Các hãng bia ngoại đang chiếm dần thị trường bia Việt

Sự kiện đối tác Nhật Sapporo trong liên doanh Công ty TNHH Sapporo Việt Nam (SVL) mua hết 29% vốn góp của phía đối tác Việt Nam cho thấy thị trường bia trong nước đang "nóng" với sự tấn công của các hãng bia ngoại.

Sau thông tin vụ Sapporo mua lại cổ phần do Vinataba nắm giữ được loan báo cuối tuần qua, giới phân tích nhận định sẽ có nhiều thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) lớn khác trong lĩnh vực bia và nước giải khát trong năm nay hoặc năm tới bởi đây là thời gian Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đẩy mạnh thoái vốn.

Và đáng chú ý là thị trường bia trong nước được các hãng bia ngoại đánh giá là rất lớn và còn nhiều tiềm năng để khai thác.

Tham vọng của Sapporo

Trong khi nhiều nhà đầu tư chú ý đến Sabeco (Tổng công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn) là nơi mà nhiều DNNN ngoài ngành có vốn góp cổ phần thì Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã hoàn tất việc bán hết toàn bộ vốn góp của mình trong liên doanh SVL cho đối tác Nhật, và SVL chính thức được chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được gần một tháng nay.

Theo Vinataba, việc thoái hết toàn bộ vốn đầu tư tại SVL là nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính.

Nhãn bia Sapporo của Nhật đang đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước - Ảnh: Thanh Tao.

Tuy nhiên điều đáng chú ý là sau 5 năm hoạt động, dù liên doanh đang trong giai đoạn đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu và chưa có lợi nhuận, nhưng Sapporo International của Nhật vẫn chấp nhận mua lại toàn bộ phần vốn góp của Vinataba với giá mà theo tờ Nikkei (Nhật) lên đến 8,28 triệu đô la Mỹ. Phía đối tác Việt Nam của liên doanh này khẳng định họ đã bảo toàn và chuyển nhượng có lãi phần vốn góp.

Giới phân tích cho rằng việc Sapporo International mua lại phần vốn góp của đối tác Việt Nam trong liên doanh khi Vinataba thoái vốn là không khó dự đoán bởi Việt Nam được đánh giá là thị trường bia lớn nhất Đông Nam Á, trong khi mặt hàng này ở Nhât có xu hướng giảm do dân số ngày càng bị lão hóa.

Sau khi thâu tóm SVL, tập đoàn bia Nhật dự kiến sẽ đẩy mạnh doanh số bán hàng thông qua việc mở rộng mạng lưới đại lý, vốn hiện chỉ tập trung phần lớn ở TPHCM, báo Nikkei cho hay. Sản phẩm bia Sapporo Premium hiện đang được bán tại khoảng 4.000 nhà hàng và cửa hiệu tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Nikkei.

Thông qua mở rộng mạng lưới đại lý ra Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh thành khác, Sapporo đang có tham vọng tăng con số này lên khoảng 7.000 nhà hàng vào tháng 2 năm sau.

Mặt khác, theo khảo sát mà Sapporo đưa ra, trong 10 năm tới, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp 2-3 lần. Đây là yếu tố cốt lõi giúp Sapporo tin rằng, phân khúc bia cao cấp sẽ ngày càng lớn mạnh. Theo Nikkei, doanh số của SVL năm 2014 tăng đến 34% so với năm trước đó. Điều này lý giải vì sao Sapporo đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam để nâng công suất tại nhà máy sản xuất ở Long An hiện tại từ 40 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm trong những năm tới và đến năm 2019, công suất nhà máy sẽ được nâng lên 150 triệu lít.

Mục tiêu sắp tới của hãng là đưa doanh thu Sapporo Việt Nam chiếm 50% doanh thu nước ngoài của tập đoàn Sapporo tại Nhật.

Sapporo Việt Nam là nhà máy duy nhất của hãng ở khu vực đã xuất khẩu bia sang các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Úc… Mục tiêu sắp tới của hãng là đưa doanh thu Sapporo Việt Nam chiếm 50% doanh thu nước ngoài của tập đoàn Sapporo tại Nhật.

Ai sẽ là cổ đông chiến lược của Sabeco?

Không chỉ hãng bia gần 140 tuổi Sapporo chú ý đến tiềm năng thị trường lớn của Việt Nam mà nhiều hãng bia lớn khác trên thế giới cũng đã và đang nhảy vào Việt Nam với mục tiêu thâu tóm thị trường, trong đó đáng chú ý là thị trường bia phổ thông đang nằm trong tay những doanh nghiệp nhà nước như Sabeco và Habeco (Tổng công ty CP Bia Rượu và Nước giải khát Hà Nội).

Sabeco hiện chiếm lĩnh thị phần 46%, với các thương hiệu như bia 333 hay bia Sài Sòn. Chính phủ đang sở hữu hơn 89% cổ phần công ty này, và đang có kế hoạch bán tối đa 53% cổ phần cho một hoặc một vài nhà đầu tư chiến lược.

Do đó, với việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong đó có hãng bia Sabeco, ngay lập tức hàng loạt hãng bia ngoại từ năm ngoái đến nay đã lên tiếng muốn trở thành đối tác chiến lược mua cổ phần của Sabeco như Sab Miller, Kirin Brewery, Asahi Breweries, Asia Pacific Breweries…

Tuy nhiên, dư luận chú ý nhiều tới đề nghị của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, người đã lên tiếng muốn mua lại một phần vốn trong Sabeco với số tiền lên đến hàng tỉ đô la Mỹ. Trước đó, theo The Wall Street Journal, hãng đồ uống Thai Beverage (ThaiBev) thuộc quyền kiểm soát của ông Charoen mong muốn mua cổ phần trị giá 2 tỉ đô la Mỹ trong Sabeco.

Trong khi đó, một doanh nghiệp khác của Thái là tập đoàn Singha, hãng sản xuất Singha Beer, cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới Sabeco.

Một dây chuyền sản xuất bia của Sabeco - Ảnh: Internet

Với việc nhiều hãng bia ngoại muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco, giới phân tích cho rằng không có gì lạ bởi Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn trên thế giới và Sabeco được đánh giá là “miếng ngon” béo bở, đang thống lĩnh thị trường bia Việt Nam. Mua cổ phần Sabeco sẽ cho phép các đối tác nước ngoài tham gia thị trường ngay bởi chi phí để thâm nhập thị trường bia Việt Nam là rất cao và tốn nhiều thời gian. Mặt khác, việc tham gia vốn vào Sabeco không chỉ giúp họ tham gia sở hữu khoảng 20 nhà máy đang hoạt động với công suất đạt khoảng 1,8 tỉ lít bia rải đều nhiều tỉnh thành mà còn sở hữu cả những khối bất động sản của công ty này tại các thành phố lớn.

Giới đầu tư dự báo thương vụ này nếu thành công sẽ trở thành thương vụ tốt nhất châu Á và lớn nhất Đông Nam Á năm 2015. Doanh nghiệp nào sẽ trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco hiện giờ vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Sabeco với một thương hiệu tầm cỡ và quy mô tài sản lớn thì khó tìm được một doanh nghiệp tư nhân trong nước có đủ tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm trong ngành để trở thành cổ đông chiến lược tham gia phát triển.

Và các hãng bia ngoại khác

Theo Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2014, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng khoảng 8,1% so với năm trước đó, và đạt 3,14 tỉ lít. Dự báo trong năm 2015, tổng lượng bia sản xuất tiêu thụ cả nước sẽ đạt con số gần 3,3 tỉ lít.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia-rượu-nước giải khát Việt Nam, cho rằng dù thị trường bia trong nước hiện nay có mức tăng trưởng thấp hơn 5-7 năm trước nhưng mức tiêu thụ của sản phẩm này vẫn tăng khoảng 6-7%/năm. Do đó, Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng mà các hãng bia ngoại hướng đến.

Trong khi đó, theo Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương, theo quy hoạch phát triển ngành bia rượu, nước giải khát Việt Nam, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia sẽ đạt 4,5 tỉ lít, tăng khoảng 1,3 tỉ lít so với hiện tại. Đây là một "mảnh đất màu mỡ" cho các nhà đầu tư ngoại đến khai phá.

Dù thị trường bia trong nước hiện nay có mức tăng trưởng thấp hơn 5-7 năm trước nhưng mức tiêu thụ của sản phẩm này vẫn tăng khoảng 6-7%/năm.

Nhiều hãng bia ngoại đã có mặt cũng như mới đến cũng đang tăng cường mở rộng đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Đơn cử như hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) đang nắm nhiều cổ phần tại nhà máy bia ở Bà Rịa - Vũng Tàu; Liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á (Halida) và Công ty Bia Hạ Long đã lên kế hoạch tăng thêm khoảng 13% cổ phần nắm giữ tại Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) để đạt mức khoảng 30%.

Trong khi đó, hãng bia hàng đầu hàng đầu thế giới Anheuser - Busch InBev (AB InBev) vừa khánh thành nhà máy sản xuất bia với các thương hiệu của Mỹ là Budweiser và Beck's tại Bình Dương. Nhà máy có công suất 50 triệu lít bia mỗi năm trong giai đoạn 1 và dự kiến tăng lên 100 triệu lít/năm trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Ricardo Vasques, Tổng giám đốc AB InBev Việt Nam, cho biết việc công ty xây nhà máy tại Việt Nam dựa trên sức tiêu thụ bia Budweiser tăng trưởng tốt thời gian qua. Bia Budweiser và Beck's sản xuất tại nhà máy tại Bình Dương sẽ được tiêu thụ trong nước và xuất sang thị trường Ấn Độ. Trong tương lai công ty sẽ tiếp tục xuất sản phẩm sang các nước khác trong khu vực như Lào, Campuchia và Philippines.

Heineken thì xem Việt Nam là một trong bốn thị trường lớn nhất của hãng trên thế giới nên đã thường xuyên chọn Việt Nam tổ chức các sự kiện quan trọng về lễ hội âm nhạc, nghệ thuật và xúc tiến bán hàng của hãng trong những năm gần đây.

Thị trường càng hấp dẫn thì ngày càng có nhiều ông lớn nước ngoài nhòm ngó hoặc bằng con đường đầu tư trực tiếp xây nhà máy hoặc qua M&A để nhanh chóng tham gia thị trường.

Mặt khác sắp tới, Việt Nam ngày càng hội nhập, tham gia vào TPP, thị trường sẽ mở cửa, thuế nhập khẩu bia từ 35% sẽ giảm dần dần xuống 0%, vì vậy tương lai bia ngoại vào thị trường sẽ càng gia tăng.

Quốc Hùng
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn