Thương vụ 'thâu tóm ngược' cổ phần Nhật Bản ở Giấy Sài Gòn giờ ra sao?

Đa số các thương vụ mua bán sáp nhập hiện nay đều diễn ra theo chiều hướng là đối tác nước ngoài bỏ vốn mua cổ phần hoặc thâu tóm doanh nghiệp Việt, tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ.

Đó là trường hợp ngoại lệ năm 2013 khi ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation) mua lại toàn bộ cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại Công ty CP giấy Sài Gòn (SGP).

Vị Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV (nhiệm kỳ 2011-2014), 2 lần được bầu là Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Thanh Niên Việt Nam... đã thực hiện thương vụ “thâu tóm ngược” đó như thế nào? Kết quả thương vụ này hiện nay ra sao?

“Thâu tóm ngược” vì tình cảm

Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc nhờ nhu cầu tiêu thụ giấy tăng cao, từ năm 2007, SGP rơi vào thời kì khó khăn khi suy thoái kinh tế xảy ra và các nhà đầu tư là Prudential, VIG rút vốn. Đỉnh điểm khó khăn là năm 2011, đối tác Nhật Bản đang chiếm đa số vốn của Giấy Sài Gòn là Daio Paper cũng muốn thoái lui do khó khăn tài chính từ tập đoàn mẹ.

Cùng với đó, chi phí lãi vay để đầu tư dự án nhà máy giấy Mỹ Xuân 2 với tổng vốn 2.500 tỉ đồng có thời điểm lên đến 20%. Đây là giai đoạn mà ông Cao Tiến Vị - người sáng lập SGP từng chia sẻ trên báo chí rằng “có lúc thất bại gần như đã ở trước mặt”.

ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation)

Tháng 9/2013, Công ty CP Mai và cộng sự (Mai & CO) do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch HĐQT đã trở thành “vị cứu tinh” của SGP sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần (và nợ) của Daio Paper, với tỉ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỷ đồng mệnh giá. Sau thương vụ “thâu tóm ngược” này, hiện ông Mai Hữu Tín giữ vai trò Chủ tịch HĐQT và người sáng lập SGP là ông Cao Tiến Vị giữ vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

Chia sẻ tại diễn đàn CEO Forum 2015 mới đây, ông Mai Hữu Tín cho rằng, chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi chuyện diễn biến cực kì nhanh. Nếu các doanh nhân cứ nghĩ thị trường vẫn dễ dàng như cách đây 10 năm thì sẽ rất khó để tồn tại. Vấn đề đầu tiên mà các CEO cần xác định rõ là chúng ta là ai, mạnh yếu ở chỗ nào, đối thủ là ai? Khi trả lời được những câu hỏi này thì mới xác định chính xác công việc phải làm tiếp theo.

“Khi tôi tham gia thì Giấy Sài Gòn đang gặp nhiều khó khăn. Lúc đó tôi vào thay thế vai trò của nhà đầu tư Nhật Bản và quả thật cũng chưa có có câu trả lời. Quyết định của tôi khi tham gia vào giấy Sài Gòn hơi có tính tình cảm hơn là thương vụ kinh doanh vì không muốn thấy một công ty Việt Nam có thương hiệu tốt như vậy thất bại”, ông Mai Hữu Tín nhớ lại.

Có lãi từ năm 2015

Ông Mai Hữu Tín cho biết ông đã rất căng thẳng khi cùng với ông Cao Tiến Vị xác định được hướng đi cho SGP. Khi đó công ty đang có rất nhiều thiết bị đã nhập về vài năm rồi nhưng chưa được lắp ráp, chưa vận hành và tất nhiên là chưa có doanh thu. Việc phải làm đầu tiên là bằng mọi cách đưa máy móc đi vào vận hành và tìm thêm nguồn vốn. Hai việc này được giải quyết thông qua quan hệ trong lĩnh vực tài chính và thuê chuyên gia tư vấn từ Canada, Nhật Bản.

Một vấn đề quan trọng thứ hai theo ông Mai Hữu Tín cho biết, là lãnh đạo công ty đã xác định nhân lực Việt Nam phải nắm vai trò chủ lực trong hoạt động của Giấy Sài Gòn trong tương lai. Để làm được điều này, ban lãnh đạo của Giấy Sài Gòn đã kích thích lòng yêu nghề và tự hào dân tộc để nâng cao tinh thần làm việc của nhân viên, từng bước biến một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành doanh nghiệp Việt Nam. Hiện các khâu quan trọng như sản xuất, kinh doanh, … của SGP đều do nhân sự người Việt đảm nhận với hiệu quả cao.

“Đến năm 2015 này thì Giấy Sài Gòn đã đi vào hoạt động ổn định, tổng công suất đạt 320.000 tấn/năm và dự kiến có lợi nhuận sau một giai đoạn dài khó khăn. Doanh thu của chúng tôi năm nay khoảng 3.000 tỉ đồng, dự kiến khi vận hành hết công suất năm 2019 sẽ vượt mốc 5.000 tỉ đồng/năm.

Giấy Sài Gòn hiện đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp FDI như Vinacraft của SCG Thái Lan, Chính Dư của Trung Quốc hay Toyo Pulppy của Nhật. Mảng giấy tissue là mảng kinh doanh lớn nhất của Giấy Sài Gòn và chúng tôi đứng đầu về thị phần giấy này trong nước. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Để làm được điều này theo tôi là nhờ vào ý chí của toàn thể công ty”, ông Mai Hữu Tín cho biết.

Tấn công vào tư duy lối mòn

U&I Investment Corporation do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hiện là công ty mẹ của 39 công ty thành viên và liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, xây dựng, logistics, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, truyền thông và công nghiệp.

Chẳng hạn như UniAudit từng lọt vào danh sách 50 nhà tuyển dụng tốt nhất Việt Nam, Toàn Mỹ cho ra đời bồn nước inox đầu tiên tại Việt Nam, Unicons là một nhà thầu xây dựng lớn, hay Unifarm với trang trại nông nghiệp công nghệ cao rộng 500 ha đạt chuẩn GlobalGap đầu tiên ở Việt Nam… Một trong những ngành kinh doanh đã mang lại thành công sớm nhất cho ông Mai Hữu Tín là logistics.

Đóng gói tại nhà máy giấy Sài Gòn

“Chúng tôi tham gia vào lĩnh vực logistics các đây 17 năm và xác định ngay từ đầu là không đi theo con đường doanh nghiệp nội địa thường làm như chở thuê hay làm thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nước ngoài. Và chúng tôi đã cố gắng đi tìm cho mình một thị trường ngách.”, ông Mai Hữu Tín cho biết.

Theo ông Tín, tỉnh Bình Dương là nơi tập trung của phần lớn các nhà máy sản xuất xuất khẩu gỗ hàng đầu của Việt Nam. Và đa số các nhà bán lẻ lớn của Mỹ cũng tập trung tại Bình Dương để mua hàng về phân phối.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi thì trước đây các nhà bán lẻ từ Mỹ phải gom hàng từ các nhà máy ở Việt Nam rồi chuyển về kho hàng trung gian ở Long Beach hay New York rồi sau đó phân phối từng các giường, cái ghế, cái bàn… cho các cửa hàng trên toàn quốc. Sau khi tìm thấy ngách thị trường này, chúng tôi đã tìm cách thuyết phục một nhà bán lẻ đồ gỗ lớn của Mỹ chấp nhận sử dụng dịch vụ giao nhận của chúng tôi tại Việt Nam với chi phí thấp hơn, thời gian nhanh hơn.

Đầu tiên chúng tôi phải xây dựng kho đủ chuẩn để chứa hàng đồ gỗ, trang bị phần mềm kết nối với văn phòng của đối tác Mỹ và thuyết phục được Hải quan Mỹ chấp nhận chúng tôi là đối tác bảo đảm việc truy xuất hàng hóa khi thông quan. Từ kho hàng của chúng tôi ở Bình Dương, đồ gỗ sẽ đi thẳng đến các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ mà không cần đi qua kho trung gian ở Mỹ. Sau khi thành công với kho hàng ban đầu rộng 10.000 m2, chúng tôi đã chứng minh được hiệu quả dịch vụ của mình và có thêm nhiều khách hàng.

Đến nay, chúng tôi tự hào là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam với kho ngoại quan rộng hơn 200.000 m2, không có doanh nghiệp logistics nước ngoài nào có thể chen chân vào thị trường này”, ông Mai Hữu Tín chia sẻ.

Duy Khánh
Nguồn Trí thức trẻ