Dù kinh tế khó khăn, Burger King vẫn tăng trưởng bình quân 26%

Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV) thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, đơn vị mua nhượng quyền Burger King tại Việt Nam, cũng cho biết:

"Kinh doanh fast food trên thị trường Việt Nam hiện nay rất cạnh tranh. Vì vậy, kế hoạch tiếp cận của Burger King trước mắt sẽ phát triển nhanh nhất các vị trí đắc địa và trải rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước để người tiêu dùng dễ nhận diện và tiếp cận.

Tiếp theo về sản phẩm, ngoài lợi thế khác biệt với đối thủ là món hamburger Whooper bò nướng 100%, chúng tôi sẽ đem đến nhiều sản phẩm mới khác với khẩu vị phù hợp, đặc biệt là các loại nước sốt đặc trưng với giá cả cạnh tranh".

Theo kế hoạch, từ nay tới cuối năm, Burger King sẽ liên tục khai trương hàng loạt cửa hàng tại ba thành phố lớn của Việt Nam là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Đánh chiếm từ mặt bằng

Tổng giám đốc của Loteria cho rằng "khâu khai thác sản phẩm mới là quan trọng nhất"

Burger King là tập đoàn sản xuất đồ ăn nhanh hamburger lớn thứ hai thế giới với tổng doanh số 8,4 tỷ USD năm 2011. Vì thế, mọi đối thủ của Burger King đều được coi là... quá nhỏ bé.

Tuy nhiên, ông Cho Young Jin, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotteria (Hàn Quốc), cho biết: "Nhiều người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự quen với đồ ăn nhanh, trong khi hình thức và sản phẩm của các hãng đều có những nét giống nhau. Vì vậy, khâu khai thác sản phẩm mới là quan trọng nhất".

Có mặt tại Việt Nam từ những năm 1998, Lotteria và KFC cũng đã có những bước chuẩn bị để sẵn sàng đối đầu với các thương hiệu đến sau.

Đến thời điểm này, lợi thế của Lotteria là đã đạt mục tiêu mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng lên tới 140 điểm tại nhiều vị trí đẹp trong các trung tâm thương mại, khu giải trí.

Dự kiến năm 2013, Lotteria sẽ nhượng quyền. Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc marketing của KFC, cho biết, kết thúc năm 2012, KFC sẽ có 116 cửa hàng, hầu hết đều nằm ở những ngã tư đông đúc và tập trung tại các khu vực trung tâm.

Cũng theo ông Nam, một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của lĩnh vực fast food là hệ thống chuỗi cửa hàng, bởi chiến lược phát triển trên diện rộng của chuỗi cửa hàng là chấp nhận bù lỗ lẫn nhau. Khách hàng có thể chọn điểm đến ưa thích, còn nhà kinh doanh yên tâm rằng họ không phải chia sẻ với đối thủ.

Vì vậy, vị trí mặt bằng đắc địa là yếu tố quyết định, mà điều này thì các thương hiệu đến trước như KFC, Lotteria... đang chiếm ưu thế sở hữu. Tuy nhiên, để cạnh tranh, KFC và Lotteria những năm tới đều đang hướng tới con số 200 cửa hàng.

Jollibee với 25 cửa hàng, cũng đang tiếp tục ráo riết tìm kiếm mặt bằng và việc mua lại cụm Phở 24 và Higlands Coffee với giá 25 triệu USD cũng nằm trong chiến lược mở rộng này.

Tuy không xem Burger King là đối thủ cạnh tranh, nhưng để giữ thị phần, Subway cũng đang nỗ lực làm mới và tạo cho khách hàng sự cảm nhận khác biệt bằng việc đầu tư hệ thống cửa hàng, đặc biệt tất cả sandwich tại Subway đều được giữ tươi nguyên và được làm ngay trước mắt của khách hàng; các loại bánh nướng tại chỗ từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối suốt 7 ngày trong tuần.

"Trong chiến lược phát triển thị trường, Subway cũng đang hướng tới con số 10 nhà hàng tại TP.HCM trong năm sau. Trong năm tới, chúng tôi cũng đang tìm kiếm các địa điểm phù hợp để mở nhà hàng tại các thành phố khác", ông Mark McGrath, Tổng giám đốc Subway, cho biết.

Tương tự, nydc dù tuyên bố "thị trường có thêm Burger King hay McDonalds thì họ cũng không cảm thấy áp lực bởi các thương hiệu này không phải đối thủ trực tiếp, do nydc phục vụ nhiều món thức ăn Tây, không tập trung vào món burger hay pizza. Hơn nữa, mô hình của nydc phục vụ tại bàn chứ không phục vụ tại quầy. Năm 2011, doanh thu của nydc vẫn tăng trưởng 11%.

Nydc không cảm thấy áp lực bởi thương hiệu này không phải đối thủ trực tiếp của Burger King.

Tuy nhiên, ông Vincent La, Tổng giám đốc nydc, thừa nhận: "Thách thức cạnh tranh trong thị trường này khá gay gắt, trong đó khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là làm sao kiếm được mặt bằng phù hợp với mô hình kinh doanh của nydc. Chúng tôi sẽ mở thêm 7 nhà hàng trong năm 2013 tại thị trường TP.HCM và Hà Nội để tăng tổng số lượng nhà hàng Nydc lên thành con số 13".

Ông cũng cho biết, Nydc sẽ hướng đến mô hình nhượng quyền.

Nguồn CafeBiz