Thị trường lốp xe: Áp lực từ doanh nghiệp FDI

Thị trường ô tô tăng trưởng cộng với những điều kiện thuận lợi về nguồn lao động, thuế suất, nguyên liệu đã giúp ngành sản xuất lốp xe phát triển mạnh. Thế nhưng, lợi thế này vẫn thuộc về các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Quy mô ngày càng lớn

Săm lốp được đánh giá là một trong những ngành có mức tăng trưởng mạnh thời gian qua. Bằng chứng là rất nhiều dự án sản xuất quy mô lớn đã được các DN đưa vào hoạt động ở nhiều tỉnh - thành.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 9, Kenda - nhà đầu tư đến từ Đài Loan đã nhận giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất vỏ, ruột xe thứ 2 tại Việt Nam, với vốn đầu tư 160 triệu USD, nhà máy đặt tại KCN Giang Điền (Đồng Nai), dự kiến có 4.000 - 5.000 lao động.

Trước đó, năm 2010, DN này đã đầu tư một nhà máy tại KCN Hố Nai (Đồng Nai) với vốn 100 triệu USD. Ông Ying Ming Yang, Chủ tịch Tập đoàn Kenda, cho biết, nhà máy sẽ sử dụng cao su nguyên liệu từ Đồng Nai để sản xuất vỏ, ruột xe xuất khẩu.

Trước Kenda, cuối năm 2014, Công ty Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Bridgestone Nhật Bản) đã khánh thành nhà máy sản xuất lốp xe radial (lốp không săm) tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng), có vốn đầu tư lên đến gần 448 triệu USD với sản lượng 6.000 lốp ô tô/ngày.

Theo ông Tetuo Kunitake - Tổng giám đốc Bridgestone Việt Nam, vào cuối năm nay, nhà máy này nâng quy mô sản xuất lên 10.000 lốp/ngày.

Tập đoàn Bridgestone Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vốn để Bridgestone Việt Nam nâng công suất nhà máy lên 25.000 lốp/ngày vào nửa đầu năm 2016 và 49.000 lốp/ngày trong nửa cuối năm 2017.

Cùng với hai nhà đầu Nhật Bản và Đài Loan, trước đó, Công ty Săm lốp Kumho Tire (thành viên của Tập đoàn Kumho Asiana - Hàn Quốc) đã đầu tư thêm 100 triệu USD (vốn ban đầu 200 triệu USD) để mở rộng nhà máy sản xuất vỏ xe tại Bình Dương, nâng công suất nhà máy từ 3,3 triệu vỏ/năm lên 5 triệu vỏ/năm.

Đã có nhiều dự án bất động sản và xây dựng lớn tại Việt Nam, vì sao Kumho Asiana rót thêm vốn, mở rộng nhà máy sản xuất săm lốp? Theo lý giải của đại diện tập đoàn này là vì "Việt Nam là thị trường mục tiêu quan trọng và Kumho sẽ tăng cường sự hiện diện ở đây".

Áp lực từ các nhà đầu tư nước ngoài, các DN trong nước cũng đã mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại hơn. Chạy đua trong cuộc cạnh tranh này là Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) và Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC).

Cuối năm 2014, Casumina đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp radial có vốn đầu tư 160 triệu USD, công suất 1 triệu sản phẩm/năm.

Casumina đang cạnh tranh quyết liệt với các DN FDI - Ảnh: Quý Hòa

Cuối năm 2014, giai đoạn 1 của nhà máy có công suất 350.000 lốp/năm, sẽ tăng lên 600.000 sản phẩm vào cuối năm 2015, và lên 1 triệu sản phẩm vào cuối năm 2017. Nhà máy mới này sẽ tạo thêm doanh thu hằng năm cho Casumina gần 5.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.200 lao động.

Trước đó, DRC cũng đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp xe radial với công suất 175.000 sản phẩm/năm. Dự kiến, công suất nhà máy sẽ tăng lên 600.000 lốp/năm trong năm 2018.

Cơ hội tăng trưởng

Thị trường Việt Nam đang rất thuận lợi cho ngành sản xuất lốp xe như nguồn cao su nguyên liệu dồi dào, giá lao động rẻ và thuế xuất khẩu săm lốp đang là lợi thế, chỉ 0%, trong khi ở Trung Quốc là 8%.

Ngoài những yếu tố trên, thị trường vỏ xe có nhiều cơ hội phát triển nhờ vào sự tăng trưởng của thị trường ô tô.

Sau 2 năm sụt giảm, năm 2014, đã có hơn 158.000 xe được bán ra, tăng 43% so với năm 2013 và năm nay dự kiến đạt 200.000 xe. Dự báo này là có cơ sở vì 8 tháng đầu năm nay, thị trường ô tô đã tiêu thụ đến hơn 142.000 xe (theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA).

Dự báo của Bộ Công Thương, mức tiêu dùng ô tô sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, đặc biệt là khi nhiều FTA có hiệu lực. Cụ thể, vào năm 2025, nhu cầu ô tô của Việt Nam sẽ đạt khoảng 800.000 - 900.000 xe và tới năm 2030 sẽ tăng lên 1,5 - 1,8 triệu chiếc.

Quy hoạch phát triển ngành ô tô đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 cũng cho thấy Việt Nam sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng, trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng có giá trị cao trong chuỗi sản xuất ô tô.

Quy định tăng tỷ trọng xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng cho tiêu thụ săm lốp trong nước.

Cũng đánh giá cao về thị trường, Rồng Việt Research nhận định, trong năm nay, doanh số lốp xe ô tô có khả năng tăng trưởng khá, đặc biệt là lốp radial.

Giá cao su chưa hồi phục mạnh, tiêu thụ ô tô tăng trưởng khá, hạ tầng giao thông được cải thiện, các tuyến đường cao tốc được khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các DN săm lốp.

Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng áp lực cạnh tranh từ các DN FDI là rất lớn. Bởi, không chỉ đầu tư nhà máy công suất lớn với công nghệ hiện đại, các nhà đầu tư ngoại còn phát triển dịch vụ phân phối, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp.

Đơn cử như Bridgestone, đã xây dựng hệ thống với hơn 80 đại lý, trong đó có các trung tâm dịch vụ lốp xe du lịch B-Select, B-Shop cùng chuỗi trung tâm dịch vụ lốp xe tải, xe buýt. Ba năm nay, Michelin kết hợp với hãng xe Mercedes-Benz tổ chức các chương trình hướng dẫn sử dụng lốp đúng cách.

Goodyear phát triển mô hình Goodyear Autocare - trung tâm chăm sóc ô tô, mô hình đã rất thành công ở nhiều nước.

Tại trung tâm này, khách hàng không chỉ được bảo dưỡng hay thay lốp xe mới mà còn được thay dầu nhớt, kiểm tra cơ khí xe và dịch vụ chăm sóc xe tổng thể... như một trung tâm dịch vụ sau bán hàng của các hãng ô tô.

Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn