NutiFood - HAGL 'sinh con đầu lòng', mở rộng lương duyên

Sau 15 tháng “kết hôn”, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (NutiFood) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa ra mắt “đứa con đầu lòng” là sản phẩm sữa tươi Nuti 100%, đồng thời tiếp tục công bố kế hoạch chào đón đứa con thứ hai - sữa đậu nành hữu cơ. Liệu mối lương duyên này tiếp tục “xuôi chèo mát mái”?

Đứa con đầu lòng

Tại lễ ra mắt sản phẩm mới Nuti sữa tươi 100% đầu tuần qua, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood khẳng định, đây là thành quả của Dự án Hợp tác chăn nuôi bò sữa giữa HAGL và NutiFood được ký kết vào tháng 6/2014. Dự án có tổng kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó HAGL đầu tư 6.300 tỷ đồng để phát triển đàn bò sữa với số lượng 120.000 con, còn NutiFood đầu tư xây dựng nhà máy sữa tươi tại Gia Lai, với kinh phí 5.000 tỷ đồng, công suất 500 triệu lít sữa/năm để bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ trang trại HAGL.

Sau hơn 1 năm kể từ lúc ký kết dự án, đàn bò sữa của HAGL đã có gần 10.000 con, trong đó hơn 5.000 con cho sữa, với sản lượng mỗi ngày hơn 100 tấn. Toàn bộ số sữa này được đưa về Nhà máy Sữa NutiFood để sản xuất 2 sản phẩm Nuti sữa tươi 100% và sữa chua Nuti. “Giá sản phẩm của chúng tôi rẻ hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường là 3.000 đồng/lít. Có kết quả này là do HAGL đã bán nguyên liệu giá tốt cho chúng tôi”, ông Hải cho biết.

NutiFood và HAGL giới thiệu “đứa con đầu lòng” - sản phẩm sữa tươi Nuti 100%

Chia sẻ thông tin này, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết, sở dĩ Tập đoàn có thể bán được giá sữa tốt cho NutiFood là nhờ không phải nhập khẩu thức ăn cho bò, mà tận dụng nguồn thức ăn có sẵn như cây bắp, mật mía, cọ dầu, đồng thời áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp khiến bò cho sữa với năng suất rất tốt.

Hiện nay, ngoài lượng thức ăn tận dụng từ nguồn có sẵn, HAGL còn đầu tư trồng cỏ trên diện tích khoảng 700 ha, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, đồng thời chọn giống cỏ voi của Thái Lan thay vì loại cỏ voi VA06 mà Việt Nam vẫn trồng vừa cho năng suất cao lại rất giàu protein. Đàn bò sữa của HAGL được nhập khẩu từ Australia và New Zeland, mỗi con bò đều được gắn chip để theo dõi sức khỏe và chất lượng sữa, đảm bảo cung cấp cho NutiFood nguồn nguyên liệu với chất lượng tốt nhất.

“Trong giai đoạn khởi đầu dự án, tuy sản lượng còn khiêm tốn, nhưng chúng tôi đã cố gắng đưa sản phẩm ra thị trường với giá bán thấp nhất so với sản phẩm cùng loại và cam kết tiếp tục giảm giá thành để sữa tươi 100% ngày càng có giá bán hợp lý và mọi trẻ em Việt Nam đều có cơ hội tiếp cận”, ông Hải cho biết.

Mở rộng lương duyên

Sau khi ra mắt sản phẩm Nuti sữa tươi 100%, NutiFood và HAGL đã mở rộng “lương duyên” của mình với một đối tác nữa là Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam để phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất sữa đậu nành. Nói về sự hợp tác mới này, ông Hải chia sẻ, nguyên liệu là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với sản phẩm. Nguyên liệu tốt mới cho ra đời những sản phẩm chất lượng, thơm ngon.

“Với khả năng của mình, chúng tôi thấy khó có thể tự mình sản xuất được nguồn nguyên liệu tốt, nên chiến lược mà chúng tôi lựa chọn là liên kết. HAGL, với định hướng chuyển thành đơn vị chuyên về nông nghiệp, là một đối tác cực kỳ hiệu quả”, ông Hải cho biết.

Ảnh: Trí thức trẻ

Trong dự án liên kết phát triển nguồn nguyên liệu sữa đậu nành, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam sẽ nghiên cứu giống và trồng thực nghiệm để cho ra những loại đậu tương với năng suất cao, chất lượng tốt. HAGL sẽ dành khoảng 1.000 ha để trồng đậu tương và trong 5 năm tới, quỹ đất dự kiến lên tới 3.000 ha. NutiFood bao tiêu toàn bộ sản lượng đậu tương, dự kiến năm đầu tiên khoảng 2.500 tấn, cho ra khoảng 3,5 triệu lít sữa đậu nành và trong những năm tiếp theo khoảng 20.000 tấn đậu tương để sản xuất khoảng 185 triệu lít sữa đậu nành/năm.

“Khi đi tham quan trang trại và xem cách làm nông nghiệp của HAGL, tôi thật sự rất ngưỡng mộ. Các cụ vẫn nói muốn làm nông nghiệp thành công thì phải có các yếu tố ‘nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’ và trong dự án hợp tác này có đủ cả”, TS. Trần Thanh Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết.

Theo ông Hùng, nước thì trang trại của HAGL nằm ở gần các con sông, lại áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, vừa tiết kiệm nước, vừa hiệu quả. Phân thì đã có nguồn cung dồi dào từ trang trại chăn nuôi bò sữa và bò thịt của HAGL. Cần thì nhân lực cũng như máy móc hiện đại của HAGL và NutiFood là quá đủ. Và giống thì Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam có thể nghiên cứu ra những giống đậu tương chất lượng và năng suất cao.

Tham vọng của bầu Đức

Trả lời câu hỏi tại sao chọn Gia Lai, chứ không phải những địa danh nổi tiếng về nuôi bò sữa chất lượng cao đã được kiểm chứng thực tế như Lâm Đồng, Ba Vì..., ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, Gia Lai có khí hậu thổ nhưỡng không thua kém Lâm Đồng và Ba Vì, nếu không muốn nói là ổn định hơn. Vấn đề còn lại là giống nào phù hợp cho vùng đất này để đạt hiệu suất tối ưu 27-32 lít sữa/con, thay vì chỉ 23-25 lít/con như hiện nay của Lâm Đồng.

“Điều này cần sự hợp tác của các nhà khoa học và sự xuất hiện của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam trong giai đoạn II của hợp tác HAGL với NutiFood chính là “chìa khóa” để giải bài toán này”, ông Đức nói.

Ảnh: Trí thức trẻ

Một lợi thế nữa của Gia Lai nhìn ở góc độ kinh tế là khoảng cách từ Gia Lai sang các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Lào, Campuchia, hay Myanmar gần hơn từ Gia Lai đi Hà Nội hay TP.HCM. Do vậy, nếu HAGL phát triển vùng nguyên liệu, NutiFood đầu tư nhà máy đi vào hoạt động, thì sản phẩm của mối “lương duyên” này, bên cạnh việc phục vụ thị trường nội địa, còn có thể xuất khẩu ra những thị trường tiềm năng đang rất cần sữa tươi này của ASEAN.

Ngoài ra, chỉ với đàn bò hiện tại, mỗi ngày HAGL đã có đến 500 tấn phân bò và đang phải bán ra bên ngoài. Khi nhà máy sản xuất sữa đậu nành đi vào hoạt động và nguồn nguyên liệu đậu nành được trồng thì nguồn phân bò này sẽ được sử dụng hết.

Mặt khác, vùng nguyên liệu của HAGL và nhà máy của Nutifood chỉ cách nhau 40 km đường bộ. Do vậy, chất lượng nguyên liệu được đảm bảo, không tốn nhiều chi phí trong bảo dưỡng, vận chuyển như một số khu vực khác. Đây cũng chính là cơ sở để NutiFood giảm giá thành sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường.

Bên cạnh đó, đàn bò sau khi khai thác sữa còn được HAGL đưa vào quy trình giết mổ, để đưa sản phẩm thịt ra thị trường. Hiện nay, theo tiết lộ của bầu Đức, HAGL đang thí điểm cung cấp 300 con bò thịt ra thị trường/ngày. Toàn bộ số bò này đang được đưa vào hệ thông giết mổ tại hai thị trường chính là TP.HCM và Hà Nội để thử nghiệm

“Chúng tôi chưa dán nhãn HAGL lên thịt bò, vì còn cần thời gian để điều chỉnh chế độ ăn của bò nhằm đảm bảo lượng protein trong thịt bò sẽ không thua kém thịt bò nhập khẩu từ các thị trường nổi tiếng trên thế giới. Thời gian chỉ là trong năm 2016”, ông Đức cho biết.

Ảnh: Trí thức trẻ

Thách thức mới

Một điều dễ nhận thấy là, trong khi Vinamilk đang phải tự mình phát triển vùng nguyên liệu, tự nhập bò, đầu tư sản xuất nhà máy với công nghệ hiện đại..., thì việc NutiFood mở rộng hướng đầu tư vào sữa tươi với sự cộng hưởng nguồn lực từ HAGL cho thấy đây là một tham vọng lớn. Dù thành công vẫn còn là ẩn số, nhưng những yếu tố tạo nên thành công đã bắt đầu lộ diện.

Tuy nhiên, công suất tối đa của Nhà máy Sữa NutiFood tại Gia Lai là 500 triệu lít/sữa. Để đảm bảo cung ứng 100% cho nhà máy hoạt động, thì tổng lượng bò trong đàn là 65.000 con. Trong khi đó, kế hoạch của HAGL là phát triển 120.000 con bò. Câu hỏi đặt ra là hơn 60.000 con bò còn lại sẽ tìm đầu ra ở đâu?

Theo một chuyên gia xin giấu tên, NutiFood không thể sử dụng hết nguồn nguyên liệu này, nếu HAGL phát triển đúng và đủ theo cam kết thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2015. Nếu vậy, liệu HAGL có tiếp tục tìm đối tác mới để hợp tác sản xuất sữa, hay NutiFood sẽ phải thông qua kế họach huy động vốn để mở rộng công suất, đáp ứng đủ nguyên liệu này? Đây sẽ là một thách thức mới cho “lương duyên” của NutiFood và HAGL.

Bảo Giang
Nguồn Báo Đầu Tư