Sếp cũ Volkswagen bị điều tra hình sự

Sức ép đối với hãng xe Volkswagen gia tăng khi cơ quan công tố bang Lower Saxony của Đức ngày 25/9 tuyên bố đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào cựu Giám đốc điều hành (CEO) vừa từ chức của hãng này, ông Martin Winterkorn.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Volkswagen đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng gian lận mức khí thải tại Mỹ. Vụ việc vỡ lở vào tuần trước khi nhà chức trách Mỹ tuyên bố Volkswagen sử dụng phần mềm gian lận để “nói dối” cơ quan chức năng và người tiêu dùng Mỹ về mức độ phát thải của dòng xe sử dụng nhiên liệu diesel do hãng sản xuất. Volkswagen cho biết khoảng 11 triệu xe của hãng trên toàn cầu bị ảnh hưởng trong vụ này.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Volkswagen vượt qua đối thủ Nhật Bản Toyota để trở thành hãng xe lớn nhất thế giới về doanh số. Tuy nhiên, vụ bê bối gian lận đang đặt hãng xe Đức này trước nguy cơ bị người tiêu dùng ở nhiều thị trường tẩy chay.

Tuần trước, ông Winterkorn từ chức CEO để mở đường cho việc thành lập một bộ máy lãnh đạo mới, đưa Volkswagen trở lại đúng hướng. Ông Matthias Mueller, CEO của Porsche, một công ty con của Volkswagen, đã lên thay cho ông Winterkorn từ hôm thứ Sáu.

Tuy vậy, tuần mới bắt đầu đã mang tới những dấu hiệu căng thẳng mới cho Volkswagen.

Volkswagen đang bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử 78 năm của hãng - Ảnh: Getty/CNBC.

Audi “vạ lây”

Một tuyên bố của cơ quan công tố vùng Braunschweig của Đức cho biết, cuộc điều tra hình sự đối với ông Winterkorn nhằm xác minh những cáo buộc gian lận về việc bán xe, đồng thời xác định xem ai là người chịu trách nhiệm cho việc lừa dối cơ quan chức năng Mỹ.

Volkswagen cũng đã nộp một đơn kiện hình sự lên cơ quan công tố vùng Braunschweig để hỗ trợ cho cuộc điều tra nội bộ của hãng.

Cũng trong ngày 28/9, Audi, thương hiệu xe sang trực thuộc Volkswagen, cho biết 2,1 triệu xe mang thương hiệu này trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối gian lận mức khí thải của hãng mẹ.

Khoảng 1,42 triệu xe Audi tại khu vực Tây Âu được lắp phần mềm mà Volkswagen sử dụng để gian lận mức khí thải ở thị trường Mỹ - Audi cho biết. Khoảng 13.000 xe Audi ở Mỹ và 577.000 xe Audi ở Đức cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, báo chí Đức nói rằng một kỹ sư của Volkswagen đã cảnh báo hãng này về hành vi gian lận từ năm 2011, nhưng bị phớt lờ.

Thứ Sáu tuần trước, Thụy Sỹ đã ban lệnh cấm bán các mẫu xe Volkswagen bị ảnh hưởng trong vụ bê bối. Nhà chức trách Đức nói Volkswagen cần đưa ra giải pháp cho khoảng 2,8 triệu xe bị ảnh hưởng tại thị trường Đức, nếu không những mẫu xe này cũng sẽ bị liệt vào danh sách cấm bán.

Gần 26 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi”

Trong tuần trước, giá cổ phiếu của Volkswagen giảm khoảng 30%. Trong phiên ngày thứ Hai, giá cổ phiếu này giảm thêm hơn 7% khi giới đầu tư lo ngại liệu hãng xe có thể đủ sức đối phó với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 78 năm lịch sử. Đến nay, vụ bê bối đã khiến giá trị vốn hóa của Volkswagen sụt giảm 23 tỷ Euro, tương đương 25,7 tỷ USD.

Volkswagen nói sẽ trích lập dự phòng 7,3 tỷ USD để giải quyết vụ bê bối. Theo ước tính, hãng có thể chịu mức phạt lên tới 18 tỷ USD.

“Nỗi lo lớn nhất của tôi là số tiền 6,5 tỷ Euro (7,3 tỷ USD) mà Volkswagen dự phòng có thể nhỏ hơn nhiều so với số tiền phạt mà hãng sẽ phải nộp trong vụ này”, nhà phân tích Juergen Pieper thuộc công ty Bankhaus Metzler phát biểu.

“Nỗi lo thứ hai của tôi là vụ bê bối này sẽ kéo dài trong bao lâu, có thể sẽ là vài năm trước khi được giải quyết. Khi đó, thiệt hại về uy tín là rất lớn”, ông Pieper nói thêm.

Tuần trước, Volkswagen nói sẽ trích lập dự phòng 7,3 tỷ USD để giải quyết vụ bê bối. Theo ước tính, hãng có thể chịu mức phạt lên tới 18 tỷ USD.

Nước Đức lo lắng

Trong một nỗ lực khôi phục niềm tin, Volkswagen đã đình chỉ các Giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển (R&D) của các thương hiệu Volkswagen, Audi và Porsche - nguồn tin của Reuters cho biết.

“Đây thực sự là một đòn giáng mạnh vào uy tín của công ty”, nhà phân tích Christian Ludwig thuộc công ty Bankhaus Lampe nhận xét. “Volkswagen giữ vai trò chủ cột của nền công nghiệp Đức, nên một vụ bê bối như thế này có ảnh hưởng rất lớn. Lấy lại uy tín sẽ là một nhiệm vụ nặng nề”.

Phát biểu ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đức Jens Saphn nói vụ bê bối của Volkswagen có nguy cơ gây thiệt hại đối với nền kinh tế Đức. Volkswagen là hãng xe lớn nhất, đồng thời là một trong những công ty sử dụng nhiều lao động nhất ở Đức, với 270.000 công nhân viên tại nước này.

Cùng ngày, chánh thư ký của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Peter Altmaier, nói với hãng tin Bloomberg rằng Chính phủ nước này “đang nỗ lực để hạn chế thiệt hại” do vụ bê bối của Volkswagen gây ra. Theo ông Altmaier, Chính phủ Đức muốn đảm bảo rằng uy tín của xe hơi Đức nói chung “không chịu thiệt hại” trong vụ này.

An Huy
Nguồn VN Economy