Người Hàn đào kênh phân phối: Đầu tư theo kiểu chương hồi

Người Hàn đã và đang phủ kín cả đầu vào lẫn đầu ra cho hàng hóa của họ tại Việt Nam như thế nào?

Quận Gò Vấp, TP.HCM đang chứng kiến cuộc đua xây dựng trung tâm thương mại và siêu thị giữa hai nhà bán lẻ thuộc tốp đầu của Hàn Quốc là Lotte và Emart. Nếu như Lotte là một tên tuổi đã quen thuộc đối với người dân Việt Nam, thì Emart lại chính là thương hiệu bán lẻ lớn nhất ở Hàn Quốc. Rõ ràng, “chiến địa” Việt Nam sẽ không chỉ nóng bởi các tập đoàn thuộc lĩnh vực sản xuất, mà còn lọt vào tầm ngắm của những đại gia ngành bán lẻ.

Cứ điểm Việt Nam

Đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh trong khoảng thời gian gần đây. Năm 2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở thị trường Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế lên đến 36,7 tỉ USD.

Ông Martin Tricaud, Tổng Giám đốc HSBC Hàn Quốc, dẫn lại nhận định của một tờ báo Hàn Quốc rằng: “Việt Nam đang là con đường chiến lược dẫn tới ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ, các hiệp định thương mại tự do”.

Còn theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, có đến 49% doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam như là điểm đến đầu tư lý tưởng nhất của họ. Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, trong 6 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 17,45 tỉ USD, tăng 12,1%. Trong đó đầu tư vào Việt Nam tăng tới 82,2%. Ðặc biệt, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ tăng đến 83%.

Hàn Quốc là quốc gia có ngành bán lẻ rất phát triển, trong khi Việt Nam đang là một thị trường bán lẻ tiềm năng. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao các doanh nghiệp bán lẻ Hàn Quốc chọn đến Việt Nam ngày một nhiều hơn. Ngoài ra, văn hóa của Việt Nam khá gần gũi với Hàn Quốc, theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.

Thực tế, các hãng bán lẻ Hàn Quốc vẫn đang thỏa sức vẫy vùng tại thị trường Việt. Năm 2014, Lotte đã khai trương siêu thị đầu tiên ở Hà Nội. Giữa năm nay, tập đoàn tiếp tục công bố đã mua lại 70% trung tâm thương mại Diamond Plaza ở TP.HCM, nơi có địa thế đắc lợi bậc nhất tại trung tâm kinh tế của cả nước. Vừa qua, Lotte đã đồng ý ký quỹ và nộp tiền sử dụng đất 2.000 tỉ đồng để xây Khu Đô thị Thủ Thiêm Eco Smart City.

Còn Emart, thương hiệu bán lẻ lớn nhất ở Hàn Quốc thuộc sở hữu của Tập đoàn Shinsegae, cũng đã chính thức vào Việt Nam sau khi “nhòm ngó” từ năm 2011. Emart hiện đang triển khai xây dựng mô hình đại siêu thị ở Gò Vấp, TP.HCM với giá trị đầu tư là 60 triệu USD. Có thể nói, khi Hiệp định thương mại song phương FTA giữa Hàn Quốc và Việt Nam chính thức được ký kết, thời điểm để người Hàn đào kênh phân phối tại Việt Nam thực sự đã chín muồi.

Đầu tư kiểu chương hồi

Bước chân của người Hàn trên thị trường Việt Nam được ví như một tiểu thuyết theo chương hồi. Trong đó, kế hoạch từng bước được vạch ra theo từng thời kỳ.

Người Hàn có cách xây dựng thương hiệu trong lòng khách hàng khá đặc biệt. Khách hàng ghi nhớ một cách vô thức văn hóa và sản phẩm Hàn Quốc thông qua con đường giải trí như phim ảnh hay ca nhạc. Những tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng có truyền thống gầy dựng sản phẩm quốc gia trở thành sản phẩm quốc tế. Điển hình của xu hướng này là Samsung, tập đoàn công nghệ có mức độ nhận biết đứng đầu ở Hàn Quốc và khá phổ biến trên thế giới.

Người Hàn không những sản xuất giỏi, phân phối tốt mà mức độ nhận diện thương hiệu rõ ràng cũng mạnh hơn khá nhiều so với Thái Lan và Nhật.

Sau văn hóa, bước đi tiếp theo của người Hàn là đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất. Khi chi phí trong nước trở nên đắt đỏ, họ tìm kiếm những mảnh đất khác còn tiềm năng. Việt Nam nằm trong số đó, với lợi thế về chi phí giá rẻ. Trước đây, người Hàn, giống như Trung Quốc hay Đài Loan, rót vốn vào những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Còn làn sóng đầu tư ngày nay của họ lại là thâm dụng vốn. Các tập đoàn Hàn Quốc tập trung vào lĩnh vực hàng điện tử, vốn mang lại giá trị cao hơn nhiều so với các sản phẩm giai đoạn trước đây.

Ngoài Samsung, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc muốn biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới. Gần đây nhất là dự án tổ hợp sản xuất LG trị giá 1,5 tỉ USD tại Hải Phòng. Ông Ko Tae Yeon, Tổng Giám đốc LG Việt Nam, cho biết đây là tổ hợp nhà máy sản xuất nhiều sản phẩm điện tử khác nhau, từ thiết bị kỹ thuật số cho ô tô, tivi, máy hút bụi, điện thoại di động... Hàng hóa sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu.

Nếu nhìn lại, các sản phẩm mà người Hàn đầu tư đều gắn liền với cuộc sống thường nhật. Trước đây là quần áo, giày dép, còn ngày nay là các loại đồ điện gia dụng, điện thoại di động. Tương tự ở lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng phải tiếp xúc và mua sắm các món đồ sử dụng hàng ngày. Những sản phẩm mà người Hàn đầu tư sản xuất cũng không nằm ngoài danh mục trên.

Sau khi đặt nền móng cho lĩnh vực sản xuất, bước tiếp theo của người Hàn là đào kênh phân phối để dẫn hàng hóa của mình phủ kín thị trường. Làm như vậy, người Hàn đã phủ kín cả đầu vào lẫn đầu ra cho hàng hóa mang thương hiệu quốc gia của họ.

Kênh phân phối có thể nói là cực kỳ quan trọng. Những quốc gia có nền sản xuất tốt buộc phải đào kênh để dẫn hàng của mình tràn vào thị trường bạn dễ dàng hơn. Lấy ví dụ như người Thái. Trước thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam, Tập đoàn BJC đã mua lại cổ phần của đối tác Nhật trong liên doanh Family Mart tại Việt Nam và sau đó đổi tên thành B’mart.

Trong khi đó, đại diện đến từ Nhật, đế chế bán lẻ AEON, cũng đang lo ngại mất miếng bánh thị trường. Gần đây, AEON công bố mua lại cổ phần của Citimart và Fivimart, điều mà đế chế bán lẻ này hiếm khi nào làm trong hơn 30 năm chinh chiến ở thị trường bên ngoài. Sau khi mua lại, hai siêu thị này lần lượt đổi tên thành AEON-Citimart và AEON-Fivimart. Hiện tại, sau khi đưa vào hoạt động trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM và Bình Dương trong năm 2014, AEON trong cuối tháng 10 tới sẽ mở trung tâm thương mại đầu tiên tại Hà Nội.

Ông Motoya Okada, Chủ tịch của AEON, lý giải trên báo giới: “Việt Nam sẽ sớm trở thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ. Bắt tay với các đối tác địa phương sẽ là một yếu tố quan trọng, bởi chúng tôi không thấy có khả năng chiến thắng nếu cứ cố gắng phát triển độc lập”.

Theo ông Motoya Okada, Chủ tịch của AEON, việc bắt tay với các đối tác địa phương sẽ là một yếu tố quan trọng, bởi khả năng chiến thắng sẽ không có nếu cứ cố gắng phát triển độc lập.

Sự lo lắng này là có cơ sở. Rõ ràng, người Hàn không những sản xuất giỏi, phân phối tốt mà mức độ nhận diện thương hiệu rõ ràng cũng mạnh hơn khá nhiều so với Thái Lan và Nhật.

Sau khi đào kênh, hàng nhập khẩu sẽ dần chiếm lấy vị trí thống lĩnh, dù trước đó các nhà bán lẻ ngoại từng tuyên bố sẽ ưu tiên hàng hóa Việt Nam. Như ở hệ thống siêu thị của Lotte, hàng hóa Hàn Quốc tràn ngập các quầy hàng. Ðiều tương tự cũng diễn ra với siêu thị AEON của Nhật. Nhiều khả năng điều này sẽ lặp lại với siêu thị Emart đang xây dựng, dù họ cũng tuyên bố mục tiêu 95% hàng hóa sẽ có xuất xứ Việt Nam.

Các nhà bán lẻ này cũng đang rất lạc quan với tiềm năng của thị trường Việt Nam. Lotte có tham vọng mở 60 siêu thị đến năm 2020, còn AEON thì có thể mở 20 siêu thị tại Việt Nam. Theo tờ Nikkei Asian Review, doanh số các chuỗi siêu thị lớn như vậy tại Việt Nam tăng 10,1% trong 8 tháng đầu năm nay. Mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái chỉ là 7,8%.

Năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt gần 30 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc với kim ngạch gần 22 tỉ USD, chiếm gần 15% trong cơ cấu nhập khẩu. Với con số này, Hàn Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Tình hình này vẫn tiếp diễn, theo số liệu 6 tháng đầu năm.

Thanh Phong
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư