Chiến lược “xanh” của Traphaco

Với chiến lược “Con đường sức khỏe xanh”, trở thành nhà cung ứng, cống hiến cho xã hội những sản phẩm, dịch vụ mang tính thời đại và giàu giá trị truyền thống, Cty cổ phần Traphaco (Traphaco) đã vượt lên lợi ích đơn thuần của một doanh nghiệp để thực hiện trách nhiệm chung, khai thác nguồn lợi quốc gia góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển một ngành kinh tế hướng vào xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn nông dân nghèo.

Sau vụ thu hoạch lúa Hè – Thu cũng là thời điểm nhiều hộ dân ở xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu (Nam Định) bắt tay vào thu hoạch cây đinh lăng. Trước đó, một số hộ đã chủ động thu hoạch sớm để kịp có tiền đóng họp phí năm học mới cho con. Dù mới được trồng theo quy mô hàng hoá cách đây vài năm nhưng cây đinh lăng đã trở thành cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Hải Toàn nói riêng và Hải Hậu nói chung, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Xoá nghèo – làm giàu

Tiếp chúng tôi tại vườn đinh lăng sắp cho thu hoạch, anh Nguyễn Văn Lành – một trong những hộ nông dân thuộc tổ hợp tác trồng đinh lăng của xã Hải Toàn say sưa nói về cây đinh lăng như một chuyên gia đích thực. Theo anh Lành: Từ ngày được Traphaco tập huấn, trồng trọt theo tiêu chuẩn GACP- WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của WHO), kiến thức trồng trọt của chúng tôi được mở rộng, cây phát triển tốt, năng suất chất lượng nâng lên rõ rệt. Quan trọng hơn công ty đã cam kết với người nông dân thu mua cao hơn 10% so với giá thị trường nên bà con yên tâm sản xuất.

Vùng trồng nguyên liệu đinh lăng của Traphaco tại Nam Định

Anh Lành làm phép tính: Với giá thu mua toàn bộ rễ, gốc, thân hiện tại 25- 27.000 đồng/kg, nếu trồng 1 sào, 3 năm sau cho thu nhập 60- 70 triệu đồng/sào. Trừ chi phí giống 2- 3 triệu và phân bón từ 500- 800 ngàn đồng/sào, thu nhập của người dân trồng Đinh lăng từ 20-25 triệu/sào/năm, tương đương với 600 – 750 triệu đồng/ha/năm. Đinh lăng đã và đang là cây làm giàu cho người nông dân trong xã.

Từ một số hộ trồng thí điểm theo tiêu chuẩn GACP – WHO của dự án GreenPlant, đến nay diện tích trồng đinh lăng mà Traphaco đã ký hợp đồng và kiểm soát trực tiếp là gần 200 ha, phủ rộng trên nhiều xã của các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định). Đây là vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp với cây đinh lăng, cho hàm lượng hoạt chất cao.

Không chỉ hướng dẫn bà con nông dân quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản để đảm bảo chất lượng vùng nguyên liệu, Traphaco đã xây dựng trung tâm cung cấp giống cho các hộ trồng đinh lăng tại xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định với quy mô diện tích 5 ha. Trung tấm giống theo tiêu chuẩn GACP-WHO này có khả năng cung ứng trên một triệu bầu giống/năm.

Th.s Nguyễn Thị Hậu – thành viên dự án GreenPlant Traphaco cho biết: Việc xây dựng trung tâm giống là nhằm đảm bảo vùng dược liệu sạch, cho dược tính cao theo đúng tiêu chuẩn của Traphaco.

Theo các bác sĩ y học cổ truyền, Đinh lăng được ví như nhân sâm Việt bởi tác dụng tăng lực, giảm mệt mỏi, tác dụng tốt cho trí lực và thần kinh. Thực tế những năm gần đây, cùng với việc quy hoạch vùng trồng và cung cấp giống đinh lăng, Traphaco đã đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm từ loại dược liệu này. Dự án “Hoàn thiện qui trình sản xuất viên nang mềm Cebraton” từ đinh lăng đã được đưa vào triển khai sản xuất lớn, góp phần phát triển thị trường và tăng cường khai thác nguồn dược liệu trong nước.

Dây chuyền nang mềm của Traphaco

Hiện tại, Cebraton là thuốc bổ não duy nhất sử dụng 100% dược liệu sạch, an toàn, đạt chuẩn GACP – WHO. Kết quả nghiên cứu tại bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho thấy, Cebraton cải thiện rõ rệt các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân thiếu máu não như suy giảm trí nhớ, đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi. Đặc biệt 97,5% bệnh nhân hết triệu chứng.

Khác biệt

Theo ông Trần Túc Mã – Tổng Giám đốc Traphaco: Trong những năm qua, với chiến lược phát triển Con đường Sức khỏe Xanh, Traphaco đã tận dụng những lợi thế về đa dạng sinh học của Việt Nam và nền y học cổ truyền lâu đời phong phú để phát triển thuốc từ dược liệu. Traphaco đã không ngừng nghiên cứu, phát triển chuỗi gía trị xanh từ: Nguyên liệu – Công nghệ – Sản phẩm – Dịch vụ phân phối. Traphaco là một trong số ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nghiên cứu theo hướng khác biệt hóa trong hướng đi để tạo ra sự đột phá trong tăng trưởng, nhanh chóng trở thành thương hiệu dẫn đầu trong ngành dược của Việt Nam. “Chúng tôi tiên phong xây dựng vùng trồng theo GACP-WHO và đã xây dựng được trên 2000 ha vùng trồng dược liệu cho hơn 10 loại dược liệu chủ lực tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc” – ông Trần Túc Mã cho biết.

Hiện tại, Traphaco đã ký hợp đồng trực tiếp với gần 500 hộ dân, tạo ra hàng nghìn việc làm thường xuyên. Công ty không những thiết lập được nguồn dược liệu sạch, bền vững cho doanh nghiệp mà còn giải quyết được việc làm cho người dân và bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý của Việt Nam. Hướng đi này phù hợp với “Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Traphaco không những thiết lập được nguồn dược liệu sạch, bền vững cho DN mà còn giải quyết được việc làm cho người dân và bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý của VN.

Trên thực tế, Traphaco hoàn toàn có thể phát triển vùng dược liệu với quy lớn hơn, tuy nhiên ông Trần Túc Mã nhấn mạnh: Traphaco phát triển vùng nguyên liệu một cách có trách nhiệm, phù hợp với kế hoạch sản xuất, tránh tự phát theo phong trào để đảm bảo thu nhập của người nông dân luôn ổn định.

Những nỗ lực không ngừng của công ty đã được khẳng định khi năm 2014, Traphaco đã được Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) ghi nhận là doanh nghiệp dược đầu tiên tại miền Bắc có vùng trồng và thu hái dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO cho 4 cây thuốc Actiso, Đinh lăng, Rau đắng đất, Bìm bìm. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng, không chỉ ấn định tiêu chuẩn dược liệu cho riêng Traphaco mà còn tạo ra một tiêu chuẩn chung cho thị trường dược liệu Việt Nam. Từ đây, Traphaco đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong trong phong trào nghiên cứu, phát triển dược liệu theo hướng bền vững, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Từ thành công của Traphaco, đã có một số doanh nghiệp dược tiếp bước đầu tư xây dựng vùng trồng dược liệu, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền y dược cổ truyền Việt Nam.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trần Túc Mã – Tổng Giám đốc Traphaco luôn tự hào: Con đường dược liệu của Traphaco không chỉ xây bằng các kết quả nghiên cứu, mà bằng sự tận tâm cống hiến của hàng ngàn cán bộ công nhân viên của Traphaco. Chúng tôi đã thoát ra khỏi lợi ích của một doanh nghiệp đơn thuần để thực hiện trách nhiệm chung, khai thác nguồn lợi quốc gia, góp phần phát triển một ngành kinh tế hướng vào xuất khẩu, đem lại việc làm và thu nhập cho hàng vạn nông dân nghèo. Ở khía cạnh biểu tượng, việc gắn thương hiệu Traphaco với hình ảnh những vùng nguyên liệu sạch là một hướng tiếp cận đem lại niềm tin và sự ủng hộ từ người tiêu dùng, đồng thời thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của chúng tôi.

Phan Nam
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp